31/08/2020 - 06:03

Tăng cường dạy nghề cho người thất nghiệp 

Với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp nâng cao tay nghề, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực tìm hướng đi mới trong đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, tăng dần số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề, tìm việc làm mới.

Giờ thực hành của học viên lớp kỹ thuật pha chế thức uống cơ bản tại Trung tâm DVVL thành phố.

Giờ thực hành của học viên lớp kỹ thuật pha chế thức uống cơ bản tại Trung tâm DVVL thành phố.

Trung tâm DVVL thành phố vừa phối hợp tổ chức khai giảng 2 lớp nghề làm chủ hệ thống bán hàng online (bán hàng online) và kỹ thuật spa cơ bản (spa), với trên 40 người thất nghiệp theo học. Trong 2,5 tháng, giáo viên hướng dẫn học viên lý thuyết và thực hành các kiến thức, kỹ thuật nghề cơ bản; lồng ghép cung cấp một số kỹ năng kinh doanh cũng như điều kiện tổ chức mô hình kinh doanh. Qua đó, giúp học viên sau khi kết thúc lớp nghề đủ tự tin tìm việc làm hay tự mở cơ sở kinh doanh.   

Chị Phan Thị Thùy Linh, Phó Trưởng Phòng Đào tạo - Việc làm, cho biết, xác định cần thiết hỗ trợ người thất nghiệp nhanh chóng quay lại thị trường lao động nên Trung tâm tổ chức tư vấn người lao động chọn học nghề phù hợp sở thích, nguyện vọng, nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội để người thất nghiệp tìm được việc làm. Với chính sách hỗ trợ học nghề theo quy định của bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đảm bảo người thất nghiệp không đóng thêm khoản chi phí nào và an tâm với chất lượng đào tạo. Từ đầu năm đến nay, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm tranh thủ cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức dạy nghề cho 843 người thất nghiệp, trong đó, có 518 người học tại Trung tâm, gồm các nghề đang thịnh hành: Đồ họa ứng dụng Photoshop, đồ họa ứng dụng Corel Draw, thợ phụ tóc, kỹ thuật pha chế thức uống cơ bản, kỹ thuật nấu ăn cơ bản, kỹ thuật làm bánh cơ bản, kế toán, bán hàng online, spa… Phùng Mỹ Diễm, học viên lớp nghề thợ phụ tóc, nói: “Lúc trước, tôi làm nhân viên văn phòng. Vốn thích làm đẹp, muốn thay đổi việc làm phù hợp và thử sức mình nên tôi quyết định chọn học nghề thợ phụ tóc, không gò bó thời gian và môi trường làm việc tự do. Qua thực tế, tôi thấy thu nhập nghề làm tóc khá ổn định có thể tự lo cho bản thân, phụ giúp gia đình và phát triển lâu dài. Tôi sẽ xin làm thợ phụ tóc để nâng cao tay nghề, học hỏi một số kỹ thuật làm đẹp khác và dự định cuối năm mở cửa tiệm tại nhà”. Do thích nghề pha chế thức uống và tự lập trong cuộc sống, bạn Trần Quốc Quân, học viên lớp nghề kỹ thuật pha chế thức uống cơ bản, cho biết: “Giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình truyền thụ kiến thức nên tôi cảm thấy thích thú vì chọn học đúng nghề. Tôi đang thử việc tại cơ sở kinh doanh thức uống để được cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm kinh doanh. Tôi mong muốn học thêm lớp nâng cao tay nghề để có thể tự tin mở tiệm sau này”.

Trung tâm DVVL thành phố xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp đối tượng, thời gian, điều kiện người thất nghiệp. Quá trình học nghề, học viên chủ yếu vận dụng lý thuyết vào thực hành, tích lũy kiến thức khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, Trung tâm còn có danh bạ nghề đào tạo đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, xu thế thị trường lao động để học viên thuận lợi chọn nghề học theo sở thích, nguyện vọng. Theo chị Thùy Linh, giáo viên đảm bảo trang bị kiến thức cơ bản, còn việc sáng tạo, phát triển nghề tùy khả năng, năng khiếu từng người. 

Qua khảo sát, có 395 người thất nghiệp tìm được việc làm với nghề được học, trong đó, nhiều người tự khởi sự kinh doanh. Chị Khưu Cẩm Loan, ở phường An Phú (quận Ninh Kiều), từng theo học lớp nghề kỹ thuật làm bánh cơ bản tại Trung tâm. Hiện chị Loan ổn định thu nhập với nghề bán hàng online các loại bánh, đắt hàng nhất là bánh sinh nhật và bánh bông lan trứng muối. Còn chị Lâm Thị Xuân Liễu, ở phường Bình Thủy (quận Bình Thủy), sau khi được nhân viên tư vấn, chị sắp xếp thời gian theo học nghề kỹ thuật pha chế thức uống cơ bản tại Trung tâm. Được giáo viên hướng dẫn tận tình, nắm vững kiến thức, kỹ thuật nghề, chị Liễu mạnh dạn mở tiệm kinh doanh các loại nước uống thông dụng tại nhà và bán hàng online...

Không chỉ tổ chức đào tạo nghề tại chỗ, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để người thất nghiệp tham gia học nghề theo nhu cầu và có việc làm phù hợp. Sắp tới, bên cạnh tiếp tục mở rộng hình thức đào tạo nghề, phát triển thêm các nghề mới, Trung tâm tăng cường trang bị kiến thức khởi sự kinh doanh cho phụ nữ; các hình thức kết nối giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp. Đồng thời, quan tâm việc tổ chức quản lý lớp học, trình độ chuyên môn của giáo viên, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Trung tâm.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết