27/11/2021 - 08:16

Rể... không là khách 

Thông thường mối quan hệ khiến mọi người quan tâm và phát sinh vấn đề, mâu thuẫn là gia đình chồng và con dâu, ít ai để ý mối quan hệ con rể và gia đình vợ. Trong thực tế, khá nhiều con rể, với tính cách vui vẻ, chừng mực, biết quan tâm cảm xúc người khác, sống hòa đồng, hết lòng với gia đình vợ, luôn được mọi người quý mến…

Mỗi khi trò chuyện với các bạn già, chú Việt Phong ở quận Cái Răng, hay gọi anh Tấn Phát là… “thằng rể nhà quê”. Chú Phong chỉ nói vui, chớ kỳ thực muốn khoe rể quý. Hơn 15 năm trước, khi quen rồi yêu chị Tuyết Phương, con gái chú Phong, trong lần dự tiệc tân gia người bạn, anh Phát không hề biết gia thế chị nơi phố chợ. Khi ngỏ ý đưa anh Phát về ra mắt cả nhà, biết anh ngại mọi người đàm tiếu “chuột sa hũ nếp”, chị Phương trấn an chẳng có gì phải lo. Trong khi bà nội chị Phương phiền lòng, lấy chồng nhà quê bao giờ khá, cỡ cháu nội phải chọn nhà kinh doanh mới xứng và sướng tấm thân, thì ba chị tỏ vẻ đồng ý sau khi xem “giò cẳng” con rể tương lai. Ba chị thuyết phục riết bà nội phải nhượng bộ “cháu thương là được rồi”, còn mẹ lý luận kiểu “củi tre dễ nấu…”.

Anh Phát ứng xử theo cách “ruột để ngoài da” nên chẳng ai ghét được. Quê miệt Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sở hữu mấy chục công ruộng, vườn mà đi xe gắn máy cà tàng, ăn mặc bình dân, giỏi việc bếp núc. Tuy ở rể nhưng anh Phát thường xuyên về quê để thăm nom ruộng vườn. Mỗi lần trở lên, anh Phát chịu khó “cụ bị” rau củ sạch hay mớ tôm, cá tươi cho cả nhà. Nhà vợ chuẩn bị cúng giỗ, anh Phát nuôi sẵn gà, vịt ở quê, vừa ngon sạch, tiết kiệm chi phí, còn đứng ra bày biện, chế biến món ăn. Ai trong nhà hữu sự gì cần trợ giúp, anh Phát xung phong, làm đâu ra đấy, mọi người rất yên tâm. Nhớ hồi ba vợ nhập viện đặt stent mạch máu, anh Phát chăm sóc suốt 2 tuần chu đáo, suôn sẻ.

Chú Phong chia sẻ, nhìn Phát hiền lành, từ tốn vậy nhưng khi gặp chuyện thì mau mắn, lẹ làng, không ai nghĩ Phát là con rể. Từ lâu, chú Phong xem Phát như con trai mình, luôn ưu ái, thoải mái trong mọi việc. Tuy được cha mẹ vợ quan tâm, vun vén nhưng anh Phát luôn vững lập trường, minh bạch, rõ ràng mọi thứ. Hơn 15 năm trôi qua, con gái lớn học lớp 7 nhưng anh Phát vẫn chịu khó về quê chăm sóc ruộng vườn, không theo ý ba vợ là thu xếp hẳn công việc để tập trung quản lý cửa hàng vật liệu xây dựng nhà vợ. Anh Phát thẳng thắn bày tỏ, anh không “mặn” lĩnh vực kinh doanh, chỉ “hư bột hư đường”, ba vợ giao người phù hợp sẽ hiệu quả hơn… Ai cũng nghĩ anh Phát không biết nắm bắt cơ hội, còn làm ba vợ phật ý. Thế nhưng, không những không phiền, chú Phong còn gật gù “Con rể luôn thẳng tính, sao giận được!”. Dịp Tết Nhâm Dần sắp tới, anh Phát tự tay chuẩn bị cặp cây kiểng uốn hình bình hoa để ba vợ được dịp khoe với mấy bạn già “Rể tui làm”…

Trong lần tình cờ đi khám bệnh do bị đau lưng, anh Khắc Vĩnh ở quận Ninh Kiều, bất ngờ phát hiện bị cao huyết áp, bác sĩ khuyên phải thường xuyên tái khám, không được xem thường. Khi biết tin anh Vĩnh bị bệnh, chị Thùy Liên, vợ anh Vĩnh, lập tức báo ba mẹ vợ biết. Y như rằng, vừa nhận tin, cả hai đã giục anh Vĩnh đi khám tổng quát để bác sĩ chẩn đoán cho chắc, rồi mấy em vợ liên tục điện thoại hỏi thăm. Mẹ vợ còn chuyển lời nhắn của bà ngoại ở Long An, cháu rể phải ráng trị hết bệnh để về quê ngoại ăn Tết, ai cũng trông.

Mỗi năm đôi lần, anh Vĩnh tháp tùng về thăm quê ngoại và luôn là tâm điểm bởi sự nhiệt tình, sốt sắng với bà con bên vợ. Nhà anh Vĩnh, chị Liên đều khá giả, anh Vĩnh “chịu” ở rể, phần chiều ý vợ, phần thích không khí ấm áp, quây quần gia đình, trong khi mọi người cản ngăn “gia đình vợ đông, chịu sao thấu”. Thời gian đầu, để con rể không cảm thấy áp lực, tâm lý, cha mẹ luôn tạo không khí vui vẻ, tự nhiên. Anh Vĩnh nhanh chóng thích nghi nếp nhà vợ, xem trọng bữa cơm gia đình và sinh nhật từng thành viên. Tuy khá bận rộn với việc kinh doanh tiệm bách hóa, rồi thầu xây dựng nhưng anh Vĩnh tranh thủ phụ chăm vườn tược, để cha mẹ vợ được nghỉ ngơi, vui đùa với 2 cháu ngoại. Hiểu tính ba thích cây kiểng, mẹ và vợ chuộng các loại hoa, đến đâu thấy giống đẹp, lạ, anh Vĩnh đặt mua về trồng và ra công chăm sóc. Anh vui vẻ cùng ba vợ chơi cờ tướng, chịu khó chở vợ và mẹ cúng bái chùa xa. Cuối tuần, anh Vĩnh đưa cả nhà đi siêu thị, xem phim, lâu lâu karaoke xả tress. Trong gia đình, ai có việc bất đồng, cãi vã, anh Vĩnh khéo léo đứng giữa giảng hòa êm đẹp. Lúc vợ chồng anh Vĩnh xung đột, cha mẹ vợ đều “bênh” con rể, sau đó mới điềm tĩnh phân tích đúng sai với cả hai. Có ai hỏi bí quyết trở thành rể quý, anh Vĩnh cười vui, gói gọn 2 chữ “chân thành”…

Trong cuộc sống gia đình ít nhiều chịu sự chi phối bởi những mối quan hệ đan xen nhưng tựu trung hướng đến niềm vui hạnh phúc, sum vầy. Chỉ cần mỗi người thông cảm, biết quan tâm, sẻ chia đều có thể rút ngắn mọi khoảng cách. Riêng những người con rể đầy thiện chí, đủ chân thành để khẳng định “rể… không là khách”, có khi còn hơn con ruột! 

Mai Thy

Chia sẻ bài viết