22/11/2015 - 16:16

Kỷ niệm 75 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2015)

SÁNG MÃI TINH THẦN QUẬT KHỞI CHỐNG NGOẠI XÂM

Giữa tháng 11 năm 1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên tranh đấu, một số nơi giành được quyền làm chủ, làm cho địch thiệt hại, phá thế kìm kẹp của địch. Ở chiến trường Cần Thơ, Ban Chỉ huy khởi nghĩa chủ trương huy động lực lượng du kích 2 làng Thới Bình và Long Tuyền hợp sức với quần chúng nội thành tiến công vào mục tiêu đã định; yêu cầu đánh chiếm kho súng để trang bị cho quần chúng… 75 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào, chiến sĩ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ sẽ mãi là mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta.

* Đứng lên phá bỏ xích xiềng

Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Ủy viên Thư ký Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang (cũ) bồi hồi kể, cha mẹ ông từng làm tá điền cho địa chủ ở xã Tân Phú Thạnh thuộc quận Châu Thành xưa, cuộc sống vô cùng khắc khổ. Khoảng năm 1939, chính quyền thuộc địa ra sức tước đoạt, vơ vét của cải, tài sản của nhân dân ta để làm giàu cho "mẫu quốc". Chúng phát hành giấy bạc, kiểm soát gắt gao lúa gạo, ấn định giá cả độc quyền, tăng thuế cũ, như: Thuế thân, thuế ruộng đất, thuế súc vật, thuế phương tiện… Theo ông Hơn, đối với thuế thân có nơi người dân đóng mỗi năm 7 đồng (người có hàng sản), người không có hàng sản đóng 4,5 đồng; thuế điền tăng, trong khi giá lúa gạo giảm, làm cho đời sống nông dân vô cùng khổ cực. Ở thành thị, giá cả sinh hoạt đắt đỏ cộng với chính sách thuế khóa nặng nề làm cho đời sống dân nghèo thành thị cùng cực, cuộc sống của tầng lớp tiểu thương, giáo chức, tư sản nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Xe, tàu, máy móc đều bị kê khai trưng thu, con em của họ không tránh khỏi bị bắt đi lính, khiến người dân càng căm thù bọn thực dân và tay sai. Quá phẫn uất, người dân kéo ra Nhà việc hoặc trực tiếp gặp hương quản, hội tề để phản đối chính sách tăng thuế, tăng tô, chống cho vay nặng lãi của địa chủ. Các cuộc đấu tranh tuy diễn ra với quy mô nhỏ, nhưng liên tục và đều khắp.

Theo Đại tá Đặng Hồng Cai, nguyên Trưởng Phòng Dân vận - Cục Chính trị, Quân khu 9, ông từng nghe một số cán bộ lão thành kể rằng bên cạnh bày ra những chính sách áp bức, bóc lột, đến tháng 9-1939, thực dân Pháp điên cuồng bắt bớ nhiều đảng viên cộng sản và những người yêu nước tiến bộ giam cầm ở các nhà lao trong nước, đày sang các hòn đảo thuộc địa của Pháp ở khắp nơi. Riêng ở Cần Thơ, chỉ trong 2 tháng cuối năm 1939, đã có 42 cán bộ, đảng viên và hàng trăm người yêu nước bị bắt, bị tù đày. Nhiều chi bộ đảng bị tan vỡ, Tỉnh ủy và ban cán sự các quận kịp thời rút vào hoạt động bí mật. Mặt khác, bọn đại địa chủ, tư sản phản động ngày đêm lùng bắt cán bộ, đánh phá phong trào cách mạng; bọn địa chủ tha hồ tăng tô, bóc lột tá điền; một số tư sản thương nghiệp đầu cơ tích trữ, tăng giá hàng hóa để làm giàu, cuộc sống người dân lao động càng thêm cơ cực nên lòng căm thù đế quốc và tay sai càng dâng cao.

Tháng 5-1940, phát xít Đức bắt đầu tấn công Pháp, đến tháng 6, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức, bọn tay sai ở trong nước hoảng hốt và hoang mang cao độ. Ở nước ta, sau khi thực dân Pháp đầu hàng Nhật vào tháng 9-1940, nhân dân sống trong cảnh lầm than một cổ hai tròng. Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, không cam chịu cuộc sống nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên giành chính quyền. Khí thế chuẩn bị khởi nghĩa ở các tỉnh Nam Kỳ dâng lên mạnh mẽ, nhiều nơi thanh niên luyện tập quân sự sôi nổi, nhiều lò rèn đi vào sản xuất vũ khí, các cuộc mít tinh liên tục diễn ra hằng đêm ở các làng, xóm. Đến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy, giành chính quyền về tay nhân dân.

* Nhất tề đứng lên tranh đấu

Đêm 22, rạng sáng 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại nhiều địa phương với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ ở khắp các tỉnh Nam Kỳ. Tiêu biểu như Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá… Một số nơi giành được quyền làm chủ làm cho địch thiệt hại, đánh đổ nghiêm trọng uy thế kềm kẹp của địch. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng phất phới dẫn đầu các đoàn quân khởi nghĩa và tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, trở thành Ban khởi nghĩa, cổ vũ khí thế tiến công liều chết với quân thù. Ở Cần Thơ, Thường vụ Tỉnh ủy nhận được lệnh khởi nghĩa vào lúc 12 giờ trưa ngày 22 - 11, Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo các quận. Đối với thị xã Cần Thơ, Ban Chỉ huy khởi nghĩa của tỉnh chủ trương huy động lực lượng du kích của hai làng Thới Bình, Long Tuyền hợp lực với quần chúng nội thành tiến công các mục tiêu đã định. Điểm khởi nghĩa nổ ra và có tính chất quyết định nhất là ở các cơ sở cách mạng và quần chúng cảm tình trong trại lính tập, lính mã tà. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải chiếm được kho súng lấy vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang ở các quận và quần chúng yêu nước.

 Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ diễu binh tại Lễ kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Du kích làng Thới Bình đến chờ sẵn tại "Chòm Mả Tây" (nay là công viên Lưu Hữu Phước) để tiếp nhận vũ khí do binh lính khởi nghĩa giao và cùng lực lượng thanh niên, học sinh, công nhân đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, Tòa hành chính, Sở Bưu điện, Nhà đèn. Du kích Long Tuyền đến phục sẵn tại xóm lao động nghèo ở cuối đường Huê Viên (nay là đường Đề Thám). Sau khi nhận được vũ khí sẽ phối hợp cùng công nhân đánh chiếm Khám lớn giải thoát tù chính trị và chiếm Bến Bắc Cần Thơ… Binh lính Pháp tại Cần Thơ được lệnh phải ngăn chặn cuộc khởi nghĩa. Từ 5 giờ chiều (ngày 22-11) chúng ra lệnh giới nghiêm, tăng cường chi viện binh lính, tuần tra, canh gác nghiêm ngặt. Tuy điểm chính quyết định nhất của tỉnh không thực hiện được, nhưng kế hoạch tiến công ở quận lỵ vẫn được triển khai vào tối 23-11. Hơn 800 người ở các làng: Tam Ngãi, An Phú Tân, Hựu Thành, Hòa Tân (quận Cầu Kè) vũ trang gậy gộc, giáo mác, dao búa, băng cờ, khẩu hiệu kéo đến điểm tập trung, tiếp cận Dinh quận, tiến thẳng vào cổng chính. Trước khí thế tiến công quyết liệt của lực lượng khởi nghĩa, bọn lính tháo chạy tán loạn, cố thủ trong Dinh quận, một số tên lính chạy không kịp bị ta tiêu diệt tại chỗ.

Ở Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn, lực lượng khởi nghĩa kéo đến chiếm Nhà việc, giương băng cờ, khẩu hiệu kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền, giành lại ruộng đất, đả đảo đế quốc thực dân. Tiêu biểu như ở vàm Mái Dầm (Phú Hữu), quần chúng kéo đến Nhà việc mỗi lúc một đông biến thành cuộc mít tinh lớn, hô vang khẩu hiệu "Đả đảo thực dân Pháp"; hay như ở Ngã Bảy, nghe tin lực lượng khởi nghĩa vùng lên, tên quận trưởng bỏ trốn, đồng thời bố trí lính canh phòng rất cẩn mật… Ông Lê Văn Lai, nguyên Chánh Văn phòng Ban Binh vận, Khu Tây Nam Bộ cho rằng, tuy Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, song đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta; có tầm ảnh hưởng rộng lớn, mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa được xem là đợt tổng dợt, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về khởi nghĩa vũ trang, góp phần vào sự lãnh đạo của Đảng trong thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.

* Phát huy truyền thống anh hùng

Phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh đi trước, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh thành Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đại tá Nguyễn Thanh Đức, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ cho biết: "Trong những năm qua, Đảng ủy- Bộ CHQS thành phố thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ; đưa bộ đội hành quân trở lại chiến trường xưa, vùng căn cứ kháng chiến cũ để lao động giúp dân, chăm lo sức khỏe cho dân, thăm hỏi, tặng quà, xây dựng nhà tình đồng đội, nhà đại đoàn kết, tình nghĩa cho gia đình chính sách, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh đẹp "Bộ đội cụ Hồ" và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn".

Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên có số lượng và chất lượng tốt; công tác tuyển quân đi vào nền nếp, giao nhận quân hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao, chất lượng ngày càng được nâng cao. Đến nay, thành phố cơ bản giải quyết xong chế độ chính sách cho các đối tượng có công với cách mạng; hằng năm, Bộ CHQS thành phố đều xuất quỹ tự túc trên 1,5 tỉ đồng để làm công tác chính sách nhân các ngày lễ, Tết; phụng dưỡng cuối đời Mẹ Việt Nam Anh hùng, tích cực tham gia quỹ đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, tình thương đồng đội với tổng số tiền 19 tỉ đồng. Với thành tích nổi bật trên, 2 lần Lực lượng vũ trang (LLVT) TP Cần Thơ vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT Nhân dân.

Phát huy truyền thống anh hùng, LLVT thành phố tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn lực lượng và nhân dân Nghị quyết số 28 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng vững chắc thế trận lòng dân trong xây dựng khu vực phòng thủ thành phố. Cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng, trình độ tác chiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xây dựng LLVT thành phố vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để phát triển toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

* Bài viết có tham khảo tư liệu: - Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ - NXB Chính trị Quốc gia; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, tập I (1929 - 1945).

Chia sẻ bài viết