13/11/2009 - 20:47

Sản xuất nhiệt điện bằng trấu ở ĐBSCL:
Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà ?

Với sản lượng lúa lớn, các tỉnh, thành ĐBSCL đang có nguồn cung trấu dồi dào.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo cả nước và đây là nơi có nguồn trấu rất dồi dào, với khoảng 4 triệu tấn/năm. Phần lớn nguồn nguyên liệu này vẫn còn bỏ phí, bị vứt xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Dự án sản xuất điện bằng nguồn nguyên liệu trấu rẻ tiền được xem là giải pháp tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thăm dò, dự án này vẫn chưa được triển khai. Vì sao?

NGUỒN NGUYÊN LIỆU TRẤU DỒI DÀO

Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng: “Hiện ĐBSCL có sản lượng lúa hơn 20 triệu tấn. Nếu lấy tỷ lệ trung bình là 100kg lúa cho 20kg trấu thì mỗi năm trong vùng có trên 4 triệu tấn trấu. Trong đó, có 50% lượng trấu được bán cho các mục đích sử dụng như: làm chất đốt cho lò sấy, nung gạch, nấu nướng... Còn lại khoảng 50% là lượng trấu dư thừa, được đốt hoặc bỏ xuống sông gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ĐBSCL đang có tiềm năng lớn trong việc sản xuất nhiệt điện bằng việc sử dụng nguồn trấu dư thừa này”.

Kết quả khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL tại 108 nhà máy xay xát lúa (được chọn ngẫu nhiên) tại 14 quận, huyện thuộc TP Cần Thơ và các tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, cho thấy: Có khoảng 50% trấu tại các nhà máy xay xát được bán cho các mục đích sử dụng làm chất đốt trong dân dụng và làm phân bón. Giá bán trấu dao động 40-170 đồng/kg, tùy theo từng địa phương và từng thời điểm trong năm. Nhưng các nhà máy này vẫn còn một lượng trấu dư thừa rất lớn, với trên 232.000 tấn/năm. Lượng trấu dư thừa chủ yếu tập trung vào các tháng cao điểm của mùa thu hoạch lúa (từ tháng 2 đến tháng 7) tại nhà máy xay xát lúa có quy mô lớn và vừa. Với kết quả khảo sát trên đã khẳng định, nguồn trấu tại ĐBSCL có thể đáp ứng tốt nhu cầu cho việc sản xuất nhiệt điện.

Theo Công ty điện lực J-Power (Nhật), muốn cho nhà máy nhiệt điện có công suất 10MW hoạt động, cần tiêu thụ một lượng trấu khoảng 80.000 tấn/năm. Công ty điện lực J-Power chính là một trong các doanh nghiệp (DN) đang có ý định sử dụng nguồn nguyên liệu trấu dư thừa tại ĐBSCL sản xuất nhiệt điện.

Ông Huỳnh Văn Hòa, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Hồng Phát (chuyên xay xát, lau bóng, kinh doanh lúa gạo) ở ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết: DN muốn sử dụng trấu làm nhiệt điện không phải lo thiếu nguồn cung. Riêng chỉ ở DN của tôi đã thải ra 13.000 -16.000 tấn trấu/năm. Còn trong toàn huyện Thoại Sơn đang có khoảng 20 nhà máy xay xát lúa, ước tính lượng trấu thải ra khoảng 400.000 tấn/năm. Muốn xây dựng một nhà máy nhiệt điện có công suất 10MW, chỉ cần chọn ký hợp đồng thu mua trấu với chừng 10 nhà máy lớn đảm bảo dư sức trấu để sử dụng...”.

NHÀ ĐẦU TƯ CÒN NGẠI

Thời gian qua, Công ty điện lực J-Power đã hợp tác với Công ty cổ phần Nhiệt điện Đình Hải (Việt Nam) tiến hành nghiên cứu và xúc tiến kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng trấu tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, TP Cần Thơ, với công suất 10 MW. Theo J-Power, nếu dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Thốt Nốt thành công, công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm 10-15 nhà máy nữa tại các tỉnh, thành ĐBSCL.

Thời gian qua Công ty điện lực J-Power còn ngán ngại và chưa chính thức đi đến quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Thốt Nốt vì sợ hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân J-Power lo ngại là khi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sẽ không có được nguồn trấu ổn định về mặt giá cả và số lượng. Bởi trước đây J-Power đã đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng trấu tại Thái Lan, sau một vài năm đi vào hoạt động các DN ký hợp động bán trấu cho J-Power đã liên tục nâng giá lên. Mặt khác, hiện giá điện ở Việt Nam thấp hơn nhiều so các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia do được Nhà nước bình ổn giá để tạo điều kiện cho người dân được sử dụng điện. Giá bán điện hòa vào lưới điện quốc gia Việt Nam chỉ ở mức khoảng 4-4,5 Cent/Kwh (khoảng 7.500-8.000 đồng). Trong khi đó, theo tính toán của J-Power thì giá thành để sản xuất nhiệt điện ở mức 7 Cent/Kwh (khoảng 9.000 đồng).

Ổn định giá điện là một chính sách nhằm phục vụ an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam nên việc đề xuất tăng giá thu mua điện là rất khó thực hiện. Để dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Thốt Nốt có tính khả thi, Công ty Điện lực J-Power đang tìm kiếm một cơ chế hợp tác cùng có lợi giữa các bên liên quan (như chính quyền địa phương, các cá nhân, DN cung cấp và vận chuyển trấu...) nhằm có thể tận dụng được nguồn trấu dư thừa, với giá thấp. Với mục đích đó, vừa qua tại TP Cần Thơ, J-Power đã phối hợp với Công ty cổ phần Nhiệt điện Đình Hải tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý và thu gom trấu của nhà máy xay xát lúa tại khu vực ĐBSCL”. Theo J-Power, qua hội thảo, công ty sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp, xây dựng một cơ chế hợp tác và trình UBND TP Cần Thơ xem xét để xác định tính khả thi của dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Thốt Nốt.

Tại hội thảo, ông Toru Ikebe- đại diện của Công ty Điện lực J-Power, cho biết: “Mục đích của công ty là hướng đến việc tận dụng phần trấu dư thừa tại các DN để góp phần tăng thêm thu nhập cho các bên liên quan và góp phần cùng với chính quyền địa phương giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do trấu bị thải xuống sông. Riêng phần trấu mà các cá nhân, DN và nhà máy xay xát lúa đang bán cho người dân và các DN sử dụng cho các mục đích khác, chúng tôi muốn giữ nguyên hiện trạng các giao dịch vốn đã có trước đó, cũng như giá bán. Chính vì vậy, chúng tôi cần một cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có sự tham gia của chính quyền địa phương”.

Đồng ý với quan điểm trên của J-Power, ông Nguyễn Xuân Trình, Chủ DN Tư nhân Xuân Thành (chuyên xay lúa gia công) ở xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, cho rằng: “Nếu có thể tận dụng và bán thêm được nguồn trấu dư thừa sẽ giúp cho DN có một phần thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, việc thu mua lượng trấu dư thừa cần phải vào những thời điểm cao điểm của vụ mùa”. Theo nhiều DN xay xát lúa, muốn đảm bảo được nguồn cung với giá ổn định, J-Power phải ký hợp đồng dài hạn với các DN cung cấp trấu và định ra một mức giá hợp lý. Ông Huỳnh Văn Hòa, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Hồng Phát, cho rằng: “Hiện nay, việc mua bán trấu được thực hiện theo cơ chế thị trường, giá lên xuống phụ thuộc nhiều vào cung cầu trên thị trường. Chính vì thế, chúng tôi rất khó chấp nhận bán trấu cho J-Power với giá thấp, trừ khi đó là nguồn trấu dư thừa, đang lúc không còn nơi để cất trữ và không thể bán được cho ai với giá cao hơn...”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

VIỆT NAM THẢO LUẬN KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TỪ TRẤU

Các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia về năng lượng Việt Nam và nước ngoài đã gặp nhau để thảo luận về khả năng phát triển năng lượng từ trấu trong một hội thảo do Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Bộ Công thương chủ trì ngày 12-11 tại TP Hồ Chí Minh.

IFC trong dịp này công bố một nghiên cứu toàn diện (do Phần Lan, CH Ailen, Hà Lan, New Zealand và Thụy Sĩ tài trợ) về tiềm năng biến chất thải trấu thành một nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam - một trong những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới. Nghiên cứu này khẳng định: với sản lượng trấu khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2010, Việt Nam có thể sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn trấu cho phát điện, điện năng sản xuất từ các nhà máy điện trấu đạt từ 1-1,2 TWh/năm và công suất lắp đặt của các nhà máy này dao động từ 160-180 MW.

IFC cũng cho rằng khu vực tốt nhất cho các dự án điện trấu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp...), nơi sản xuất lúa tập trung theo quy mô lớn, lượng trấu được sử dụng mới chiếm 15-20% và hầu hết các nhà máy xay xát nằm cạnh sông hoặc kênh rạch, thuận tiện cho vận chuyển với chi phí thấp. Việc sử dụng trấu cho các dự án điện sẽ giảm đáng kể lượng trấu dư thừa, thường bị đổ xuống sông rạch gây ô nhiễm môi trường cũng như giảm lượng phát thải CO2. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ rõ những nhược điểm, chủ yếu về khía cạnh tài chính đối với các dự án điện trấu với mức giá bán điện hiện nay (khoảng 0,053 USD/Kwh). Tỷ suất đầu tư/MW điện trấu cũng cao hơn các loại năng lượng điện khác khoảng 1,5 lần (khoảng 2000 USD/Kwh) và công nghệ sản xuất điện trấu phải nhập khẩu hoàn toàn.

Một số ý kiến phản biện tại hội thảo cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc phát triển điện trấu, thay vào đó là phát triển các dự án nhiệt trấu phục vụ ngay cho việc sấy khô lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng cũng như cung cấp nhiệt cho các khu công nghiệp địa phương. Ngoài ra, hiện đã có ít nhất 5 nhà máy sử dụng trấu để sản xuất các viên than trấu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xuất khẩu và xu hướng này đang gia tăng mạnh mẽ do đầu tư và vận hành đơn giản, đầu ra cũng khá nhiều.

Theo Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Lê Tuấn Phong, Bộ Công thương đang cùng WB xây dựng khung pháp lý để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng trấu. Nghị định riêng về vấn đề này sẽ được trình lên Chính phủ vào cuối năm 2009. Hiện đã có ít nhất 3 dự án sử dụng trấu quy mô công nghiệp ở khu vực phía Nam (Nhà máy nhiệt điện Đình Hải-Cần Thơ và Xi măng Holcim), dự án còn lại chuẩn bị được triển khai tại Tiền Giang với công suất nhà máy nhiệt điện đốt trấu khoảng 10MW, vốn đầu tư trên 18,6 triệu USD.

THI CẦM (TTXVN)


Chia sẻ bài viết