28/03/2023 - 06:37

Tác hại từ thói quen ngồi bắt chéo chân

Mặc dù nhiều người có thể thấy thoải mái khi ngồi bắt chéo chân, nhưng các chuyên gia sức khỏe cảnh báo thói quen này về lâu dài có ảnh hưởng xấu đến tư thế cơ thể và sức khỏe tổng thể.

Trước tiên, nghiên cứu cho thấy ngồi bắt chéo chân làm tăng độ lệch của hông, với một bên hông cao hơn bên kia. Điều này làm thay đổi tốc độ máu di chuyển qua các mạch máu ở chân, nên có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Hầu hết nghiên cứu chỉ ra rằng tư thế ngồi chéo chân có nhiều tác hại. Cụ thể, cách ngồi này dễ làm tăng mức huyết áp vì khiến dòng máu dồn lại trong tĩnh mạch và buộc tim phải làm việc cật lực để điều hòa. Tình trạng đó có thể làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và là lý do tại sao khi đo huyết áp, bạn nên đặt bàn chân bằng phẳng trên sàn nhà để bình ổn huyết áp trở lại.

Càng ngồi bắt chéo chân lâu và thường xuyên thì khả năng tạo ra những thay đổi lâu dài trong chiều dài cơ và cách sắp xếp xương tại phần xương chậu càng tăng. Do khung xương của cơ thể có liên kết với nhau, việc bắt chéo chân cũng có thể gây lệch cột sống và vai. Tương tự, vị trí đầu cũng có thể bị lệch vì những thay đổi ở xương cổ, khi cột sống cong lại để giữ trọng tâm của phần thân trên xương chậu. Cổ cũng có thể bị ảnh hưởng do một bên cơ thể yếu hơn bên kia. Tình trạng mất cân bằng tương tự có thể diễn ra ở các cơ xương chậu và lưng dưới do tư thế cơ thể xô lệch và chịu sức ép khi ngồi chéo chân. Khung xương chậu cũng có thể bị lệch do cơ mông ở một bên bị kéo dài lâu, khiến chúng trở nên yếu hơn.

Ngồi chéo chân trong thời gian dài còn làm tăng khả năng bị vẹo cột sống và các dị tật khác. Nó có thể gây ra hội chứng đau mấu chuyển lớn, một bệnh lý gây đau đớn phổ biến và thường ảnh hưởng đến mặt ngoài của hông và đùi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngồi bắt chéo chân có thể khiến dây thần kinh mác ở cẳng chân có nguy cơ bị chèn ép và chấn thương. Riêng với nam giới, ngồi bắt chéo chân có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì tư thế này làm tăng nhiệt độ bộ phận tinh hoàn, dẫn tới giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng.

ĐINH NHI (Theo Study Finds)

Chia sẻ bài viết