Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ42) ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg (QĐ1058) ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD gắn với các mục tiêu cơ cấu lại ngành ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần, năng lực quản trị và điều hành từng bước được nâng cao và tiệm cận với thông lệ quốc tế, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng từng bước được cải thiện, chất lượng tín dụng được nâng cao. Các TCTD tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Cải thiện chất lượng tín dụng

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, Vietcombank triển khai đồng bộ các giải pháp từ trụ sở chính đến toàn thể các chi nhánh. Sau 2 năm thực hiện các phương án xử lý nợ, với sự tập trung nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống, Vietcombank đã xử lý được một khối lượng lớn nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ nợ xấu cho vay nền kinh tế của Vietcombank luôn thấp hơn mức khống chế của NHNN. Tính đến 30-9-2019, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 1,07%.
Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% và tính đến 31-8-2019 là 1,98%. Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo NQ42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nợ xấu theo NQ42, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), cho biết: NQ42 đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các TCTD đặc biệt trong việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu. Theo đó, quyền thu giữ tài sản của các TCTD được quy định rõ ràng, cụ thể hơn, vai trò trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan như chính quyền địa phương, cơ quan công an, vấn đề quản lý nhà đất, vấn đề thuế, chuyển nhượng tài sản đều đã được quy định cụ thể và được truyền thông rộng rãi. Áp dụng NQ42 trong 2 năm, VIB đã thu giữ thành công xấp xỉ 100 bất động sản với giá trị hàng trăm tỉ đồng, tương ứng với số lượng nợ xấu liên quan đồng thời giảm đáng kể thời gian và công sức thay vì xử lý nợ xấu thông qua các thủ tục tố tụng thông thường.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NQ42 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và có hiệu lực cao nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu. QĐ1058 tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các TCTD. Trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình quản trị điều hành, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường năng lực kiểm soát rủi ro, đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ, tăng cường đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Sơ kết 2 năm triển khai NQ42 và QĐ1058 của ngành ngân hàng, NHNN nhận định công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ xử lý cơ cấu lại nợ đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm; việc xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn…
Do đó, NHNN xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung thanh tra pháp nhân, thanh tra việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng. NHNN sẽ tăng cường giám sát, kịp thời có văn bản cảnh báo các TCTD về việc xử lý nợ xấu, các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu; hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, dự án đầu tư BT, BOT… NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các TCTD… đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và tiệm cận thông lệ quốc tế.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai NQ42 và QĐ1058 của ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD. Giao Bộ Tài chính sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế thực hiện đúng NQ42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế; Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ; có văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án địa phương tập trung và quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; UBND tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tới các cấp chính quyền cơ sở để hướng dẫn thực hiện theo NQ42… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo NHNN khẩn trương phê duyệt các phương án tái cơ cấu lại đối với TCTD và tổ chức triển khai đối với các TCTD đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu. Tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động tín dụng…
Qua 2 năm thực hiện NQ42 và QĐ1058, kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 8-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỉ đồng nợ xấu xác định theo NQ42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro).
Bài, ảnh: MINH HUYỀN