03/08/2012 - 13:31

Sữa mẹ, cội nguồn gắn kết yêu thương

Sản phụ đang cho con bú sữa non trong những giờ đầu tiên sau khi sinh.

Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tinh túy nhất giúp người mẹ nuôi con trong những ngày tháng đầu đời, làm nền tảng vững chắc để con phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, từng bước khôn lớn và trưởng thành. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ còn là cội nguồn gắn kết yêu thương giữa mẹ và con, giảm đáng kể chi phí nuôi con, hạn chế ảnh hưởng ngân sách gia đình…

Mẹ và con cùng hưởng lợi

Chị Huỳnh Thị Cẩm Loan (ở quận Cái Răng) vừa sinh được bé trai 2,9 kg. Chị cho biết, khi vừa sinh xong, bác sĩ dặn chị nên sớm cho con bú bằng sữa mẹ, vì sữa non trong 24 giờ đầu sau sinh rất tốt cho hệ miễn dịch của em bé, giúp bé đủ sức khỏe để thích nghi với môi trường mới bên ngoài cơ thể mẹ. Ngoài ra, qua thông tin báo, đài, chị cũng biết nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất, có nhiều lợi ích cho cả mẹ và con, trong khi sữa bột không rõ xuất xứ nguồn gốc có chứa chất melamin, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.

Chị Cao Thị Diễm (ở quận Ô Môn) vừa sinh mổ đứa con thứ 2, chia sẻ kinh nghiệm việc duy trì cho con bú bằng sữa mẹ đã giúp đứa con đầu tiên của chị khỏe mạnh và tình cảm mẹ con gắn bó với nhau. Chị cho biết, mặc dù làm công nhân, không có nhiều thời gian gần gũi con nhưng chị vẫn sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý để cho con bú, vừa đảm bảo sức khỏe của con, vừa tiết kiệm một chi phí khá lớn trong khoản thu nhập công nhân hàng tháng vốn rất khiêm tốn.

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên phụ nữ nên nuôi con bằng sữa mẹ, vì đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, đầy đủ các vitamin và khoáng chất, có chứa các yếu tố miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Mặt khác, nguồn sữa non trong sữa mẹ rất giàu vitamin và kháng thể, giúp trẻ sớm thích nghi với môi trường sống bên ngoài, đủ sức chống chọi với bệnh tật. Các thành phần chứa trong sữa mẹ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Qua nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, chính vì sữa mẹ chứa đầy đủ dinh dưỡng nên rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, giúp trẻ thông minh hơn và cũng ít gặp trường hợp trẻ bị dị ứng...

Trong hầu hết các loại sữa bột, nhà sản xuất cố gắng nghiên cứu, chế biến các thành phần gần giống sữa mẹ nhưng chất lượng khó thể sánh bằng. Nhiều người cho rằng, trẻ bú sữa bột mau tăng cân, bụ bẫm nhưng không biết rằng, việc tăng cân phải phù hợp với độ tuổi, phòng ngừa tình trạng béo phì. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng có chiều hướng giảm dần, trong khi tỷ lệ béo phì lại gia tăng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, trẻ bú sữa bột dễ bị dị ứng, với các biểu hiện như: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón...

Người mẹ cho con bú cũng được hưởng lợi rất nhiều. Việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp tử cung bà mẹ sau sinh co bóp tốt, tránh tình trạng băng huyết, giúp bà mẹ mau giảm cân để lấy lại vóc dáng, đồng thời, giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý như: ung thư vú, ung thư buồng trứng... Khi cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra một loại hoóc môn trong sữa, giúp tình cảm mẹ con thêm gắn bó, gần gũi. Đồng thời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên sẵn có, không cần pha chế, không tốn kém tiền bạc mà lại giàu dinh dưỡng, bảo đảm hợp vệ sinh, người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào, không mất nhiều thời gian. Trong lúc cho con bú, được nhìn ngắm thiên thần bé nhỏ của mình, đó cũng là cách giúp bà mẹ vượt qua giai đoạn trầm cảm sau sinh, mau chóng lấy lại sức khỏe và tinh thần thoải mái, hạnh phúc.

Cố gắng duy trì lợi ích

Hiện nay, người phụ nữ cũng tham gia công việc ngoài xã hội giống như nam giới. Vì vậy, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ cần có một thể chất khỏe mạnh trước lúc mang thai, trong thai kỳ và cả sau sinh. Khi sức khỏe tốt, bà mẹ mới duy trì được nguồn sữa mẹ dồi dào, đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Kim Phụng, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khuyến cáo: “Bà mẹ mới sinh, nhất là những bà mẹ sinh mổ, nếu chưa có sữa ngay hay cơ thể tiết ít sữa, đừng vội nản lòng, cố gắng cho trẻ mút núm vú mẹ để tạo phản xạ tiết sữa, cho trẻ bú mẹ thường xuyên, đúng tư thế thì cơ thể mới tiết nhiều sữa và bữa bú mới hiệu quả”. Ngoài ra, cách thức cho trẻ bú cũng rất quan trọng. Khi trẻ bú, thân hình phải nằm thành một đường thẳng trên cánh tay mẹ, miệng ngậm hoàn toàn quầng vú mẹ. Cho trẻ bú ngay sau sinh để trẻ được tận hưởng những giọt sữa non đầu tiên, rất tốt cho cơ thể bé; đồng thời, cố gắng duy trì việc cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 12 tháng. Bên cạnh đó, các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ phải chú ý, khẩu phần ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm, uống đủ nước trong ngày, giúp cơ thể tiết nhiều sữa. Bác sĩ Nguyễn Kim Phụng nhắc nhở, các bà mẹ cần sắp xếp chế độ nghỉ ngơi hợp lý, để đảm bảo duy trì nguồn sữa mẹ, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu đời của trẻ. Qua giai đoạn này, nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ không đáp ứng nhu cầu của trẻ. Do đó, hơn lúc nào hết, trẻ rất cần được bổ sung dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm phong phú bên ngoài. Các bà mẹ cần lưu ý chế độ ăn giặm hợp lý cho trẻ. Đây là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng, nếu người mẹ không chuẩn bị tốt trẻ sẽ khó thích nghi với giai đoạn ăn giặm, dẫn đến tình trạng biếng ăn thường thấy ở trẻ nhỏ.

Thực tế cho thấy, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ chắc chắn giúp trẻ có một bước khởi đầu hoàn hảo, phát triển tốt nhất cả thể lực, trí tuệ, chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp, là điều không thể phủ nhận. Chính vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường, đa dạng các hình thức truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng, góp phần hình thành một thế hệ trẻ khỏe mạnh, tài năng, phụng sự đất nước.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết