01/04/2014 - 20:50

Sức bật xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Thạnh

Huyện Vĩnh Thạnh có 9 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình). Đến cuối năm 2013, hầu hết các xã đạt được từ 9-16 tiêu chí. Trong đó có 6 tiêu chí đạt tỷ lệ 100%, gồm: hình thức tổ chức sản xuất, thủy lợi, điện, văn hóa, cung cấp dịch vụ công và an ninh, trật tự xã hội. Đây là kết quả nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh và cũng là bước tiến dài của huyện trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Phát huy những thành quả đạt được, Vĩnh Thạnh tiếp tục dồn sức xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

*Bước tiến trong xây dựng NTM

Xác định sản xuất lúa là thế mạnh, huyện Vĩnh Thạnh tập trung nhiều giải pháp nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập người dân. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Vĩnh Thạnh. 

Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Chương trình luôn được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện luôn lấy ý kiến của người dân từ đó tạo được sự đồng thuận trong dân. Vì vậy, Chương trình đã huy động được sự tham gia của người dân trong xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, chẳng hạn: hiến đất, ngày công lao động, góp vốn, giám sát… Qua đó, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giao thông đến các địa phương ngày càng thuận tiện hơn, người nghèo được hỗ trợ nhà ở, sản xuất đạt hiệu quả… Triển khai xây dựng NTM, hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí trên cơ sở đăng ký của các xã và thường xuyên củng cố hoạt động và kiện toàn bộ máy, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện chương trình, lồng ghép kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay có 9/9 xã trên địa bàn huyện đã thành lập Ban Quản lý cấp xã, Ban Phát triển ấp.

Huyện Vĩnh Thạnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thời gian qua, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các buổi tập huấn, hội thảo và trình diễn các mô hình nhằm hướng đến mục tiêu khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng nguồn nguyên liệu hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng an toàn đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Số lượng và diện tích sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn không ngừng tăng lên hằng năm. Đến năm 2013, số cánh đồng lớn lên đến 15 (tăng 12 cánh đồng so với năm 2012), diện tích bao tiêu 2.308/3.281 ha. Trong đó có 100 ha sản xuất được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí GlobalGAP (tăng 50 ha so năm 2012) và 63 ha đạt tiêu chí VietGAP. Năng suất cánh đồng lớn cao hơn ngoài mô hình từ 360-620 kg/ha, lợi nhuận tăng khoảng 28,38% tương đương 4,84 triệu đồng/ha, giảm chi phí từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ha. Toàn huyện đã tổ chức được 282 tổ hợp tác sản xuất và 12 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nước sạch nông thôn. Các tổ hợp tác và hợp tác xã luôn được quan tâm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý. 9/9 xã đạt tiêu chí hình thức sản xuất. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh còn quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, trong năm 2013, tổng chiều dài thực hiện mặt cứng trên 45.621m, đạt 203,68% so kế hoạch với tổng kinh phí 22,033 tỉ đồng; nâng nền hạ và trải cát núi 22.800m, đạt 148,05% so kế hoạch, kinh phí thực hiện 415 triệu đồng; xây dựng mới 40 cầu bê tông cốt thép với chiều dài 965m, kinh phí thực hiện 4,232 tỉ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 22,305 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn từ ngân sách huyện, xã. Hệ thống thủy lợi, đê bao toàn huyện đến nay tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo cho nhân dân sản xuất 3 vụ lúa/năm, an toàn trong mùa lũ ở các cánh đồng lớn và 80% diện tích toàn huyện. Đến năm 2013, tổng số hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện chiếm 99,62%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,51%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 4,54% giảm 1,47% so với năm 2012.

Trong năm 2013, tổng kinh phí thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện là 175,287 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 92,242 tỉ đồng, ngân sách huyện 13,118 tỉ đồng, doanh nghiệp 206 triệu đồng, tín dụng 38,883 tỉ đồng, ngân sách xã 1,86 tỉ đồng, còn lại là vốn huy động từ người dân.

* Dồn sức xây dựng NTM

Là huyện thuần nông, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Vĩnh Thạnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế của huyện là nông nghiệp, thu nhập của người dân nông thôn không cao nên mức đóng góp xây dựng NTM còn hạn chế; diện tích sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, manh mún khó khăn trong thực hiện cơ giới hóa; công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng… Trước những khó khăn trên, huyện Vĩnh Thạnh chủ động đề ra các giải pháp xây dựng NTM. Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: Trong năm 2014, huyện Vĩnh Thạnh phấn đấu đến cuối năm 2014 có 2 xã điểm đạt chuẩn NTM, các xã còn lại phấn đấu đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí. Để thực hiện tốt việc huy động nguồn lực, huyện chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất… góp phần cùng nhà nước chung tay xây dựng NTM đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, huyện tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, như: giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường.Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm, đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng NTM. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và hình thức, tập trung vào cơ chế, chính sách mới và các cách làm hay, sáng tạo, kinh nghiệm, các mô hình sản xuất có hiệu quả, các điển hình tiêu biểu, đề cao tinh thần chủ thể người dân trong xây dựng NTM. Xác định thế mạnh của huyện là sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng lúa, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất màu. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn trong đó chú trọng đến chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Đào Anh Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền, người dân Vĩnh Thạnh. Dù Vĩnh Thạnh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tỷ lệ đạt tiêu chí khá cao. Cái hay ở huyện đó là chỉ đạo tập trung, nhận thấy tiêu chí nào có thể hoàn thành, huyện tập trung chỉ đạo các xã đồng loạt thực hiện. Kết quả, huyện có 6 tiêu chí đạt 100% trong khi toàn thành phố chỉ có 4 tiêu chí đạt 100%. Đồng chí Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Vĩnh Thạnh phải xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Huyện cần xác định tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong năm 2014, trên cơ sở đó tập trung các giải pháp thực hiện. Vĩnh Thạnh xem xét phát động đợt cao điểm ra quân tập trung toàn lực thực hiện tiêu chí cần hoàn thành từ đây đến cuối năm. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm, chính quyền thực hiện gì, người dân làm những gì… Đối với các tiêu chí đã đạt được không chủ quan, thỏa mãn, cần phải tiếp tục nâng chất đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cơ bản nhất. Một khi người dân có thu nhập mới có thể thực hiện được những công việc khác. Vì vậy, huyện Vĩnh Thạnh cần tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ đảm bảo người dân có thêm thu nhập…

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết