22/06/2021 - 11:29

Rượu vang Trung Quốc muốn ra thế giới 

Trong 15 năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất rượu vang vùng chủ lực Ninh Hạ với tham vọng sánh ngang Bordeaux - thành phố cảng miền Tây Nam nước Pháp vốn được biết đến như thủ đô của ngành công nghiệp rượu vang thế giới.

Trung Quốc tham vọng gây dựng vùng sản xuất rượu vang sánh ngang Bordeaux của Pháp. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc tham vọng gây dựng vùng sản xuất rượu vang sánh ngang Bordeaux của Pháp. Ảnh: Getty Images

Hiện Trung Quốc có nhiều vùng sản xuất rượu vang, nhưng Ninh Hạ được đánh giá là một trong những nơi dẫn đầu về chất lượng. Năm 2007, rượu vang trở thành ngành công nghiệp lớn thứ hai của Ninh Hạ, sau ngành than. Bất chấp đại dịch COVID-19, báo cáo của cơ quan hải quan địa phương cho biết xuất khẩu rượu vang hồi năm ngoái của vùng này tăng 46,4% lên hơn 414.000USD với thị trường chủ yếu gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc và Nhật Bản.

Trong kế hoạch phát triển được phê duyệt hồi cuối tháng 5, Trung Quốc muốn nâng sản lượng rượu Ninh Hạ lên gấp 4 lần hiện nay, tương đương 600 triệu chai với doanh thu vào khoảng 3,12 tỉ USD vào năm 2035. Khi đó, Khu tự trị Hồi giáo Ninh Hạ sẽ trở thành vùng sản xuất quan trọng, mở rộng cánh cửa cho rượu vang Trung Quốc hội nhập thế giới với tầm ảnh hưởng và quy mô như Bordeaux. Năm ngoái, Bordeaux sản xuất 522 triệu chai rượu vang với giá trị ước tính 4,16 tỉ USD.

Nằm ở sườn phía Đông dãy núi Helan, Ninh Hạ trồng và canh tác nhiều loại nho khác nhau tương tự như Bordeaux ở Pháp hay Thung lũng Napa ở Mỹ và chiếm phần lớn sản lượng nho trong nước. Chất lượng rượu vang Ninh Hạ thực tế chưa sánh kịp với rượu vang Pháp hay Ý, nhưng Bắc Kinh tin về lâu dài khu vực này đủ khả năng cạnh tranh quốc tế.

Theo báo cáo hàng năm do Tổ chức Rượu vang quốc tế công bố hồi tháng 4, Trung Quốc hiện đứng thứ 6 toàn cầu về giá trị tiêu thụ đồ uống này và xếp thứ 10 về sản lượng. Một thống kê hồi năm 2018 của tổ chức trên cho thấy Trung Quốc có thể trở thành thị trường lớn nhất thế giới nếu đạt mức tiêu thụ trung bình 3 lít/người mỗi năm.

Được biết năm ngoái, Úc vẫn là nguồn cung cấp rượu ngoại lớn nhất cho Trung Quốc. Nhưng kể từ cuối năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu áp đặt các biện pháp chống bán phá giá với mức thuế dao động 107-212% đối với rượu vang xứ sở chuột túi. Các quan chức ở Canberra coi đây là động thái trả đũa từ Bắc Kinh trước nỗ lực của Úc chống lại hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sau động thái trên, công ty phân tích ngành công nghiệp sản xuất rượu vang của Úc cho biết kim ngạch xuất khẩu của các nhà sản xuất rượu vang nước này ở thị trường tỉ dân chỉ đạt 9,3 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2021, giảm mạnh so với 243 triệu USD cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà sản xuất trong nước tuy tìm được thị trường mới ở Anh, Mỹ và Đông Nam Á nhưng sẽ phải mất 3 hoặc 4 năm để phục hồi các khoản lỗ. Quan trọng là không phải tất cả trong gần 1.000 nhà sản xuất vốn tập trung vào Trung Quốc có thể vượt qua khó khăn này.

Riêng đánh giá về rượu vang Trung Quốc, giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất đại lục vẫn còn một chặng đường dài trước khi trở thành nhà xuất khẩu lớn trên bình diện quốc tế. Tuy không chịu áp lực từ các thương hiệu nước ngoài như trước, nhưng hầu hết xưởng sản xuất rượu vang Trung Quốc đang đối mặt thách thức lớn hơn do phải cạnh tranh với những loại rượu khác chất lượng cao nhưng giá thấp như Bạch tửu ở thị trường nội địa. Cùng với bia, loại rượu mạnh này được người dân chuộng hơn so với thức uống đắt như rượu vang. Theo Sui Pengfei, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nếu rượu vang rẻ được như Bạch tửu hoặc bán ở tầm giá 6,20 USD/chai thì có thể được nhiều người tiêu thụ hơn.

MAI QUYÊN (Theo CNBC)

Chia sẻ bài viết