30/06/2019 - 08:09

Quốc phục - mạnh ai nấy “chế”? 

Gần đây, câu chuyện về Quốc phục được thảo luận khá nhiều, xuất phát từ vụ một nhà thiết kế sáng tác Quốc phục lấy cảm hứng từ bàn thờ gia tiên. Nực cười hơn, phần khung ảnh lại bao quanh khuôn mặt của người mẫu (?!!). Thiết kế ngay lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt bởi sự lập dị, thiếu nghiêm túc.

Áo dài luôn làm tôn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trong ảnh: Cô gái Cần Thơ - Trúc Mai đoạt danh hiệu Người đẹp Áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.

Áo dài luôn làm tôn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Trong ảnh: Cô gái Cần Thơ - Trúc Mai đoạt danh hiệu Người đẹp Áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.

Thật ra, bộ thiết kế này là một trong những tác phẩm tham dự cuộc thi tìm kiếm trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn Vũ sắp tới. Sau thời gian phát động ngắn đã có đến hơn 200 tác phẩm dự thi. Nhưng có lẽ, thiết kế “Bàn thờ” bị dư luận lên án nhiều nhất. Thử nhìn các bộ sưu tập còn lại cũng phản cảm không kém. Bộ sưu tập “Chiến binh sen” nghe khá ý nghĩa nhưng nhiều người nói vui “mới nhìn đã nhột” vì kiểu thiết kế thừa da thiếu vải. Đem loài hoa vốn gắn với sự thanh khiết, thánh thiện để “biến tấu” thành cái gọi là “Quốc phục” trống trước hở sau.

Hay với thiết kế “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, người xem choáng với thiết kế rườm rà, màu mè, hỗn độn nào là voi, rồng, hai chàng trai “sáu múi”… Còn với “Cô Ba cổ tích”, người xem chẳng biết đâu là điểm nhấn khi một chỗ có cảnh truyện “Tấm Cám”, chỗ khác là Thạch Sanh chém chằn, chỗ khác là Chú Cuội ngồi gốc cây đa… Tác phẩm “Di sản ca trù” đem hình ảnh cả chiếu ca trù gồm 3 nghệ nhân lên trang phục người mẫu…

Dĩ nhiên, những thiết kế này mới là ý tưởng, nhưng điều này cho thấy sự ngộ nhận không nhỏ của một bộ phận nhà thiết kế. Thời gian trước, làng thời trang Việt cũng rối rắm chuyện Quốc phục cho các cuộc thi người đẹp bởi những thiết kế có khi nặng 40-50kg kiểu “mỗi cái mỗi chút”. Dường như để “mượn tiếng thơm lây”, các nhà thiết kế bây giờ cố ướm vào yếu tố văn hóa truyền thống như di tích, di sản, đặc trưng vùng miền… cho thiết kế của mình có ý nghĩa. Điều đáng nói là cách họ thể hiện gượng gạo, khiên cưỡng nên có cảm giác họ biến trang phục thành “Bảo tàng”. Phải chăng các nhà thiết kế đang có sự nhập nhằng giữa trang phục dân tộc và lễ hội đường phố?

Nước ta hiện nay vẫn chưa có quy định chính thức và chưa công nhận Quốc phục, Quốc hoa. Duy chỉ có những loại trang phục truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa như áo bà ba, áo tứ thân và nhất là áo dài, được mọi người sử dụng như trang phục truyền thống tiêu biểu kiểu trang phục nhận diện. Vậy nên đừng nên ngộ nhận những thiết kế kiểu tùy hứng, thích “chế” sao cũng được là Quốc phục.

Theo tìm hiểu, trong rất nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế, có một phần thi gọi là “national costume”, tạm được hiểu là trang phục thiết kế mang bản sắc của quốc gia, dân tộc. Thế nên, nhiều nhà thiết kế đã gửi gắm vào trang phục những bản sắc riêng chứ chưa thể gọi là Quốc phục. Ở khía cạnh ứng dụng, thử hỏi trang phục mang cả bàn thờ, chiếu ca trù, quay tơ dệt vải… với độ nặng vài mươi ký, dài đến vài thước thì sẽ mặc ra sao?

Suy cho cùng ở Việt Nam ta, chiếc áo dài vẫn là trang phục nhận diện tiêu biểu và phổ biến khắp cả nước. Như lời ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”. Nên chăng các nhà thiết kế dựa vào đây để thiết kế thêm những chi tiết cho phù hợp, thẩm mỹ và ứng dụng, chứ đừng là “nồi lẩu thập cẩm”.

Bài, ảnh: Duy Lữ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Quốc phục