02/05/2018 - 17:19

Quên nhất thời làm chúng ta thông minh hơn? 

Bạn đi vô phòng để làm việc gì đó nhưng đến nơi thì quên bẵng mục đích ban đầu. Kiểu quên này (không liên quan đến bệnh tật) nhiều người gặp phải và thường được cho là do lơ là, lười biếng hoặc thậm chí kém thông minh một chút. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada), quên - một quá trình phức tạp trong não - là yếu tố cần thiết cho phép chúng ta thu thập thông tin mới để cuối cùng đưa ra những quyết định thông minh hơn.

 

Giáo sư Blake Richards, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hồi hải mã (hippocampus), phần não lưu trữ ký ức, là một trong những vùng não duy nhất tạo ra các tế bào mới sau khi chào đời. Nhưng trái với suy đoán trước kia cho rằng những tế bào não mới được tạo ra để chúng ta lưu trữ trí nhớ nhiều hơn, các nhà khoa học sau nhiều năm nghiên cứu đã phát hiện: mục đích hippocampus tạo ra tế bào mới là để não luôn cập nhật và bảo quản dữ liệu có liên quan, đồng nghĩa loại bỏ những thứ bị coi là không cần thiết. Nói tóm lại, hồi hải mã có chức năng hình thành lẫn xóa bỏ ký ức.

“Bộ não có vẻ như đang đầu tư nguồn lực và năng lượng vào việc gây quên để cho phép bạn loại bỏ thông tin không còn phù hợp với bạn nữa”, Giáo sư Richards giải thích. Quá trình này có lẽ giúp ngăn chúng ta nhớ lại phần thông tin sai khi não tiến hành “lục lọi” bộ nhớ, nhờ đó chọn lọc đúng thông tin và có thể đưa ra quyết định thông minh hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế nói trên là bộ não có thể xác định sai điều mà chúng ta thực sự muốn nhớ, xem đó như thông tin “dùng một lần” và tiến hành loại bỏ chúng. Đó là lý do bạn thỉnh thoảng rơi vào tình trạng sực nhớ ra cuộc họp vào phút chót, hoặc nghĩ là ghé siêu thị trên đường về nhà sau giờ làm việc, nhưng rốt cuộc quên mất.

Giải pháp ngăn ngừa chứng quên nhất thời

Để tránh những sự cố quên gây phiền toái do não vô tình gắn mác “dùng một lần” đối với thông tin cần nhớ, các chuyên gia khuyên nên áp dụng những mẹo ghi nhớ sau đây:

+ Tạo ra nhiều liên kết: Đối với những người hay bị quên tạm thời, bí quyết để ghi nhớ là kết hợp thông tin cần nhớ với các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tiến sĩ Daniel Franc, bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica (Mỹ), cho biết khi tiếp nhận một mẩu thông tin cần nhớ như danh sách các con số hoặc một địa chỉ mà không liên kết nó với các khía cạnh khác trong cuộc sống, chúng ta sẽ dễ lãng quên. Vì vậy, hãy thử kết nối những con số với màu sắc, âm thanh, ngày sinh của ai đó hoặc thời điểm diễn ra sự kiện quá khứ nào đó chẳng hạn.

+ Hình dung hậu quả khi quên: Tiến sĩ Franc ví dụ thay vì cài đồng hồ hẹn giờ khi nấu ăn, bạn nên dành ra vài giây để hình dung hậu quả có thể xảy ra nếu bạn không đặt hẹn giờ, như tưởng tượng bếp nướng đang cháy và nghĩ về mùi khét của món ăn. Hãy tạo ra những dấu hiệu sinh động cả về thị giác và khứu giác, rồi tự nhủ “phải nhớ lấy điều này”, bạn chắc chắn không quên món ăn đang trên bếp.

+ Tự tạo thành một câu chuyện: Tiến sĩ Richards cho rằng việc tạo ra một câu chuyện với nhiều phần dữ liệu liên quan có thể giúp tăng cường trí nhớ. Theo ông, việc nhớ riêng rẽ từng mảng vấn đề thường không bảo đảm, nhưng nếu xâu chuỗi chúng thành cái gì đó tạo nên cảm xúc hoặc gây bất ngờ, bộ não của bạn chắc chắn xác định đó là điều đáng ghi nhớ.

+ Cải thiện vệ sinh giấc ngủ: Giấc ngủ tốt mang lại vô số lợi ích sức khỏe, bao gồm củng cố chức năng bộ nhớ. “Những kết nối trí nhớ dài hạn chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ sâu, do đó, bất cứ thứ gì làm gián đoạn giấc ngủ đều có thể ảnh hưởng đến chức năng của bộ nhớ” – theo Tiến sĩ Franc. Ông cho biết những bệnh nhân của ông bị mất trí nhớ đã cải thiện đáng kể tình trạng sau khi chữa khỏi chứng rối loạn giấc ngủ.

+ Tận dụng công nghệ: Nhiều người có thể lo lắng đang lệ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ để ghi nhớ mọi thứ, rồi sợ mất điện thoại sẽ mất hết tất cả các ghi chú và số điện thoại quan trọng. Khoa học thần kinh nghĩ gì về điều này? Theo Tiến sĩ Franc, đó không phải là những thứ đáng lo và chúng ta nên tận dụng bộ nhớ ngoài mà công nghệ mang lại. Thực tế là hiện nay chúng ta đã không còn dùng đến sổ danh bạ nữa. “Tôi nghĩ chúng ta có thể để công nghệ tiếp nhận nhiều điều mới mẻ và quan trọng, còn chúng ta thì sử dụng bộ não cho những nhiệm vụ sáng tạo hơn” – ông khuyên.

HOÀNG ĐIỂU (Theo NBC News)

Chia sẻ bài viết