01/06/2009 - 08:37

Shai Reshef và Đại học trực tuyến cho mọi người

Với máy tính có nối mạng, sinh viên có thể theo học UoPeople.
Ảnh: UNNews Center

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Đại học Nhân dân (University of the People - UoPeople), trường đại học trực tuyến chi phí thấp đầu tiên trên thế giới, bắt đầu tuyển sinh và sẽ chính thức khai giảng vào tháng 9 tới.

www.uopeople.org được xem là một trong những phát kiến hàng đầu trong lĩnh vực phát triển giáo dục và công nghệ thông tin - truyền thông. Doanh nhân người Israel, Shai Reshef nảy ra ý tưởng sáng lập Đại học Nhân dân khi vừa ngồi lên ghế chủ tịch Cramster.com, cộng đồng học tập trực tuyến miễn phí nơi sinh viên đại học giúp đỡ nhau hoàn thành bài tập về nhà. “Ý tưởng chẳng có gì cao siêu. Chỉ là việc ứng dụng mạng xã hội vào môi trường học thuật”, Reshef - người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục quốc tế - cho biết. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tiếp cận thông tin qua Internet nhưng chi phí học tiếp tục leo thang, Reshef cho rằng một trường đại học trực tuyến chất lượng cao nhưng chi phí thấp là giải pháp có ý nghĩa nhất.

Theo hiệu trưởng Reshef, sự ra đời của UoPeople mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Đó là những người vì lý do tài chính, vì thiếu trường lớp hoặc vì lý do cá nhân không thể bước chân vào giảng đường đại học, nay có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học tại gia với mức phí tối thiểu bằng việc ứng dụng công nghệ nguồn mở, mạng xã hội, kỹ năng học tập điện tử và phương pháp giảng dạy tương đương ở trường đại học. Reshef cho biết bất kỳ ai có bằng tốt nghiệp PTTH, thông thạo kỹ năng đọc, viết tiếng Anh đều có thể theo học UoPeople. Tất nhiên, sinh viên phải có máy tính kết nối Internet. Hiệu trưởng Reshef nói thêm các bài giảng của UoPeople không có lồng ghép tập tin video hay âm thanh để bảo đảm rằng sinh viên ở những vùng nông thôn có kết nối Internet chậm như rùa vẫn có thể theo kịp bài vở.

Trước mắt, Đại học Nhân dân mở 2 chuyên ngành - cử nhân khoa học máy tính và quản trị kinh doanh. Theo Reshef, đây là hai kỹ năng quốc tế và có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi, đồng thời là hai ngành học mà xã hội luôn có nhu cầu cao, và sau khi tốt nghiệp, sinh viên rất dễ tìm việc làm. Trong năm học đầu, UoPeople dự kiến chỉ tuyển 300 sinh viên. Hiện tại, sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, trường đã thu hút hơn 200 người từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký theo học (hạn chót đăng ký ngày 30-6). Hiệu trưởng Reshef đặt mục tiêu, trong 5 năm đầu sẽ thu hút 10.000 - 15.000 sinh viên. “Nhưng nếu được 1 triệu sinh viên, chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

Cũng như các trường đại học trực tuyến khác, Đại học Nhân dân sẽ có cộng đồng học trên mạng, đề tài thảo luận hằng tuần, bài tập làm ở nhà và tổ chức thi cử. Theo Hiệu trưởng Reshef, mỗi lớp học có tối đa 20 sinh viên đa quốc tịch. Đầu tuần, học viên sẽ đăng nhập vào www.uopeople.org để lấy bài giảng, thảo luận bài vở, làm bài tập và thi cuối môn. Trường có đội ngũ giáo sư, nghiên cứu sinh và chuyên gia tình nguyện hướng dẫn và tư vấn trực tuyến cho sinh viên. Theo học UoPeople, sinh viên chỉ phải đóng lệ phí nhập học, tối đa 50 USD và lệ phí thi cao nhất 100 USD/lần, tùy theo quốc tịch (dựa trên cơ sở sinh viên ở các nước nghèo sẽ đóng tiền ít hơn, và ngược lại). Đối với chương trình cử nhân, sinh viên phải tham gia 40 kỳ thi. Theo Reshef, nguồn thu này sẽ góp phần giúp UoPeople duy trì hoạt động bởi trường sử dụng công nghệ nguồn mở, bài giảng nguồn mở và chủ yếu dựa vào đội ngũ giảng viên tình nguyện.

Hiện nay, nhiều giáo sư, tiến sĩ tên tuổi ở Mỹ đã tình nguyện làm việc cho trường như Jack Balkin ở Đại học Yale, Russell S.Winer của Đại học New York, Mihai Nadin ở Đại học Texas, Gabriel Hawawini ở Đại học Pennsylvania... Hiệu trưởng Reshef cho biết thêm, UoPeople sẽ bắt tay tạo dựng thương hiệu là đại học trực tuyến không những thu học phí thấp mà phải đạt chất lượng cao, được các tổ chức giáo dục quốc tế công nhận, trước mắt là tại Mỹ - nơi đặt tổng hành dinh của trường (bang California).

DIỆP MAI
(Theo Xinhua, FastCompany, NYTimes, UoPeople)

Vài nét về Hiệu trưởng Shai Reshef

Tốt nghiệp Cử nhân Đại học Tel Aviv (Israel), lấy bằng Thạc sĩ Đại học Michigan (Mỹ). Năm 1989, Reshef bắt đầu sự nghiệp giáo dục trực tuyến với việc sáng lập Kidum Group, công ty dịch vụ giáo dục lớn nhất ở Israel. Dưới sự lãnh đạo của ông, Kidum phát triển thành tập đoàn với doanh thu hằng năm hơn 25 triệu USD, có hơn 1.000 nhân viên và 50.000 sinh viên mỗi năm. Năm 2005, ông nhượng Kidum cho Kaplan, một trong những tập đoàn giáo dục hàng đầu thế giới thuộc tờ Washington Post (Mỹ). Trước đó năm 2001, ông thành lập KIT Learning, đại học trực tuyến đầu tiên ngoài Mỹ và là đối tác của đại học Liverpool (Anh). Sau đó, KIT được bán lại cho Laureate, một tập đoàn giáo dục tên tuổi khác.

Hiện nay, ông là chủ tịch hội đồng điều hành trang Cramster.com, cộng đồng học tập trực tuyến lớn nhất thế giới, mỗi tháng thu hút hơn 100.000 thành viên, từ học sinh 17 tuổi đến cụ già 80 tuổi. Tháng 4-2009, ông trở thành cố vấn cấp cao của Liên minh toàn cầu về Thông tin, Công nghệ Thông tin và Phát triển (GAID) của Liên Hiệp Quốc.

Shai Reshef vừa được tạp chí FastCompany (Mỹ) bầu chọn là 1 trong 100 người sáng tạo nhất trong lĩnh vực kinh doanh.

(Theo Answers.com)


Chia sẻ bài viết