Bút ký: Mai Duy Khôi
1. Tôi có quê hương thơ ấu Bến Tre với bao kỷ niệm. Nhớ nhất là những chuyện "tối lửa tắt đèn- có làng có xóm lỡ làng có nhau" và cái tình lân lý chị ngã em nâng, thể hiện rõ nhất từ 23 tháng Chạp trở đi. Bảy ngày cả xóm giúp nhau đón Tết với bao nghĩa tình. Những ngày này hai tiếng "vần công" rộn rã trên môi người già trẻ nhỏ, từ tát đìa, đập lúa, giã gạo, quết bánh phồng, lợp nhà... người lớn có việc và trẻ con cũng chẳng mất phần.
Những buổi tát đìa, khi người lớn đã bắt cá tôm thì trẻ con lại ào xuống đìa "hôi" tiếp. Những con cá lóc to bằng bắp tay chúi sâu xuống bùn, bị quần mệt quá nhảy vọt lên. Những con cá trê trắng, trê vàng, ngạnh bén đâm vào tay nhức trào nước mắt- đau quá mà vui quá! Đám trẻ đi "hôi" đứa được nhiều, đứa không bắt được gì. Nhưng đạo lý là "ăn đều chia đủ" nên ai cũng có phần. Thậm chí còn dành cho những đứa bạn vắng mặt, tặng những cô bác già yếu neo đơn. Tiếng chày quết bánh phồng, tiếng giã gạo chày đôi- chày ba thình thịch suốt đêm. Làng xóm lại bắt đầu những đêm không ngủ. Những chàng trai những cô gái lại xôn xao những buổi hẹn hò.
Trên dòng rạch nhỏ giữa xóm năm nào cũng cỏ một dãy ghe cặp bến. Những chiếc ghe chở đồ sành sứ, ông Táo cà ràng, thúng rổ... từ miền Trung, miền Đông về đây. Họ đến để bán và trao đổi hàng hóa. Món hàng họ chuộng nhất là dừa khô và bánh tráng quê tôi. Những anh bạn trên ghe, đêm rảnh rang, tập hợp bên bờ rạch đánh đàn, ca hát. Thanh niên trong thôn cũng sẵn sàng nhập cuộc. Tiếng đàn, tiếng ca suốt đêm rộn rã một khúc sông quê.
2. Quê tôi có một lễ tục khác là ngày 25 tháng Chạp được chọn làm ngày tết Mụ và tết Thầy. Tết Thầy thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, chỉ có khác là bà con quê tôi không chọn ngày mùng Ba như thông lệ (mùng một tết Cha- mùng ba tết Thầy). Mụ là người đỡ nâng, giúp đứa trẻ lọt lòng mẹ an toàn. Nhớ công khó của người đã cắt rốn, thể hiện lòng biết ơn thành một ngày kỷ niệm- đó là nét đẹp trong chữ Lễ của bà con quê tôi. Tục tết Mụ này tôi được biết nơi khác không có.
|
Mừng tuổi ông bà nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: DUY KHÔI |
Tôi nhớ hằng năm cứ đến ngày 25 tháng Chạp, má tôi luôn biện sẵn hai mâm lễ vật: mấy phong bánh, mấy gói trà và tùy năm có thể thêm trái cây, để tết Thầy và tết Mụ. Đó là thầy Trần Chẩn- thầy dạy vỡ lòng của tôi và cô mụ Chín- người mụ duy nhất của cả xóm. Tôi rất tự hào được đội hai mâm lễ ấy đến Tết những người tôi quý mến. Tôi là trẻ con, nhưng bao giờ thầy cũng thay áo dài khăn đóng tiếp đón ân cần, rồi nhắc đi nhắc lại là học trò phải biết trọng chữ thánh hiền, gặp giấy có chữ là phải nhặt lên: nhàu bẩn quá thì đem đốt, còn sạch sẽ phẳng phiu đem giao cho người lớn; đừng sử dụng giấy bừa bãi, đừng giẫm đạp lên giấy có chữ, tội lớn lắm!
Giấy có chữ còn được trọng, nên người có chữ luôn được tôn vinh. Quê tôi không phải là đất học, ít có người đỗ đạt cao, nhưng bà con quê tôi luôn lấy việc khuyến tài khuyến học làm đầu. Tôi còn nhớ năm tôi cùng các bạn nhỏ thi vào lớp đệ thất (lớp 6) ở Mỹ Tho- cô bác ít nhiều đều cho tiền để lũ trẻ đi thi. Việc học và thi của con trẻ là niềm vui, hãnh diện của cả xóm.
Ngày cận Tết quê tôi còn có tục xin "tên đẹp" từ những người hay chữ. Có những cô bác lớn tuổi, có địa vị trong làng xóm, nhưng chẳng may bị cha mẹ đặt tên xấu. Họ biện chút lễ vật đến nhà thầy Trần Chẩn xin một cái tên mới để giao thiệp trong ba ngày Tết. Họ nghĩ rằng đổi tên là đổi cả cuộc đời. Việc đổi tên được thông báo công khai cho cả xóm biết. Nghe tiếng mõ mù u "cum cum" ba hồi ở nhà vuông chỗ họp dân trong thôn là biết có người được đổi tên. Mọi người được mời đến nghe thông báo để Tết này gọi tên nhau cho đúng. Đám trẻ reo hò khi bác ba Rợ được đổi thành ba Trí, chú bảy Xù thành chú bảy Thông...
Một nét đẹp trong cách ăn ở của bà con quê tôi là không hề có óc kỳ thị và tính tham lam. Tôi nhớ ông Năm Chà nuôi dê đầu xóm, chú Ngầu bán bánh bao dọc bờ rạch, là những người Ấn, người Hoa lưu lạc. Nhưng xóm tôi từ trẻ đến già vẫn xem họ như bà con ruột thịt. Có thể mọi người đều có tính hiếu kỳ, nhưng hoàn toàn không xem rẻ xem khinh.
3. Từ hăm ba tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời, coi như đã chạm vào ngõ Tết. Tôi không quên được tiếng rao khắp chợ, khắp quê "Cò bay, ngựa chạy, đưa ông Táo về trời" của những người bán đồ mã tiễn Táo quân. Từ hôm ấy trở đi, mọi người cùng chuẩn bị mọi thứ để đón Xuân: thăm mồ mả tổ tiên, mua hoa, nhang đèn, sắm sửa quần áo mới, quét dọn sơn phết nhà cửa chuẩn bị than củi cho nồi bánh tét... Đến chiều 30 (hoặc 29) tháng Chạp, mọi việc sắm sửa phải hoàn tất, bàn thờ tổ tiên phải sắp đặt tươm tất, các món ăn được bày ra để cúng tất niên. Quanh mâm cỗ tất niên là dịp để gia đình sum họp. Thường cỗ cúng gồm hai mâm. Một mâm cúng gia tiên tại nhà. Một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số nơi còn có mâm cỗ cúng Ông Hổ gọi là cúng Ông Ba Mươi, hoặc mâm cỗ dành để cúng chúng sinh, những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.
Khoảng 11 giờ đêm 30 là lễ Trừ Tịch (cúng Giao Thừa) với bùa nêu ông Hổ, bánh mứt hoa trái để vứt bỏ những điều xấu của năm cũ, đón nhận sự tốt lành năm mới và cầu mong sự may mắn, phát đạt. Sau phút Giao Thừa, người ta thường tới lễ chùa, đền, lăng miếu và hái lộc. Đó cũng là dịp xuất hành đầu năm, chọn hướng để năm mới phát đạt.
Sáng mùng một, con cháu quây quần chúc Tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ chúc phúc và lì xì cho con cháu. Mừng tuổi ông bà, cha mẹ dịp đầu năm, đến nay vẫn là một trong những nét văn hóa đáng trân trọng, gần gũi với xã hội ta. Với con cháu, đó là cách bày tỏ lòng hiếu kính, lòng mong mỏi ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu. Mừng tuổi xong lại được lì xì. Đây lại là một nét văn hóa khác. Người nhận lì xì xem như nhận lộc.
4. Ngày Tết Nguyên đán mang ý nghĩa tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và thật mới. Người Việt tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác từ ngoại vật cho đến lòng người. Vì vậy, khoảng mươi ngày trước Tết (hoặc từ 23 tháng Chạp trở đi), họ thường sơn, quét vôi nhà cửa, tất bật sắm sửa quần áo để mặc trong dịp Tết. Người ăn Tết, mọi vật cũng ăn Tết. Giấy đỏ mang chữ Phúc, Lộc dán ở chuồng trại, cây cối trong vườn, lu hũ quanh nhà. Trong những ngày Tết, họ kiêng cữ, không nổi giận, cau có. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng và chúc nhau những lời ý nghĩa.
Hai chữ Trừ Tịch chỉ đêm cuối năm cũng mang ý nghĩa ấy. Trừ là bỏ, vứt bỏ hết; Tịch là đêm- nghĩa là từ thời điểm này, sau lễ cúng Giao Thừa, bỏ hết những điều xấu của năm cũ, để đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Ở cái tuổi "cổ lai hi" này, có thể tôi không còn mong Tết, nhưng lại thường nhớ Tết. Tết năm nay ngồi nhớ lại Tết năm ngoái và bao năm trước. Với tôi Tết có mùi vị riêng, như mùi bánh tét đêm Giao Thừa, hương tỏa trên bàn thờ tổ tiên, mùi thơm dịu của gió buổi sáng đầu năm... Đó là mùi của hạnh phúc, của cuộc sống ngọt ngào. Tết lại có màu biểu hiện từ nỗi nhớ: màu nâu con đường đất nhỏ, màu cỏ xanh, màu nắng vàng, màu hoa muôn hồng nghìn tía... Đó chính là màu nhớ, màu hoài niệm về những cái Tết dịu dàng.
Điều tôi mong mỏi là làm sao cho mọi người - nhất là các bạn trẻ- hiểu đúng ý nghĩa của các ngày lễ Tết hàng năm và biết trân trọng những giá trị văn hóa đích thực do các lễ hội đem lại. Nghĩa là vui xuân để càng thấy xuân đẹp, thành phố đẹp, con người đẹp, sống có trách nhiệm hơn, giàu lòng nhân ái hơn; để càng thấm thía công đức và sự hy sinh của bao lớp người đi trước cho chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Để rồi mỗi cái Tết đi qua, trong ký ức chúng ta còn để lại biết bao sắc màu và hương vị đáng yêu.