28/11/2024 - 15:16

Nguồn nhân lực - yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ĐBSCL bền vững 

(CTO) - Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ĐBSCL bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực ĐBSCL đã và đang đối diện với nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu, cùng với sự thay đổi nhân khẩu học.  

Ngày 28-11, tại Học viện Chính trị khu vực IV (TP Cần Thơ), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý phát triển xã hội ở ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay”. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, ĐBSCL cần phải tìm ra mô hình quản lý phát triển xã hội hiệu quả.

 

Các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, viện, trường và một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL dự hội thảo. Ảnh: Q. THÁI 

* ĐBSCL đối với mặt nhiều thách thức

ĐBSCL chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên, 17,3% dân số cả nước. Khu vực này đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu; 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ĐBSCL đã và đang đối mặt với những vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra và quá trình chuyển đổi các đặc trưng nhân khẩu.

GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. Ảnh: Q. THÁI

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển xã hội cơ bản được xây dựng một cách đồng bộ, toàn diện, khả thi, hướng đến bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người dân. Bên cạnh những ưu điểm, thì quản lý phát triển xã hội ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Về tổng thể, mô hình quản lý vẫn chưa đem lại hiệu lực, hiệu quả cao… Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội trong giai đoạn Cách mạng mới của đất nước, của dân tộc.

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, các nghiên cứu gần đây cho thấy năng lực thích ứng của chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa nhanh, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa bền vững dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt và thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều khu vực vẫn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục và dịch vụ công; bất bình đẳng xã hội còn tồn tại; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, một số chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và không đạt được kết quả mong muốn.

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào thời điểm 1-4-2019 là 17,3 triệu người (năm 2023 là 17,4 triệu người), không có sự thay đổi đáng kể nào so với mức 17,2 triệu người vào 10 năm trước đó. Đây cũng là vùng có chỉ số già hóa dân số cao nhất cả nước. Điều đó cho thấy ĐBSCL đang đối mặt với các thách thức mới và phức tạp chưa từng có trước đây. 

 

* Đầu tư nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đề ra nhiều giải pháp, khuyến nghị về chính sách giúp chuyển đổi từ mô hình quản lý xã hội sang mô hình quản trị phát triển xã hội vùng ĐBSCL; khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong quản lý phát triển xã hội; phát huy năng lực tự quản cộng đồng; vai trò, sự tham gia của các chủ thể trong quản lý phát triển vùng ĐBSCL.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực IV, cũng nhấn mạnh thách thức lớn của ĐBSCL là vùng chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của người dân. Vấn đề thất nghiệp, di cư do thiếu việc làm và phát triển nguồn nhân lực dẫn đến hệ lụy là thiếu hụt lao động trong một số ngành nghề, giảm nguồn nhân lực tại một số địa phương. Vì vậy, cần đầu tư và phát triển hạ tầng (như đê bao, công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước ngọt…) để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, nghề, lĩnh vực có lợi thế của địa phương để tạo việc làm cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ĐBSCL bền vững. Ông lưu ý 2 nhóm đối tượng gồm nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhóm nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ có năng lực, mà phải “có tấm lòng rộng mở, hết lòng vì dân”. Đối với nguồn nhân lực lao động cần có chính sách đột phá trong đào tạo nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nụ, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị TP Cần Thơ, báo cáo tham luận tại hội thảo. Ảnh: Q. THÁI

"Trong lĩnh vực giáo dục, các chính sách để hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được triển khai thực hiện nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp THCS, THPT cao hơn so với bình quân cả nước, tỷ lệ ngân sách đầu tư cho giáo dục ở mỗi địa phương còn thấp và không đồng đều nên mới chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức cơ bản. Trong một thời gian dài, ĐBSCL luôn là vùng trũng về giáo dục, đào tạo nhưng chưa có chính sách đầu tư đặc thù cho giáo dục, đào tạo cho vùng, chính sách hỗ trợ để khuyến khích xã hội hóa về giáo dục, đào tạo trong vùng chưa đủ sức hấp dân các nhà đầu tư. Cùng với những hạn chế trên thì việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa có sự đổi mới, thu hút nhân lực chất lượng cao còn khó khăn nên dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực của vùng không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế" - Thạc sĩ Nguyễn Thị Nụ, Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị TP Cần Thơ cho biết.

 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã khái quát những vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển ĐBSCL về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế, việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và những biến đổi cực đoan về khí hậu... Điều này đòi hỏi cần đánh giá đầy đủ các tác động của các chính sách hiện hành để có những khung chính sách phù hợp thực tiễn, nhằm giúp cho các địa phương ĐBSCL vượt qua những thách thức và khắc phục hạn chế trong nội tại.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết