Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, dịch HIV/AIDS tập trung cao ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và bạn tình của họ. Vì vậy, phát huy vai trò của các CBO (các tổ chức dựa vào cộng đồng) góp phần phát hiện, kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Đông đảo các bạn trẻ tham dự buổi truyền thông nhóm do CBO S-Đỏ tổ chức.
Theo CDC Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2024, TP Cần Thơ ghi nhận 263 ca nhiễm HIV mới, lũy tích 8.636 trường hợp. Qua số liệu giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi, tỷ lệ nhiễm HIV năm 2021 nhóm MSM là 15,3%; năm 2022 là 16,3%. Tập trung ở nhóm tuổi 15-49, có dấu hiệu tăng ở nhóm tuổi 15-29, nhóm học sinh - sinh viên và người lao động. Vì vậy, ngành y tế đã phát triển mạng lưới tiếp cận viên cộng đồng, đặc biệt là các nhóm CBO, thực hiện nhiều hoạt động truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi điều trị.
Tối 28-10-2024, nhóm CBO S-Đỏ phối hợp với phòng khám T.O.P, CDC Cần Thơ tổ chức buổi truyền thông nhóm, tư vấn xét nghiệm HIV và cung cấp dịch vụ điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại cộng đồng. Buổi truyền thông đã thu hút gần 50 bạn trẻ đến dự. Sau buổi truyền thông, nhóm đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV và giang mai cho 26 trường hợp, có 1 ca phản ứng với giang mai và được tư vấn, chuyển gửi điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ. Có 13 trường hợp tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Theo bà Phạm Nguyễn Anh Thư, cán bộ Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ: hoạt động truyền thông mà CBO triển khai không chỉ tập trung vào nhóm đích mà còn mở rộng các nhóm tiềm ẩn nguy cơ như: học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên ở các cơ quan, công nhân tại các khu công nghiệp… Tại cộng đồng, các CBO phối hợp cùng Thành đoàn, Quận đoàn thực hiện các sự kiện truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cầu PrEP; truyền thông nhóm lớn lồng ghép triển khai PrEP; chiến dịch truyền thông theo chủ đề trên nền tảng mạng xã hội. CBO cũng phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT thực hiện truyền thông lồng ghép về dự phòng lây nhiễm HIV, sức khỏe sinh sản, tâm lý học đường, tình dục an toàn… phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS.
Ông Phạm Trương Kim Dương, Trưởng nhóm CBO G-link Cần Thơ chia sẻ: Truyền thông tại cộng đồng do các CBO thực hiện không chỉ đơn thuần là truyền tải thông tin mà còn tạo sự thấu hiểu, chia sẻ và hành động trong cộng đồng LGBTQ+. Những chiến dịch truyền thông tại cộng đồng hiệu quả như: tư vấn xét nghiệm, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, thông điệp K = K, đã giúp các bạn trẻ nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, khuyến khích người có nguy cơ cao chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xóa bỏ sự kỳ thị với những người sống chung với HIV.
Từ năm 2001, TP Cần Thơ đã hình thành và phát triển hoạt động tiếp cận cộng đồng (TCCĐ) thông qua đội ngũ Tuyên truyền viên đồng đẳng, hoạt động được triển khai với mô hình Câu lạc bộ. Qua nhiều lần chuyển đổi mô hình, đến năm 2020 với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE), CDC Cần Thơ đã phát triển mô hình can thiệp TCCĐ truyền thống chuyển sang mô hình can thiệp CBO. Đến nay, toàn thành phố có 5 CBO với 44 nhân viên TCCĐ. Ông Đặng Quốc Phong, Trưởng nhóm S-Đỏ cho biết: Nhân sự CBO là những người hiểu rõ về nhau, cùng mục tiêu hoạt động, được CDC Cần Thơ tập huấn, đào tạo công tác chuyên môn. Các CBO tại Cần Thơ được trao quyền chủ động, lập kế hoạch, triển khai các hoạt động tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ HIV/AIDS, thực sự là “cánh tay nối dài” của y tế với cộng đồng.
Xét nghiệm và tư vấn trước khi tham gia PrEP.
Theo CDC Cần Thơ, hoạt động tuyển chọn nhân viên tiếp cận cộng đồng của các CBO do CDC Cần Thơ căn cứ kết quả báo cáo ước tính quần thể nguy cơ cao hàng năm; chỉ tiêu được giao; số lượng nhân sự được hỗ trợ từ phía dự án/chương trình; tình hình dịch tại từng địa phương. CDC giao cho đơn vị trực tiếp quản lý rà soát tuyển chọn người tham gia; đồng thời, có văn bản hướng dẫn cho các đơn vị có triển khai chương trình về tiêu chí tuyển chọn người. CDC giao Khoa Phòng chống HIV/AIDS chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, điều phối, giám sát và báo cáo tiến độ triển khai hoạt động của các nhóm CBO.
Năm 2023, nhóm nghiên cứu do Phạm Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Trọng Nhân, Đoàn Thị Kim Phượng, Nguyễn Tấn Tài thực hiện Khảo sát thực trạng mô hình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trên nhóm MSM của các CBO tại địa bàn TP Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đối tượng nguy cơ cao sử dụng dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS trên nhóm MSM thông qua nhóm CBO cao hơn so với mô hình TCCĐ truyền thống. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng dịch vụ thông qua CBO là 39,7% (TCCĐ truyền thống: 31,7%), xét nghiệm HIV miễn phí là 37,9% (TCCĐ truyền thống: 28,1%), điều trị ARV 20% (TCCĐ truyền thống: 19,2%) và điều trị các bệnh STI, lao, viêm gan C là 19,5% (TCCĐ truyền thống: 16,1%).
Đánh giá chung của cán bộ y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ đối với các CBO: các bạn làm việc rất tốt, rất nhiệt tình, có trách nhiệm, có kỹ năng, có hiệu quả và đóng góp rất lớn cho chương trình tư vấn xét nghiệm HIV, ARV, PrEP,.. đặc biệt trong công tác đáp ứng y tế công cộng.
Bài, ảnh: Thiên Thanh