19/08/2020 - 08:30

Tái đàn heo theo hướng an toàn sạch bệnh 

Hiện nay, giá heo hơi ở TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL đang ở mức cao, cho lợi nhuận khá đã hấp dẫn người nuôi tái đàn, đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Nhiều cơ sở chăn nuôi heo vừa và lớn ở TP Cần Thơ đã thực hành mô hình chăn nuôi mới, tạo ra số lượng heo giống sạch bệnh tăng nhanh, từng bước phục hồi tổng đàn heo trên địa bàn thành phố...

Heo tái đàn phát triển tốt ở cơ sở chăn nuôi của ông Dương Hoàng Dũng.

►Tái đàn an toàn

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) chấm dứt, đã qua hơn 6 tháng, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố được hỗ trợ tái đàn, phát triển đàn heo. Là một trong những hộ chăn nuôi áp dụng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình ông Dương Hoàng Dũng, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ đã sớm khôi phục sản xuất, chăn nuôi heo hiệu quả. Ông Dũng thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, với tổng đàn heo trên 400 con, trong đó heo nái 80 con và 320 con heo thương phẩm. Riêng sản xuất heo giống, mỗi năm heo nái có 2 lứa đẻ, bình quân 1 con heo nái đẻ 20 heo con giống (trong năm) nên trại nuôi của ông cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 heo con. Vào thời điểm này heo con vừa cai sữa khoảng 10 kg/con có giá 2,5 triệu đồng, cho lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, hiện nay lượng heo giống không đủ bán do nhu cầu tái đàn nuôi của người dân rất cao.

Ông Dương Hoàng Dũng nhận định: trong đợt DTHCP vừa qua, chuồng trại chăn nuôi không khép kín khó phòng dịch nên gia đình ông cũng bị thiệt hại, thua lỗ. Vì vậy, sau khi dịch bệnh đi qua và được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi mới, chuồng trại được thực hiện các bước vệ sinh phòng dịch, ông đầu tư nuôi heo theo mô hình khép kín, nuôi trong chuồng lạnh đảm bảo an toàn, chống dịch bệnh xâm nhập. Sản phẩm tạo ra là con giống sạch bệnh. Tương tự, cơ sở chăn nuôi của ông Phan Công Minh, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ cũng từng bị thiệt hại trong đợt DTHCP, đến nay cơ sở đã phục hồi trở lại, tạo ra con giống sạch bệnh, heo thương phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở chăn nuôi của ông cũng đạt chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…

Bà Phạm Mỹ Hạnh, Phó Phòng Chăn nuôi và Thú y, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay có nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi heo ở các huyện ngoại thành đã bắt nhịp sản xuất. Nhiều cơ sở chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học đã phòng ngừa được dịch bệnh, sản phẩm tạo là con giống an toàn, sạch bệnh. Ðiển hình như hộ anh Nguyễn Văn Dũng, ở xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, tái đàn trở lại được trên 300 con, chuyên nuôi heo nái để sản xuất heo giống… Heo giống tạo ra được cung cấp cho người nuôi trên địa bàn, góp phần cùng thành phố khôi phục lại đàn heo sau dịch bệnh”.

Heo hơi, heo thịt, heo giống và thức ăn chăn nuôi đều đang ở mức giá cao. Giá thành chăn nuôi khoảng 5 triệu đồng/tạ heo xuất chuồng (100 kg/con). Với giá heo hơi từ 81.000-85.000 đồng/kg nên người chăn nuôi có lãi khá. Tuy nhiên, dù đã qua DTHCP, nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó vì điều kiện chuồng trại thô sơ không đạt yêu cầu, thiếu con giống, lo sợ tái phát dịch nên cũng chưa dám tái đàn. Do đó khả năng đáp ứng nhu cầu heo thịt thương phẩm từ hộ chăn nuôi trong thành phố hiện chỉ đạt 60%, phần còn lại phải nhập heo hơi từ các tỉnh trong vùng ÐBSCL và khu vực lân cận...

►Điều kiện tái đàn

Sau gần 6 tháng (từ 23-5 đến 14-11-2019) chống bệnh DTHCP, đa số hộ chăn nuôi nhỏ và cán bộ thú y TP Cần Thơ đã nhận thấy mức độ thiệt hại nặng nề. Ðối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, dưới dạng nông hộ sẽ gặp khó khăn khi khôi phục đàn heo. Nếu các hộ trên tiếp tục tái đàn, bất chấp rủi ro còn tiềm ẩn trong khi khả năng phòng vệ yếu sẽ rất dễ tái phát dịch bệnh. Vì vậy, từ sau tháng 11-2019 (sau khi bệnh DTHCP không còn xuất hiện) chỉ có một số trang trại quy mô vừa mạnh dạn làm thủ tục đăng ký tái đàn heo trở lại và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương áp dụng chăn nuôi theo cách làm mới, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Lê Trung Hoàng, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Dự đoán trước tình hình nguồn cung thực phẩm sẽ thiếu hụt, đặc biệt sản lượng thịt hơi các loại giảm mạnh. Cuối năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ lên kế hoạch tổ chức sản xuất, tái đàn heo, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt. Ðến nay, đàn heo trên địa bàn thành phố cũng từng bước khôi phục và đảm bảo an toàn phòng tránh dịch”.

Hiện nay, nguồn cung heo hơi thiếu hụt, thị trường thịt heo các tỉnh trong vùng ÐBSCL tăng giá cao. Tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi hấp dẫn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ muốn tái đàn nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Ðặc biệt thiếu heo giống sạch bệnh, vốn và điều kiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học để kiểm soát phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, theo chủ trương tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi của thành phố thì các cơ sở chăn nuôi từ các quận nội thành chuyển dịch ra khu vực các huyện ngoại thành là phù hợp với chăn nuôi nông hộ có quy mô nhỏ, thiếu điều kiện đầu tư. Ðồng thời, thành phố sẽ tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật phát triển chăn nuôi quy mô trang trại theo hướng hiện đại, bền vững cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cũng quy định đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi đã xảy ra bệnh DTHCP muốn tái đàn heo phải qua trên 30 ngày không tái phát bệnh. Chủ cơ sở chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như: nuôi cách ly, vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học, an toàn phòng tránh dịch bệnh. Ðiều cần lưu ý, người chăn nuôi tái đàn phải phù hợp với quy mô, khả năng nuôi và từng thời điểm phù hợp, cân bằng cung - cầu trên thị trường...

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi muốn tái đàn phải kê khai với chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Nếu trường hợp không kê khai và để xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch. Mặt khác, điều kiện cơ sở chăn nuôi tái đàn phải có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp an toàn sinh học theo các quy định pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, Global GAP…

TP Cần Thơ có tổng đàn heo trên 103.000 con (đạt gần 80% kế hoạch năm), trong đó, có 8.162 heo giống, 94.799 heo thịt. Ông Lê Trung Hoàng cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, ngành thú y thành phố tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi thí điểm kiểu mẫu, tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn cho cán bộ thú y cơ sở để phối hợp, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tái đàn heo đảm bảo an toàn sạch bệnh và đạt hiệu quả cao. Thành phố đang quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và quận Thốt Nốt theo các mô hình an toàn sinh học, VietGAP…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết