25/11/2010 - 15:09

Đọc “Mẹ ơi!”

Ta mãi là đứa trẻ trong lòng mẹ...

Ảnh: phuongnambook.com.vn

“Không có bữa cơm nào ngon cho bằng bữa cơm với Mẹ, không có bài hát nào hay bằng bài hát về Mẹ, không có giấc ngủ nào yên lành bằng giấc ngủ bên Mẹ...” - đó là tình cảm mà nhà văn Diệp Hồng Phương gửi gắm trong tập tùy bút “Mẹ ơi!” - NXB Thanh niên, quý III- năm 2010.

14 bài viết trong “Mẹ ơi!” lay động trong tim người đọc bởi cuộc đời mỗi con người ai lại không lớn lên trong sự chở che, yêu thương từ bàn tay mẹ. Bằng giọng văn chân tình, giản dị, nhà văn Diệp Hồng Phương thủ thỉ kể về người mẹ của mình. Đó là những mảng ký ức từ khi còn là một cậu bé còn đỏ hỏn, sống nhờ dòng sữa ngọt lành của mẹ đến khi trưởng thành, bươn chải giữa dòng đời... Nhưng dường như lúc nào người mẹ cũng đồng hành trên những khúc quanh khó khăn của cuộc đời.

Không chỉ tác giả mà ai trong chúng ta cũng có những ký ức về thời thơ ấu: được mẹ ru ngủ bằng những lời ru ngọt ngào, bằng chuyện cổ tích mở đầu “Ngày xửa, ngày xưa...”, được thả những cánh diều giấy mẹ cho. Hay như một thời nghèo khó, mẹ dành dụm mua áo mới cho con ăn Tết còn mẹ thì bao năm vẫn mặc chiếc áo bà ba đã phai màu thời gian. Và khi xa rồi hơi ấm của mẹ: “Làn gió ban mai lành lạnh đã rước Mẹ tôi đi rồi... Giọt nước mắt chảy tràn qua khóe. Tôi khóc Mẹ lặng thầm! Từ giây phút này, tôi biết thế nào là đứa trẻ mồ côi!” để rồi tác giả chia sẻ đầy ngậm ngùi: “Hằng năm, đến mùa Vu Lan, tôi không còn cài bông hồng đỏ...” (“Mong được về ngủ bên chân mẹ”).

Giống như thay bạn đọc, tác giả gửi gắm trong những tùy bút về mẹ một tình cảm to lớn. Trong quá trình lớn lên, mỗi người ai lại không có những lúc lầm lỗi, làm mẹ buồn lòng. Để rồi mẹ ân cần dạy bảo, khuyên răn bằng tâm hồn độ lượng, bao dung, để những người con lại “lớn thêm một chút”: “Tôi biết tôi có lỗi và tự hứa sẽ không làm điều gì để Mẹ phải khóc vì tôi lần nữa” (“Đừng làm mẹ khóc” - trang 22). Khi đã “công thành danh toại”, những đứa con lại tất tả với bao lo toan bộn bề của cuộc sống, mẹ một mình nơi quê nhà, thui thủi vào ra. Những ai đang xa mẹ, hẳn không khỏi mủi lòng khi đọc: “Ở quê, Mẹ nhớ tôi, mong thư tôi, mong tôi về. Ở thành thị, tôi ít khi nhớ Mẹ vì công việc chen ngang nỗi nhớ, lâu lâu tôi thu xếp thời gian về thăm Mẹ đôi ngày, rồi lại hối hả trở về thành thị...” (“Mong được về ngủ bên chân mẹ”).

Đọc tùy bút của Diệp Hồng Phương chúng ta cảm nhận tình mẹ và để thấy mình cần thương yêu, quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Chúng ta hãy suy nghĩ: “Cha mẹ còn đó thì mãi mãi ta vẫn là đứa trẻ trong mắt cha mẹ. Họ luôn thương yêu ta, chăm sóc ta từng miếng ăn, giấc ngủ. Còn ta, bổn phận là con thì sao? Làm gì để báo đáp tình thương yêu đó?” (“Trời mưa từ đâu?”).

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết