10/05/2015 - 09:35

Tài năng nhí - đừng “gặt lúa non”!

Đang thời nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế và trẻ em cũng là đối tượng được các nhà sản xuất nhắm đến để thu hút người xem đài. Nhiều “phiên bản nhí” của các chương trình dành cho người lớn được phát triển và công bằng mà nói, qua đó, một số tài năng nhí đã được phát hiện. Tuy nhiên, với cách tận dụng triệt để các em để tạo “sự kiện truyền thông” như hiện tại, liệu những ngôi sao mới chớm này có còn môi trường lành mạnh để phát triển năng khiếu?

Tài năng có thật!

Đồ Rê Mí là chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho thiếu nhi có quy mô đầu tiên ở Việt Nam, phát sóng lần đầu năm 2007. Sau 9 lần tổ chức, Đồ Rê Mí đã được các bậc phụ huynh tin tưởng đưa con tham gia nhằm cho trẻ cơ hội thể hiện tài năng, niềm đam mê, kỹ năng sống. Gần đây, hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế phát triển phiên bản dành cho thiếu nhi từ khung chương trình dành cho người lớn như “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”… Ngoài ra còn có chương trình cho mọi lứa tuổi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” cũng thu hút rất đông thí sinh nhỏ tuổi. Từ những chương trình này, nhiều tài năng thiếu nhi có cơ hội thể hiện mình và góp phần làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật – giải trí.

 Không thể phủ nhận, nhờ các chương trình truyền hình thực tế, nhiều tài năng nhí đã được phát hiện, chăm bồi. Trong ảnh: Bé Bảo Ngọc – thí sinh được khán giả yêu thích cuộc thi Đồ Rê Mí 2014, trình diễn cùng nghệ sĩ Thanh Ngân và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trong một chương trình nghệ thuật tại Cần Thơ.

Điển hình là Phương Mỹ Chi, về nhì trong cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2013”. Giọng hát ngọt ngào, trữ tình của Phương Mỹ Chi khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ được rất nhiều người yêu thích. Với ca khúc “Quê em mùa nước lũ”, em đã đạt giải “Bài hát của năm” trong chương trình Bài hát yêu thích 2014 với số tiền thưởng 1 tỉ đồng. Nhờ đó, Phương Mỹ Chi xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ trong và ngoài nước. Giọng hát Uyên Nhi trong chương trình “Gương mặt thân quen nhí” cũng là một phát hiện thú vị. Cô bé có thể hóa thân xuất sắc thành ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung với cách bắt chước rất có duyên, giọng hát nhiều nội lực. Ngoài ra, nhiều giọng hát nhí khác cũng được yêu thích như: Thiện Nhân, Quang Anh, Vũ Song Vũ, Linh Nhi… đều trưởng thành từ các cuộc thi trên truyền hình.

Ở lĩnh vực múa, nhiều tài năng nhí đã chinh phục khán giả như cặp đôi Đăng Quân – Bảo Ngọc, quán quân “Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2012”; bé Linh Hoa, quán quân “Bước nhảy Hoàn vũ nhí 2014”… Các em đã chinh phục người hâm mộ bằng những bước nhảy điêu luyện, kỹ thuật khó, khả năng biểu cảm kết hợp động tác nhuần nhuyễn.

Người lớn “sống ảo”!

Tuy nhiên, có lẽ trong môi trường giải trí bát nháo hiện nay, các tài năng nhí sau khi được phát hiện khó mà có cơ hội tiến bộ đúng nghĩa. Áp lực đầu tiên đến từ những người thân của các em. Có cảm giác rằng một khi cha mẹ có con là “tài năng”, đều thiếu định hướng phát triển lâu dài cho các em và chỉ xem đây là cơ hội kiếm tiền. Dĩ nhiên, việc các em biểu diễn để tăng thu nhập cho gia đình không phải xấu, nhưng nếu “tận thu triệt để” sự quan tâm của truyền thông, thì chắc hẳn sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai của các em.

Nếu so với 2 năm trước, khi Phương Mỹ Chi vừa được phát hiện, thì nay em đã khác nhiều, từ phong cách biểu diễn, ngoại hình đến giọng hát. Sự ngọt ngào, ngây thơ trong giọng ca 10 tuổi đã không còn, thay vào đó là sự vô hồn, thiếu cảm xúc vì biểu diễn dày đặc. Hệ quả ấy khiến nhiều người đặt vấn đề, người nhà em đâu khi để em “gửi thân” cho các công ty giải trí, loay hoay kiếm tiền, không còn thời gian học hành. Mới đây, một phụ huynh ở Cà Mau khi đưa con trai 12 tuổi lên tận TP Hồ Chí Minh dự tuyển “Giọng hát Việt nhí” đã tâm sự rằng cho con tham gia chương trình với mục đích “giúp con nổi tiếng để…đổi đời”. Đáng buồn hơn khi biết cậu bé ấy đã nghỉ học từ năm lớp 4!

Góp phần làm lu mờ các tài năng nhí còn có các phương tiện truyền thông. Họ soi mói từ đời tư, ăn uống, biểu diễn đến cách ăn mặc của các em. Việc một tờ báo đưa tin “Phương Mỹ Chi với mốt không quần” khiến nhiều người phẫn nộ. Một cô bé hơn 10 tuổi khi chọn những trang phục ấy hẳn không nghĩ được nhiều điều như thế. Hay sau khi Đức Vĩnh đăng quang, cậu bé 9 tuổi đã phải chịu sự xâm phạm đời tư thô bạo. Từ góc nhà, chái bếp, bộ máy vi tính, chiếc áo, đôi dép, cả chuyện em mổ ruột thừa đều được (hay “bị” trưng ra trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả giới tính của Đức Vĩnh cũng bị đem ra bàn cãi. Một cậu bé 9 tuổi chắc chắn chỉ làm những gì mình thích và đam mê. Lại còn có trang mạng so sánh gia cảnh giàu nghèo của Đức Vĩnh với một cô bé khác và “kết tội” cô bé ấy giàu mà chẳng bằng Đức Vĩnh! Hay việc tô đậm, nhắc đi nhắc lại yếu tố “mồ côi” của bé Huyền Trân – thí sinh “Giọng hát Việt nhí 2014” khiến nhiều người đau lòng. Nhà đài, truyền thông sao nỡ lấy nỗi đau của trẻ thơ làm đề tài câu khách.

*

* *

Suy cho cùng, tài năng nhí vẫn là “hạt mầm”. Việc hạt mầm ấy nảy nở, phát triển ra sao còn phải nhờ đến tình thương, trách nhiệm và cả sự nhẫn nại của cha mẹ, gia đình và xã hội. Bởi một khi người lớn thích ăn “rau mầm” thì hạt mầm ấy sẽ chẳng bao giờ có cơ hội xanh cây tốt lá!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết