27/06/2010 - 20:30

Sức mạnh của sự đồng lòng

Đến phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt có thể ghi nhận được rất nhiều công trình cầu, đường trị giá hàng trăm triệu đồng do nhân dân đóng góp xây dựng, góp phần làm cho bộ mặt phường ngày càng khang trang. Đây cũng là địa phương vận động nhân dân thực hiện nhiều phong trào thi đua hiệu quả, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phường văn hóa... Đó là kết quả của cả quá trình các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phường nỗ lực vận động, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở...

Có mặt tại công trình xây dựng cầu Cả Kè, chúng tôi vui lây với không khí làm việc tất bật, đông vui của bà con trong khu vực để hoàn thành những công đoạn cuối của cây cầu bê tông dài 35 mét, ngang 3,5 mét. Trên mặt cầu có khoảng 10 người đang ốp ván, chuẩn bị đổ lan can cầu. Ông Châu Văn Nghi, người dân khu vực Tân Thạnh, cho biết:” Trong những ngày làm cầu, bà con xúm đến phụ đông vui lắm. Lúc đổ mặt cầu có khoảng 100 người. Nhờ bà con góp công lao động mà không phải tốn thêm tiền thuê nhân công. Ai cũng phấn khởi mong tới ngày khánh thành cầu...”. Theo bà con ở khu vực Tân Thạnh, trước đây, cầu Cả Kè được bắc bằng ván, lâu ngày bị xuống cấp, khiến việc lưu thông qua lại rất khó khăn. Trước tình hình đó, các cán bộ phường, khu vực đã tổ chức họp dân, vận động bà con đóng góp xây dựng cầu mới. Tùy theo khả năng của từng hộ mà mức đóng góp khác nhau. Khu vực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm. Một trong những hộ tích cực đóng góp xây cầu là gia đình ông Châu Văn Sáu. Ngoài số tiền đóng góp 5 triệu đồng, ông còn góp thêm 10 giạ lúa, 1 bờ bạch đàn trị giá 6 triệu đồng và tự nguyện tổ chức nấu cơm, nước phục vụ bà con trong suốt quá trình làm cầu. Ông Sáu nói: “Nghe cán bộ phường, khu vực vận động hợp lý nên tôi nguyện góp sức cùng bà con làm cầu. Nghĩ tới mai này khi cầu hoàn thành, bà con trong khu vực đi lại dễ dàng, không còn chứng kiến cảnh tai nạn khi qua cầu nữa, là tôi thấy vui trong lòng”. Chị Trần Thị Lộc, một người dân trong khu vực, cho biết thêm: “Cây cầu này tất cả đều do dân đóng góp, dân cùng làm. Những việc nặng nhọc đã có các anh, các chú lo, còn phụ nữ thì xúm lại nấu cơm phục vụ. Khi chuẩn bị đổ mặt cầu, ban vận động làm cầu có công khai bước đầu thu, chi rõ ràng cho bà con biết, ai cũng hài lòng với cách làm của ban vận động”.

Nhân dân phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, góp tiền của, công sức cùng nhau xây dựng  cầu Cả Kè.

Không chỉ vận động bà con đóng góp tổng trị giá khoảng 145 triệu đồng xây dựng cầu Cả Kè, các cán bộ ở khu vực Tân Thạnh còn làm nòng cốt phối hợp cùng những người có uy tín trong khu vực vận động bà con đóng góp hơn 273 triệu đồng cùng với nhiều ngày công lao động xây dựng tuyến đường rạch Cả Kè dài 1.094 mét. Trước đây, con đường này được chính quyền địa phương vận động đổ đá bụi, nhưng mùa mưa vẫn bị sình lầy, khiến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của bà con gặp khó khăn. Đồng chí Phạm Chí Dũng, Trưởng khu vực Tân Thạnh, cho biết: “Trước những nhu cầu bức xúc của nhân dân, sau khi khảo sát, chính quyền phường, khu vực đã tổ chức họp dân nêu lên chủ trương làm đường theo phương thức Nhà nước 40%, nhân dân 60%. Lúc đầu cũng có một số hộ kỳ kèo không đồng ý, nhưng sau khi nghe cán bộ và những người có uy tín phân tích lợi ích của việc xây dựng đường khang trang, tạo điều kiện cho cuộc sống bà con phát triển hơn... thì ai cũng đồng tình. Việc thành lập ban xây dựng, ban kiểm soát đều do dân quyết định bầu ra, gồm những người lớn tuổi, có uy tín trong khu vực. Đối với những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng đóng góp thì cán bộ khu vực cùng các ban xây dựng, kiểm soát tổ chức họp dân công bố mức miễn, giảm để bà con xem xét và vận động các mạnh thường quân lắp vào”. Sau khi bàn bạc thống nhất chủ trương, quy cách làm, con đường đã được khởi công. Ông Trần Văn Y, Trưởng ban xây dựng đường Cả Kè, bộc bạch: “Theo tâm lý “mắt thấy, tai nghe” nên mình phải làm, bà con mới tin. Để vận động bà con được dễ dàng thì những thành viên của ban vận động, ban kiểm soát phải đóng góp trước tiên. Khi vận động được một ít, chúng tôi tiến hành đổ vật liệu xây dựng, vừa làm, vừa vận động. Thấy được việc làm cụ thể, thiết thực nên bà con sẵn sàng đóng góp...”. Đồng chí Võ Trúc Khanh, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết: “Chính bà con góp tiền, bỏ ngày công lao động ra làm và tận dụng những vật liệu sẵn có trong nhà, nên chi phí giảm nhiều so với mướn thầu xây dựng. Kinh nghiệm cho thấy công trình do dân đóng góp, nhân dân cùng làm, vừa giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, tạo được tình đoàn kết bà con trong khu vực”.

Không riêng khu vực Tân Thạnh, ở các khu vực khác cũng có rất nhiều công trình cầu đường được xây dựng khang trang do nhân dân đóng góp. Chỉ tính 5 năm qua, nhân dân phường Thuận Hưng đã đóng góp gần 10 tỉ đồng bắc mới nhiều cây cầu, nâng cấp mở rộng đường... Hiện nay, trong phường còn 2 cầu ván chuẩn bị thi công, sẽ giải quyết dứt điểm 100% cầu được bê tông hóa và có khoảng 70% các tuyến đường được bê tông hóa...

 Đồng chí Phạm Chí Dũng, Trưởng khu vực Tân Thạnh, (ngồi đầu tiên bên trái) đang trao đổi với bà con về tình hình xây dựng cầu Cả Kè.

Theo lãnh đạo phường, không chỉ trong công tác vận động xây dựng cầu, đường mà mọi việc có liên quan đến đời sống, lợi ích của nhân dân đều được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền các Chỉ thị, Pháp lệnh, Nghị định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để nhân dân nắm, giám sát, nhất là những nội dung công khai để dân biết, những nội dung dân bàn và quyết định; những nội dung dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; những nội dung dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát... Đến các khu vực, nhiều người dân cũng cho biết những vấn đề liên quan như bình chọn hộ nghèo, gia đình văn hóa, tuyển quân, nhất là việc bàn và quyết định mức đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giữ gìn an ninh trật tự... đều được chính quyền phường, khu vực thực hiện công khai, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Ở khu vực Tân Phước 1, gia đình chị Nguyễn Thị Nga vừa được các cán bộ khu vực vận động cất tặng nhà tình thương. Gia cảnh chị Nga rất khó khăn, vợ chồng chị ở tạm trên đất người em, đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Trong thời gian chồng mắc bệnh hiểm nghèo, chị phải vay mượn nhiều nơi để điều trị cho chồng. Cuối cùng anh cũng ra đi, để lại cho chị và đứa con chưa có nghề nghiệp ổn định với số tiền nợ không nhỏ. Chị Nga xúc động kể: “Lo bữa ăn hàng ngày đã vất vả nên nhiều năm nay, mặc dù căn nhà xiêu vẹo, mục nát nhưng tôi không dám mơ tới chuyện cất nhà. Không ngờ các cán bộ khu vực vận động bà con góp tiền cho gia đình tôi mua tôn, cây... và tới phụ tiếp cất lại căn nhà. Hôm dọn về nhà mới, tôi ngủ không được, cứ tưởng mình nằm mơ. Tôi khuyên con trai lo làm ăn để cuộc sống khá hơn, không phụ lòng của mọi người”. Ông Nguyễn Văn Năm, người hàng xóm của chị Nga, nói: “Gia đình thiếm Tiễn (tên chồng chị Nga) chăm chỉ làm ăn nhưng do chồng bị bệnh nên càng nghèo khó. Thấy cán bộ địa phương đề xuất xét cất nhà tình thương cho gia đình thiếm Tiễn là đúng đối tượng, bà con ai cũng đồng tình, tích cực góp tiền, công sức để mẹ con thiếm ấy có được căn nhà đàng hoàng”. Trong 5 năm qua, cùng với tập trung thực hiện nhiều giải pháp chăm lo cho hộ nghèo như dạy nghề, giải quyết việc làm, giới thiệu vay vốn..., các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể phường đã vận động toàn xã hội giúp đỡ và xây dựng 152 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. Nỗ lực trên của địa phương đã góp phần giảm được 192 hộ nghèo trong phường. Nhờ thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tất cả đều công khai dân chủ, tạo được niềm tin trong nhân dân, nên bà con thực hiện tốt nghĩa vụ công dân như nộp thuế, quỹ... và tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Nhân dân cũng tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, củng cố, nâng chất các thiết chế văn hóa, góp phần tiếp tục giữ vững danh hiệu phường văn hóa, với 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tân, Đảng ủy viên, Trưởng Khối dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN phường, bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng là tất cả mọi việc phải được công khai, dân chủ, rõ ràng. Từ chỗ được biết, được bàn sẽ tạo được niềm tin và bà con đồng thuận. Từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể tích cực tham gia, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc thì mới thu hút mọi người cùng tham gia. Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Trúc Khanh, Bí thư Đảng ủy phường, thời gian qua phường cũng còn những mặt tồn tại trong thực hiện quy chế dân chủ, cần tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục như: Trong tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo phường còn mang tính thời điểm, đôi lúc thiếu kiểm tra, đôn đốc nên triển khai ra dân còn chậm... Từ đó, từng lúc, từng nơi chưa phát huy sức mạnh của nhân dân trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương... Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC, còn nặng đòi hỏi quyền lợi cá nhân, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động, thuyết phục. Bên cạnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể sâu sát cơ sở, nâng cao chất lượng các phong trào, lãnh đạo phường cũng chú trọng biểu dương, khen thưởng, phát huy kinh nghiệm những mô hình dân vận khéo để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận động nhân dân phát huy nội lực, tiếp tục tạo sự chuyển biến mới trên tất cả các lĩnh vực.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết