21/08/2021 - 07:45

Taliban gặp khó trong điều hành Afghanistan 

Theo báo The Diplomat, đối mặt với nhiều thách thức, từ thiếu thốn lương thực cho đến tiền mặt, Taliban đã quay sang đàn áp những người biểu tình, bất chấp lực lượng này cam kết sẽ cai trị Afghanistan theo hướng ôn hòa hơn so với 2 thập niên trước.

Các tay súng Taliban đối đầu với người biểu tình ở Kabul hôm 19-8. Ảnh: NY Times

Mary Ellen McGroarty, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Afghanistan, cảnh báo về tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng ở quốc gia 38 triệu dân này. Ngoài việc khó nhập khẩu lương thực, hạn hán cũng đã khiến hơn 40% mùa màng của Afghanistan mất trắng. “Một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn sắp xảy ra trước mắt chúng ta”, bà McGroarty nhấn mạnh. Trong bối cảnh trên, Taliban đã đề nghị LHQ ở lại Afghanistan để tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân đạo. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng Afghanistan đang rất cần tiền mặt trong khi Taliban không thể tiếp cận được nguồn dự trữ ngoại tệ và các khoản viện trợ quốc tế.

Theo cựu quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady, trước khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15-8, ngân hàng này còn gần 9 tỉ USD dự trữ. Tuy nhiên, 7 tỉ USD trong số này được gửi trong các tài khoản tại Mỹ. Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đóng băng các tài khoản đó.

Không chỉ vậy, Mỹ còn có thể siết chặt các nguồn tiền khác của Taliban. Bằng sức ảnh hưởng lên hệ thống tài chính quốc tế, Washington có khả năng ngăn Taliban tiếp cận 1,3 tỉ USD dự trữ mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi trong các tài khoản quốc tế khác, đặc biệt là tài khoản bằng đồng euro và bảng Anh ở một số ngân hàng châu Âu. Phần còn lại trong khoản tiền dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, trị giá khoảng 700 triệu USD, được lưu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đặt ở Thụy Sĩ. Theo ông Ahmady, khoản tiền Taliban có thể tiếp cận được chỉ rơi vào khoảng 0,1-0,2% tổng dự trữ quốc tế của Afghanistan.

Chưa hết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây xác nhận sẽ ngăn Afghanistan tiếp cận gói dự trữ gần 460 triệu USD dưới dạng quyền rút vốn đặc biệt, trước sức ép của chính quyền Mỹ. Afghanistan dưới thời Taliban sẽ không thể quy đổi dự trữ này thành tiền mặt như nhiều nước thành viên khác của IMF.

Tương lai gói hỗ trợ 12 tỉ USD cho Afghanistan trong vòng 4 năm, được hơn 60 quốc gia thống nhất cuối năm ngoái, cũng có thể chịu chung số phận. Từ tuần rồi, Chính phủ Ðức đã cảnh báo ngừng mọi khoản viện trợ cho Afghanistan nếu Taliban lên nắm quyền và áp đặt luật Hồi giáo Sharia hà khắc như trong giai đoạn 1996-2001. Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự khi yêu cầu chính quyền mới ở Afghanistan “làm rõ tình hình” nếu muốn được nối lại hỗ trợ.

Ông Ahmady dự báo đồng Afghani của Afghanistan sẽ bước vào giai đoạn sụt giá và nền kinh tế rơi vào lạm phát nhanh chóng nếu Taliban không thể khôi phục dự trữ tại Ngân hàng Trung ương. Tình trạng đói nghèo ở Afghanistan sẽ trở nên trầm trọng hơn chừng nào Taliban chưa tìm ra hướng khắc phục, đặc biệt khi gần 3/4 chi tiêu công của nước này dựa vào viện trợ và vay quốc tế.

Biểu tình lan tới Kabul

Hôm 19-8, làn sóng biểu tình phản đối việc Taliban tiếp quản chính quyền đã lan sang nhiều thành phố, gồm cả thủ đô Kabul. Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy đám đông vẫy quốc kỳ ở Kabul và hô vang khẩu hiệu “Cờ của chúng ta, bản sắc của chúng ta” vào đúng thời điểm Afghanistan mừng Ngày Ðộc lập. Biểu tình cũng nổ ra tại thành phố Jalalabad và một huyện của tỉnh Paktia, đều ở phía Ðông Afghanistan. Các nhân chứng cho biết nhiều người đã thiệt mạng khi các tay súng Taliban xả súng vào đám đông ở thành phố Asadabad, thủ phủ tỉnh Kunar. Hôm trước đó, lực lượng này cũng bị nghi đã bắn vào những người biểu tình vẫy cờ ở Jalalabad, khiến 3 người chết. Một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ, nhưng cộng với việc hàng ngàn người tìm cách rời khỏi Afghanistan đã tô đậm thách thức mà Taliban phải đối mặt trong việc điều hành quốc gia Tây Nam Á.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết