20/02/2008 - 09:30

Phản ứng trước việc Kosovo tuyên bố độc lập

Serbia triệu hồi đại sứ tại Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ

* Nga sẽ xem xét chiến lược với Abkhazia và Nam Ossetia

(TTXVN)- Tuyên bố độc lập của Kosovo đang chia thế giới thành nhiều cực và mâu thuẫn trầm trọng này chưa biết đến khi nào mới đi đến hồi kết.

Ngày 18-2, Mỹ chính thức công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, tách ra khỏi Serbia. Trong thông báo đưa ra trong chuyến công du Kenya, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khẳng định: “Hôm nay, nước Mỹ chính thức công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập và có chủ quyền”. Cùng ngày, phát biểu trên đường tới Tanzania trong chuyến công du châu Phi, Tổng thống Mỹ George Bush cũng đưa ra tuyên bố khẳng định người dân Kosovo đã độc lập. Đây là bình luận đầu tiên của ông Bush sau tuyên bố độc lập của Kosovo cuối tuần qua. Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Anh, Pháp, Đức và Italia sau cuộc họp tại Brussels (Bỉ), cũng lần lượt thông báo các nước này sẽ công nhận nền độc lập của Kosovo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan Sultan Ahmad Baheen thông báo nước này đã công nhận nền độc lập của Kosovo, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên chính thức công nhận tỉnh này. Nhật Bản phản ứng thận trọng. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Nobutaka Machimura cho biết Chính phủ dự định sẽ công nhận nền độc lập của Kosovo, song muốn cân nhắc tới phản ứng từ Serbia, nước phản đối hành động của Kosovo.

Trong khi một số nước quyết định công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo, nhiều nước khác gồm Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovenia... lại coi việc Kosovo tách khỏi Serbia là một “tiền lệ nguy hiểm”, đặc biệt đối với những khu vực đang tồn tại chủ nghĩa ly khai và khu vực Balkan đầy bất ổn.

Phản ứng trước tuyên bố của một số nước này, Nga dọa sẽ xem xét chiến lược với hai nước Cộng hòa tự trị thuộc Gruzia đang đòi ly khai là Abkhazia và Nam Ossetia.

Hội đồng lãnh đạo của hai viện Quốc hội Nga cho rằng việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập buộc Nga phải xây dựng những hình thức quan hệ mới với “các quốc gia tự tuyên bố độc lập trong khu vực lợi ích đương nhiên của Nga, trước hết là trong không gian hậu Xô Viết”.

Trong khi đó, tại phiên họp Quốc hội khẩn cấp diễn ra ngày 18-2, Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica cam kết sẽ bằng mọi cách ngăn chặn việc tỉnh Kosovo trở thành thành viên LHQ, đồng thời cho biết Chính phủ Serbia đã ra lệnh triệu hồi các đại sứ từ Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ về nước, tuyên bố sẽ không duy trì quan hệ bình thường với các nước này. Đây là biện pháp trả đũa đầu tiên của chính quyền Belgrade đối với những nước công nhận nền độc lập của Kosovo.

Liệu Kosovo có cơ may tồn tại lâu dài như một thực thể kinh tế, nếu không nhận được các nguồn viện trợ ồ ạt từ nước ngoài? Đó là câu hỏi lớn mà nhiều chuyên gia đặt ra sau khi tỉnh ly khai này đơn phương tuyên bố độc lập. Kosovo đặt kỳ vọng vào vốn đầu tư từ EU và Mỹ. Nhưng để có thể nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Kosovo cần phải được tham gia các tổ chức này. Đây là một mục đích không thể đạt được bởi vì ít nhất đã có 2 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ ( Nga và Trung Quốc) phản đối Kosovo độc lập.

Chưa rõ Kosovo sẽ được lợi gì từ tuyên bố vội vã trên, nhưng chắc chắn các biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế mà Chính phủ Serbia chuẩn bị áp dụng sẽ khiến Kosovo càng thêm kiệt quệ. Ngay trước mắt, Chính phủ Serbia sẽ cắt các nguồn cung cấp điện, nước và chặn mọi đường cung cấp năng lượng cho tỉnh ly khai Kosovo, cũng như cấm vận thương mại. Nga, nước đồng minh thân cận của Serbia, sẽ ngăn chặn việc công nhận Kosovo không những tại LHQ, mà ở tất cả các tổ chức quốc tế khác. Một viễn cảnh ảm đạm đang chờ đón hơn hai triệu người dân tại đây.

Chia sẻ bài viết