13/09/2021 - 08:22

Quốc gia nhỏ - vị thế lớn 

Khi Mỹ ráo riết sơ tán hơn 120.000 công dân và đối tác ra khỏi Afghanistan vào tháng trước, một quốc gia nhỏ bé, đầy cát và nắng nhưng lại rất giàu có đã ra tay hỗ trợ. Ðó chính là Qatar.

Nhân viên Qatar hỗ trợ người dân Afghanistan sơ tán. Ảnh: Reuters

Vai trò ngoại giao lớn

Theo tờ Thời báo New York, Qatar đã tiếp nhận khoảng 60.000 người Mỹ và Afghanistan, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Bằng nỗ lực của mình, Qatar đã giành được sự khen ngợi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ đã trực tiếp đến thăm Doha để gửi lời cám ơn. “Nhiều quốc gia đã tăng cường hỗ trợ nỗ lực sơ tán và tái định cư ở Afghanistan nhưng không nước nào làm được như Qatar. Quan hệ đối tác giữa Qatar và Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như thế” - Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7-9 tại Doha. Ðáp lại, người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani gọi Washington là “đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi”.

Tuy với diện tích nhỏ hơn tiểu bang Connecticut (Mỹ), với khoảng 300.000 dân và hơn 2 triệu lao động nước ngoài nhưng Qatar đang giữ vị thế “độc nhất” là đồng minh đáng tin cậy của cả Mỹ và Taliban. Ðây là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Ðông, đồng thời là nơi ẩn náu chính trị của các thủ lĩnh Taliban trong nhiều năm qua. Ðến nay, Qatar đã đóng vai trò trung gian quan trọng cho các cuộc đàm phán giữa Taliban và phương Tây, trong đó có tiến trình hòa đàm giữa Taliban và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump dẫn đến thỏa thuật rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan hồi năm ngoái.

Với sự giàu có của mình, Qatar cũng đã hỗ trợ tài chính và thúc đẩy ảnh hưởng tại khu vực thông qua kênh truyền hình Al Jazeera, duy trì quan hệ với một loạt tổ chức Hồi giáo như phong trào Hamas ở Dải Gaza hay Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Mối quan hệ này của Qatar đã trở nên hữu ích cho phương Tây trong việc đàm phán trao trả con tin ở các nước bất ổn như Syria.

Là nước chia sẻ nguồn tài nguyên khí đốt dồi dào với Tehran trên vịnh Persic, Qatar cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Với mối quan hệ thân thiết với cả Mỹ,  Taliban và Iran, Qatar giờ đây có thể thúc đẩy cái gọi là “ngoại giao phòng ngừa” - hành động nhằm ngăn chặn các tranh chấp phát sinh giữa các bên, ngăn chặn các tranh chấp hiện có leo thang thành xung đột.

Trong những ngày gần đây, Qatar đã chuyển nhiều thực phẩm và viện trợ y tế tới Afghanistan. Các quan chức và kỹ thuật viên Qatar cũng đã bay đến Kabul để gặp đại diện của Taliban và làm việc với đại diện Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm cách mở lại sân bay quốc tế Hamid Karzai.

Mở rộng ảnh hưởng

Thật ra, đất nước giàu có về khí đốt này từ lâu đã sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để nâng cao vị thế trên trường quốc tế không chỉ trên lĩnh vực ngoại giao mà cả bóng đá. Với vị thế là một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất thế giới (hơn 90.000 USD/năm), Qatar đã tạo nên “sóng gió” trong thế giới túc cầu khi chiêu mộ thành công Lionel Messi, ngôi sao bóng đá huyền thoại người Argentina của câu lạc bộ Barcelona (Tây Ban Nha), về Paris Saint-Germain (Pháp) thuộc sở hữu của Hoàng gia Qatar từ năm 2011.

Ðặc biệt, quốc gia nhỏ bé này cũng là chủ nhà World Cup 2022. “Qatar luôn muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, cho dù đó là tổ chức các sự kiện thể thao lớn hay ký kết hợp đồng với các siêu sao bóng đá, hoặc thể hiện mình như là một cơ quan chính trị và ngoại giao khu vực. Không phải lúc nào họ cũng đạt kết quả như mong muốn nhưng ở thời điểm hiện tại, họ dường như đã đưa ra những sáng kiến phù hợp vào đúng thời điểm” - Michael Stephens, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ðối ngoại Mỹ, nhận định.

Vấn đề đặt ra là Qatar muốn nâng cao vị thế quốc tế của mình để làm gì? Lolwa al-Khater, Trợ lý Ngoại trưởng Qatar thừa nhận rằng các hoạt động ngoại giao đã giúp Qatar đạt được lợi ích chính trị khi nước này từng bị các nước Arab trong khu vực phong tỏa và cấm vận năm 2017, cáo buộc Qatar tài trợ cho khủng bố. Tuy nhên, ông bác bỏ tham vọng của Doha, nói rằng Qatar là nước nhỏ không đe dọa ai và cũng không có nước nào lo ngại Doha có thể phát động chiến tranh chống lại họ.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết