26/02/2012 - 17:58

Sự trỗi dậy của "Huynh đệ Hồi giáo" ở Trung Đông

Tân Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Saad al-Katatni, người của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới bổ nhiệm ở Cairo. Ảnh: AFP

Theo kết quả chính thức vừa được Ủy ban bầu cử tối cao Ai Cập (SEC) công bố hôm 25-2, các đảng Hồi giáo đã giành được đa số ghế tại Thượng viện nước này (còn gọi là Hội đồng Shura).

Chủ tịch SEC Abdel Moez Ibrahim cho biết đảng Tự do và Công lý (FJP) - cánh chính trị của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo – đã giành được 106 ghế trong 270 ghế ở Thượng viện (58%), trong khi đảng siêu bảo thủ Al-Nour về nhì với 46 ghế (25%) và đảng Tự do Wafd được 19 ghế (12%). Theo luật Ai Cập, 90 nghị sĩ khác sẽ được tổng thống bổ nhiệm.

Hội đồng Shura không có quyền lập pháp mà chỉ có vai trò tham mưu, mặc dù các thành viên hội đồng này sẽ tham gia vào quá trình soạn thảo hiến pháp mới của Ai Cập. Tuy nhiên, các nghị sĩ theo đạo Hồi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các nhóm tôn giáo khác cũng đã chiếm đa số tại Hạ viện (còn gọi là Hội nghị nhân dân) – cơ quan lập pháp của Ai Cập – được bầu hồi đầu năm nay.

Các cuộc bầu cử tại Ai Cập được xem như bước quan trọng đầu tiên trong quá trình chuyển giao chính quyền dân chủ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cuộc biểu tình 18 ngày hồi tháng 2-2011. Tuy nhiên, việc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chiếm đa số ghế ở Quốc hội Ai Cập đang làm dấy lên nỗi lo về sự trỗi dậy của tổ chức này khắp Trung Đông. Huynh đệ Hồi giáo đã chiếm ưu thế trong Quốc hội Tunisie và người ta lo ngại tình hình tương tự tại Libye khi nước này đang chuẩn bị tiến hành bầu cử.

Một năm trước, xu hướng tự do ngôn luận và hứa hẹn về chủ nghĩa thế tục là động lực thúc đẩy phong trào biểu tình được gọi là Mùa xuân A-rập diễn ra khắp Trung Đông. Hiện nay, khi nhiều chính quyền mới được thiết lập thay thế các chế độ cũ, quyền lực trung tâm của các chính quyền ấy lại nằm trong tay những nhân vật theo đạo Hồi. Năm ngoái, khi các tổng thống độc tài ở Tunisie, Ai Cập và Libye bị lật đổ, người ta hy vọng sẽ mở ra một sự thay đổi dân chủ nhưng cuối cùng các nhân vật Hồi giáo vươn lên nắm quyền.

Liên minh do đảng cải cách Hồi giáo Ennahda dẫn đầu tại Tunisie và thủ lĩnh tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập đều đã có những phát biểu trong tuần qua nhấn mạnh về vai trò Hồi giáo trong chính phủ. Có vai trò trong soạn thảo hiến pháp mới ở Tunisie, Liên minh của Ennahda mới đây công bố bản dự thảo hiến pháp trong đó kêu gọi lấy đạo Hồi làm “bộ khung nguyên tắc lập pháp”, một điều khoản nêu rõ luật pháp phải dựa vào luật Sharia của đạo Hồi. Điều này có nghĩa là tất cả luật pháp ở Tunisie phải phù hợp với đạo Hồi. Trong khi đó, thủ lĩnh tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập Mohamed Badie thì cho rằng tổ chức này muốn tổng thống là người “xuất thân Hồi giáo”.

Với các nhân vật Hồi giáo đang chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử đầu tiên ở Ai Cập và Tunisie sau Mùa xuân A-rập, xu thế cho thấy sự trỗi dậy của “Huynh đệ Hồi giáo” đang diễn ra khắp khu vực Trung Đông.

N. MINH
(Theo AP, RIA Novosti)

Tân Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Saad al-Katatni, người của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, phát biểu trong phiên họp 

Chia sẻ bài viết