27/02/2021 - 08:16

Quy định khám chữa bệnh trái tuyến trong trường hợp hẹn khám lại 

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 296/BHXH-CSYT hướng dẫn một số quy định tại Ðiều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB), BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chi tiết về việc KCB trái tuyến trong trường hợp hẹn khám lại. Theo đó, trường hợp người được hẹn khám lại sau khi đi KCB không đúng tuyến theo quy định tại khoản 3 và khoản 6, Ðiều 22, Luật BHYT (kể cả trường hợp sau điều trị nội trú) thì lần khám hoặc đợt điều trị có sử dụng giấy hẹn khám lại đó vẫn là KCB trái tuyến.

Người tham gia BHYT khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Trường hợp người tham gia BHYT đi KCB không đúng tuyến theo quy định tại điểm c, khoản 3 và khoản 6, Ðiều 22 Luật BHYT có chi phí trong 1 lần KCB nội trú hoặc ngoại trú (chỉ trường hợp KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện) thấp hơn 15% mức lương cơ sở được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB trong phạm vi hưởng BHYT.

Ngoài ra, công văn trên cũng yêu cầu rà soát việc kê thêm giường so với giường được phê duyệt tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT: Cơ sở khám chữa bệnh đã đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, tăng số giường bệnh đạt tiêu chuẩn nhưng chưa điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động. Cơ sở khám chữa bệnh tăng số giường bệnh thực kê nhiều hơn số giường được phê duyệt để giảm tình trạng nằm ghép thì phải bổ sung số lượng nhân lực kịp thời tương ứng. Ðồng thời có văn bản thông báo với cơ quan BHXH về số giường kê thêm, lý do kê thêm làm căn cứ giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT. Cơ sở khám chữa bệnh vẫn kê thêm giường khi số giường được phê duyệt chưa sử dụng hết công suất, gây ảnh hưởng đến không gian hoạt động khám chữa bệnh của nhân viên y tế và người bệnh thì sẽ bị BHXH tỉnh có văn bản kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xử lý.

CHẤN HƯNG     

 

Chia sẻ bài viết