25/05/2021 - 10:21

Sơ cứu đúng cách cho người bị điện giật 

Các bác sĩ Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ (BV) vừa cứu sống bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn ngoại viện do điện giật. Qua trường hợp này, BS CKII Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa Hồi sức - tích cực chống độc BV có vài lưu ý để cộng đồng xử trí có lợi cho người bị nạn trước khi đưa vào viện.

Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở do bị điện giật được cứu sống, là kỳ tích của các y bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: BV cung cấp. 

Anh T.P.H (36 tuổi, ngụ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dùng máy hàn để hàn sắt tại nhà thì bị điện giật ngã bất tỉnh. Người nhà đưa anh vào BV cấp cứu, bác sĩ thăm khám, ghi nhận tình trạng bệnh nhân huyết áp bằng 0, mạch không bắt được, đã ngừng tim, ngừng thở, cơ hội cứu sống rất mong manh. Ngay lập tức, bệnh nhân được ê-kíp trực Hồi sức cấp cứu khẩn trương hồi sức tim phổi: ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin, bóp bóng oxy qua mask, đặt nội khí quản. Sau 20 phút cật lực cấp cứu, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu hồi tỉnh. Ê-kíp trực không bỏ cuộc, tiếp tục quy trình hồi sức. Ðến phút thứ 45, bệnh nhân H có mạch và huyết áp trở lại. Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, khí máu động mạch, chức năng đa cơ quan, X-Quang phổi tại giường… Kết quả các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân biểu hiện tình trạng suy thận cấp, tăng kali máu, toan chuyển hóa và hội chứng hủy cơ vân. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiếp tục thở máy, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt, kiềm hóa nước tiểu, vận mạch liều cao, kháng sinh... tại Khoa Hồi sức - tích cực chống độc. Sau 5 ngày điều trị tích cực, huyết áp bệnh nhân ổn định trở lại, ngừng vận mạch, bắt đầu có nước tiểu, còn hỗ trợ thở máy, mở mắt không tiếp xúc. Sau 10 ngày, bệnh tỉnh táo hoàn toàn, đã được rút ống nội khí quản, tình trạng ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp theo dõi.

BS CKII Phan Thị Phụng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, bệnh nhân này được cứu sống nhờ cấp cứu ban đầu kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, để tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân khi bị điện giật, cộng đồng cần nắm vững các kiến thức về xử trí cấp cứu tại chỗ. Những lưu ý khi cấp cứu nạn nhân bị điện giật như sau:

- Cần khẩn trương ngắt cầu dao điện hoặc lấy thanh tre, thanh gỗ kéo dây điện ra khỏi người nạn nhân. Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị ngã gây chấn thương khiến tai nạn nặng thêm. Sau đó, đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, để cổ ngửa tối đa (trừ khi nạn nhân bị chấn thương cột sống).

- Nếu người bị điện giật có tổn thương phối hợp (như ngã làm gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng hoặc đa chấn thương), tình trạng sức khỏe sẽ xấu hơn rất nhiều, cần kiểm tra để xử trí ngay.

- Toàn bộ công việc cấp cứu ngừng tim chỉ gói gọn trong 3 phút, do vậy người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật. Trình tự tiến hành: Ðấm vào vùng trước tim 5 cái, nếu tim không đập lại, phải khẩn trương hà hơi thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực, để hai bàn tay chồng lên nhau, đặt vào 1/3 dưới xương ức rồi ấn mạnh vào lồng ngực. Nếu có 2 người tham gia cấp cứu, cứ ép tim ngoài lồng ngực 5 lần lại thổi ngạt 1 lần. Nếu chỉ có một người, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần. Thực hiện đều đặn như thế cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở lại được, môi hồng trở lại, bắt được mạch ở cổ tay và có xe cấp cứu chuyển nạn nhân đến BV.

- Chỉ chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu hồi sức khi bệnh nhân đã tự thở lại và có mạch.

- Trên đường chuyển nạn nhân đến viện, vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng.

THU SƯƠNG    

Chia sẻ bài viết