18/03/2012 - 09:20

Qui trình ghép tạng mới giúp ngăn ngừa thải ghép

Ảnh: nih.gov

Các nhà khoa học ở Đại học Louisville (Mỹ) vừa phát triển một phương pháp mới có thể “đánh lừa” hệ miễn dịch của người được ghép tạng chấp nhận các cơ quan từ người hiến tạng không có quan hệ họ hàng. Thành tựu mới hứa hẹn giúp các bệnh nhân khỏi phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời.

Kỹ thuật mới này bắt nguồn từ một nghiên cứu trước đó của nhà nghiên cứu miễn dịch học người Úc, Frank Macfarlane Burnet, và nhà động vật học người Anh gốc Brazil, Peter Medawar, từng đoạt giải Nobel năm 1960 với phát hiện động vật có thể học cách dung nạp các mô từ bên ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phải trải qua một hành trình dài mới thực hiện được điều này trên người, Tiến sĩ Joseph Leventhal, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Northwestern Memorial – nơi tiến hành các ca ghép tạng mới đây, cho biết.

Để giúp cơ thể bệnh nhân dễ tiếp nhận cơ quan hiến tặng, nhóm nghiên cứu “dạy” nó thích nghi bằng cách dùng phương pháp hóa trị và xạ trị để kiềm chế tủy xương trong cơ thể bệnh nhân trước khi cấy tủy xương của người hiến tạng vào. Tủy xương là nơi chứa đựng các tế bào gốc tạo thành các tế bào máu và cả tế bào miễn dịch. Ý tưởng của phương pháp mới là sử dụng các tế bào gốc từ người hiến tạng để tạo nên “sự ghép nối” với người nhận, một điều tưởng chừng không thể, Tiến sĩ Leventhal giải thích thêm.

Khoảng 1 tháng trước khi tiến hành ghép thận, người hiến thận được tiêm thuốc trong nhiều ngày để đẩy tế bào gốc và các tế bào chủ chốt khác, được gọi là “tế bào tạo thuận lợi”, đi vào dòng máu. Tiến sĩ Leventhal cho biết “tế bào tạo thuận lợi” là những tế bào xuất hiện tự nhiên nhằm tạo ra môi trường yêu thích cho các tế bào gốc và giúp cho “sự ghép nối” diễn ra an toàn. Trong khi đó, bệnh nhân được ghép thận phải trải qua quá trình hóa trị và xạ trị để kiềm chế hệ miễn dịch – một quá trình cần thiết nhằm chuẩn bị cho nó chấp nhận tế bào gốc của người cho thận. Một ngày sau khi ghép thận, các bệnh nhân tiếp tục được cấy hỗn hợp tế bào gốc trưởng thành và “tế bào tạo thuận lợi” của người hiến tạng, với hi vọng tạo nên 2 hệ thống tủy xương có thể tồn tại và hoạt động trong cùng một cơ thể.

Sau các bước phẫu thuật, bệnh nhân được ghép thận bắt đầu dùng thuốc chống thải ghép, nhưng từ từ giảm liều với mục tiêu là ngưng dùng thuốc hoàn toàn trong vòng một năm. Theo kết quả được công bố trên tạp chí Science Translation Medicine, 5 trong số 8 bệnh nhân ghép thận với phương pháp mới đã đạt mục tiêu trên, 2 người khác cũng có tiến triển tốt và được đưa vào diện giảm dần mức độ sử dụng thuốc chống thải ghép vốn chứa đựng nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chỉ 1 người duy nhất bị nhiễm trùng với quả thận mới và được phẫu thuật lại.

Tiến sĩ Leventhal cho biết điều đáng chú ý nhất là các bệnh nhân đã phát triển được khả năng hòa hợp với các mô ghép, loại bỏ hoàn toàn nhu cầu dùng thuốc chống đào thải, ngay cả khi người hiến tặng và người nhận không tương thích và không phải là họ hàng của nhau.

Hiện nhóm nghiên cứu chuẩn bị tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng với mục tiêu tuyển 40 bệnh nhân tình nguyện tham gia. Điều kiện để có được ca ghép tạng chất lượng là cả người hiến tạng và người nhận phải có nhóm máu hợp nhau và người được ghép tạng phải không có các kháng thể trong máu, tác nhân có thể gây ra tình trạng thải ghép.

THÁI THANH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết