|
Tân Thủ tướng Abhisit gặp gỡ báo giới hôm 19-12.
Ảnh: AFP |
Hôm nay 22-12, nội các mới của Thái Lan tuyên thệ nhậm chức. Theo tân Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, hai nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của chính phủ là phục hồi kinh tế và hòa hợp dân tộc. Đây là những vấn đề rất khó giải quyết, nhất là trong bối cảnh có không ít điều tiếng xung quanh nội các mới.
Nội bộ đảng Dân chủ cầm quyền đang bất đồng về việc bổ nhiệm các thành viên nội các. Nhiều nghị sĩ kỳ cựu cho rằng Thủ tướng Abhisit quá ưu ái các đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền. Cụ thể, bốn đảng nhỏ chỉ chiếm 31% số nghị sĩ trong liên minh cầm quyền, nhưng được ông Abhisit phân bổ gần phân nửa trong tổng số 36 ghế của nội các. Điều đáng nói là một số bộ trưởng của các đảng này không có năng lực. Dưới áp lực của giới doanh nghiệp, Thủ tướng Abhisit vào giờ chót đã phải đưa ông Charnchai Chairungruang làm Bộ trưởng Công nghiệp thay cho nhân vật thuộc một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền. Trong khi đó, dù bị dư luận “chê” nhưng bà Pornthiwa Nakasai vẫn giữ chức Bộ trưởng Thương mại.
Ngoài ra, một số nghị sĩ Dân chủ còn tố cáo tình trạng “mua quan bán tước”. Nghị sĩ Nipit Intarasombat cho rằng tỉ phú Virachai Virameteekul được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng nội các là do ông này từng giúp đảng Dân chủ quyên góp 500 triệu baht. Thậm chí có tin nói rằng các nhân vật không phải là chính khách nhưng được bổ nhiệm vào ghế bộ trưởng phải “chung chi” mỗi người 100 triệu baht. Thủ tướng Abhisit đương nhiên bác bỏ thông tin này, cho rằng một số nghị sĩ bất mãn vì không được vào nội các nên tung tin thất thiệt. Còn Tổng thư ký đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban thì tuyên bố sẽ từ chức nếu có ai chứng minh được rằng ông bán ghế bộ trưởng.
Tuy nói rằng muốn hòa hợp dân tộc, nhưng trong thành phần nội các của Thủ tướng Abhisit lại có nhiều nhân vật có quan hệ với Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), lực lượng đã tiến hành cuộc biểu tình kéo dài 193 ngày lật đổ hai thủ tướng của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP). Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij (bạn cùng lớp tại Đại học Oxford với ông Abhisit) hồi tháng 8 từng gọi những người biểu tình là “anh hùng” khi đến cổ vũ họ bao vây Văn phòng Thủ tướng. Còn Ngoại trưởng Kasit Piromya (cựu Đại sứ ở Mỹ) từng đăng đàn phát biểu tại Phi trường quốc tế Suvarnabhumi khi PAD chiếm sân bay này hồi tháng 11, trong khi vợ ông lo cung cấp thức ăn và thuốc men cho người biểu tình. Một nhân vật đáng chú ý khác trong nội các mới là Bộ trưởng Quốc phòng Pravit Wongsuwan. Vị cựu Tổng tư lệnh quân đội này từng dính líu tới cuộc binh biến lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006. Ông này cũng là anh trai cựu Tư lệnh cảnh sát quốc gia Phatcharavat Wongsuwan, người bị Thủ tướng Somchai Wongsawat cách chức hồi tháng 11 vì không mạnh tay đẩy lùi người biểu tình ra khỏi các sân bay ở Bangkok.
Lực lượng “áo đỏ” ủng hộ PPP tuyên bố sẽ biểu tình qui mô lớn tại Quảng trường Sanam Luang vào ngày 28-12, sau đó kéo đến Tòa nhà Quốc hội để phản đối bài phát biểu đầu tiên về chính sách của Thủ tướng Abhisit. Mục tiêu của họ là kêu gọi giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.
Tân Thủ tướng Thái Abhisit đang đối mặt với những nguy cơ bất ổn mới.
LÊ DÂN (Theo The Nation, AFP)