03/10/2008 - 21:04

Sống vì mọi người

“Tôi là hàng xóm của gia đình ông Trinh mấy chục năm nay nhưng chưa thấy gia đình ông ấy xào xáo, lục đục hay gây gổ hoặc phiền lòng làng xóm bao giờ. Vợ chồng ông ấy rất chịu khó làm ăn, con cái ai cũng ngoan ngoãn, lễ phép. Bây giờ, mấy người con ông ấy người nào cũng giỏi giang, thành đạt. Ông Trinh còn làm công tác hòa giải ở địa phương rất có kết quả, uy tín”. Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa, Tổ trưởng tổ 2 và nhiều bà con ở khu vực 1, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ về gia đình ông Huỳnh Quang Trinh- một gia đình văn hóa tiêu biểu của quận Ninh Kiều.

Chiều nào cũng vậy, ông bà Huỳnh Quang Trinh đón 2 cháu ngoại đi học mẫu giáo về và cùng chơi với các cháu. Bé Thanh Trúc 4 tuổi tíu tít kể chuyện ở trường, ở lớp cho ông bà, cha mẹ nghe, rồi múa, hát, đọc thơ cô giáo dạy... Bé Trúc Quyên 2 tuổi cũng vỗ tay theo chị... Ông Trinh khoe: “Bé Trúc còn nhỏ vậy mà ngoan và biết nghe lời lắm. Khi đưa cháu đến trường, tôi động viên và tập cho cháu leo cầu thang lên lớp một mình. Bây giờ cháu tự động đi lên cầu thang vào lớp mà không cần ông, bà đi theo. Chúng tôi muốn dạy các cháu tính tự lập và lễ giáo ngay từ khi còn nhỏ để các cháu nên người”.

Cái không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc trong ngôi nhà khang trang, tiện nghi ấy là thành quả mà ông bà Trinh vất vả suốt một đời gầy dựng, vun đắp.

Chiều chiều, đón các cháu ngoại đi học về và nghe các cháu múa hát là niềm vui, hạnh phúc của ông bà Trinh.  

Năm 1975, ông Huỳnh Quang Trinh và bà Nguyễn Thị Ngọc Quý nên duyên chồng vợ. Trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước thời gian mới hòa bình, vợ chồng ông Trinh cùng nhau vượt qua bao khó khăn vất vả làm ăn sinh sống. Khởi nghiệp làm ruộng ở Ngã ba Bằng Tăng (quận Ô Môn) nhưng không thành công, hai vợ chồng chuyển qua buôn bán. Ông Trinh kể rằng: hồi đó, ông phải đạp xe lên Long Xuyên, tỉnh An Giang lấy nón lá về bỏ mối ở chợ Cần Thơ, còn vợ ông bán lẻ nón ở chợ Bằng Tăng. Hết bán nón lá, ông bà lại bán kim chỉ, bán xôi...

Mùa lũ năm 1978, là trận lũ lớn nước ngập tràn khắp nơi, cuốn đi bao công sức lao động của nhân dân. Cũng như nhiều nhà khác, gia đình ông Trinh bị thiệt hại khá nặng, có lúc phải ăn cháo thay cơm và bắt tay làm lại từ đầu. Năm 1982, gia đình ông Trinh chuyển đến phường An Hòa, TP Cần Thơ sinh sống. Ban ngày, ông Trinh bán vé số, ban đêm chạy xe đạp ôm, còn bà Ngọc Quý thì đi may mướn... Cho đến khi được địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, ông Trinh mở sạp bán báo, dần dần có uy tín trở thành đại lý phát hành các loại báo, cuộc sống gia đình ông mới dần ổn định.

Làm đại lý phát hành báo, vợ chồng ông Trinh phải thức khuya, dậy sớm để nhận báo, giao báo. Dù bận rộn, ông bà Trinh vẫn dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ các con. Ông bà Trinh thường xuyên trao đổi, chuyện trò để hiểu các con muốn gì, cần gì và góp ý, định hướng cho các con có chọn lựa đúng trong học hành, trong cuộc sống. Chị Huỳnh Thị Đăng Lan, con gái thứ ba của ông bà Trinh, tâm sự: “Thấy ba mẹ làm việc vất vả, anh chị em chúng tôi tự bảo nhau học hành, phụ tiếp việc nhà, trông coi sạp báo. Ba mẹ thường dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, nhưng không nói suông mà làm gương để chúng tôi noi theo. Từ nhỏ đến lớn, có gì không hiểu hay muốn làm việc gì quan trọng, chúng tôi đều hỏi ý kiến ba mẹ. Những lời góp ý, khuyên răn của ba mẹ giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống”.

Ông bà Trinh quan niệm: dù có cực khổ đến đâu cũng ráng lo cho các con ăn học thành tài. Các con có kiến thức, có nghề nghiệp ổn định sẽ không phải vất vả, bôn ba mưu sinh bằng đủ thứ nghề như cha mẹ. Không phụ sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ, những người con của ông Trinh luôn cố gắng học và ai cũng đều học khá, giỏi. Sạp báo của gia đình không chỉ là chuyện mưu sinh mà còn giúp những người con của ông Trinh tích lũy thêm nhiều kiến thức về cuộc sống và xã hội.

Bà Ngọc Quý, vợ ông Trinh, kể: “Giai đoạn nuôi các con học đại học là vất vả nhất. Con gái giữa học ở Cần Thơ nhưng con trai lớn và con gái út học ở TP Hồ Chí Minh nên tốn kém rất nhiều. Vợ chồng tôi tằn tiện từng đồng để ráng lo cho các con ăn học. Hai anh em ở Sài Gòn tranh thủ thời gian rảnh làm nhiều công việc thời vụ để kiếm thêm tiền đóng học phí phụ ba mẹ. Nhiều khi vợ chồng tôi lên thăm con, thấy anh em nó vừa học vừa làm vất vả mà muốn rớt nước mắt”.

Giờ đây, các con của ông bà Trinh đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định: con trai lớn là Huỳnh Đăng Khoa hiện công tác tại một Công ty Du lịch ở TP Hồ Chí Minh, con gái út Huỳnh Thị Bửu Ngân là giảng viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và đang học cao học về Piano. Riêng con gái thứ ba Huỳnh Thị Đăng Lan tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật... Đến nay, các con ông bà Trinh đã lập gia đình và vợ chồng chị Lan đã có hai cháu là Thanh Trúc và Trúc Quyên. Hiện giờ, ông bà Trinh sống chung với vợ chồng chị Lan và 2 cháu ngoại. Thỉnh thoảng, vợ chồng anh Khoa và chị Ngân về Cần Thơ thăm cha mẹ.

Ông Trinh bộc bạch: “Qua khó khăn vất vả, chúng tôi hạnh phúc có được một mái ấm gia đình ngày hôm nay. Một gia đình mà ở đó cha mẹ phải là một tấm gương, một hình ảnh đẹp trong mắt con cái. Các con phải được học hành, ngoan ngoãn, hiếu thảo và mọi người phải làm việc, phải học tập tùy theo khả năng của mình”.

Ông Huỳnh Quang Trinh được nhiều người dân ở khu vực biết đến không chỉ vì gia đình ông có nếp sống văn hóa, gương mẫu - mà còn vì ông Trinh tích cực tham gia hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, những rạn nứt của các gia đình, xóm giềng trong khu vực. Ông Trinh là Phó Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân của phường An Hòa và được địa phương cử vào tổ hòa giải của khu vực đã hơn 5 năm. Khi những gia đình xung quanh và những người quen biết gặp khó khăn, hoạn nạn, ông bà Trinh đều sẵn lòng giúp đỡ. Có những người nghèo, ông bà trực tiếp tạo điều kiện cho họ lấy báo bán lẻ và hỗ trợ thêm cho họ, có những trường hợp ông bà kết hợp với tổ dân phố, khu vực, phường... để giúp đỡ. Với cách sống như thế, gia đình ông bà Trinh luôn được mọi người ở địa phương quí mến, cảm phục.

Đáng quí nhất là vào tháng 10-2002, ông Trinh và bà Quý đã tự nguyện làm đơn hiến xác của mình cho Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sau khi qua đời. Lúc đầu, các con của ông bà có người đồng ý, có người phản đối vì mấy ai chịu để người ta mổ xẻ, thí nghiệm trên thân thể của cha mẹ mình khi họ đã yên nghỉ. Ông bà Trinh đã thuyết phục các con của mình đồng ý vì đây là một việc làm có ích và có ý nghĩa. Ông Trinh tâm sự: “Chúng tôi mong được làm một việc gì đó có ích cho y học, cho khoa học và cho xã hội. Chúng tôi coi sự dâng hiến đó là niềm hạnh phúc”.

Chia tay với gia đình ông bà Trinh, tôi vẫn còn nhớ mãi lời ông bà tâm sự: “Cuộc sống này sẽ đẹp biết dường nào nếu chúng ta luôn sống cho nhau và luôn sống vì mọi người”. Ông bà đã sống và làm được những gì ông bà ao ước.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết