27/11/2024 - 09:26

PGS.TS Phạm Ðức Thuận

Tình yêu Sử học giúp chúng ta biết cách chung sống trong một xã hội hiện đại, đa dạng và cởi mở 

Với việc vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận PGS, PGS.TS Phạm Ðức Thuận (Trưởng Bộ môn Sư phạm Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường Ðại học Cần Thơ) trở thành PGS Sử học đầu tiên của Trường Ðại học Cần Thơ và hệ thống giáo dục đại học khu vực ÐBSCL. Chia sẻ với Báo Cần Thơ, PGS.TS Phạm Ðức Thuận cho biết:

Lãnh đạo Trường Ðại học Cần Thơ trao quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đến PGS.TS Phạm Ðức Thuận. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của giáo dục ÐBSCL nói chung và Trường Ðại học Cần Thơ nói riêng. Phải nói thêm rằng, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, tôi cũng may mắn khi nhận được sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ của nhiều thầy cô giáo, đồng nghiệp trên cả nước.

Tôi cũng nghĩ rằng, vinh dự này đi kèm với trách nhiệm, tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học để xứng đáng với sự tín nhiệm của mọi người.

►​ Thưa PGS, nếu nói về tình yêu Sử học, ông sẽ nói về điều gì?

- Lịch sử, để thật sự hấp dẫn, làm cho mọi người yêu sử, thì trước hết phải là một khoa học, phải khách quan và trung thực. Sử học không chỉ là những câu chuyện lịch sử đơn lẻ mà là một chỉnh thể thống nhất, có tính kết nối chặt chẽ với nhau. Tôi luôn thích nhận định “lịch sử là cô giáo của cuộc sống” vì lịch sử dạy cho chúng ta những kinh nghiệm, để từ đó chúng ta có những nhận thức đúng đắn hơn trong thực tế cuộc sống.

Xúc cảm từ những câu chuyện lịch sử làm cho chúng ta biết yêu cái tốt, ghét cái xấu, biết quý trọng công lao, sự tận hiến của các thế hệ đi trước. Nhìn rộng ra, tình yêu Sử học giúp chúng ta biết cách chung sống trong một xã hội hiện đại, đa dạng và cởi mở.

►​ Khi nói về nghiên cứu lịch sử, nhiều người sẽ nghĩ đến những nhà khoa học lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. PGS có nghĩ thế hệ 8X như ông sẽ “chịu thiệt thòi”, bị “thiếu tin tưởng” khi công bố các nghiên cứu Sử học?

- Ðối với nghiên cứu lịch sử nói riêng hay nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn nói chung, thì vai trò, vị thế của những nhà khoa học tiền bối, lớn tuổi, giàu kinh nghiệm là rất quan trọng. Bên cạnh vị thế là những người đi trước, mở đường, họ còn dìu dắt, hỗ trợ thế hệ tiếp nối, trẻ hơn. Ðôi khi, trong nghiên cứu lịch sử, sự cần mẫn, trải nghiệm, chiêm nghiệm là một lợi thế của các nhà khoa học lớn tuổi.

Tôi luôn cho rằng mình học được các thế hệ đi trước rất nhiều và không có những “chịu thiệt” hay “thiếu tin tưởng” vì tôi còn trẻ. Sự chịu thiệt hay thiếu tin tưởng, nếu có, chủ yếu xuất phát từ chính bản thân mình. Là nhà nghiên cứu trẻ, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để góp phần vào sự phát triển của khoa học lịch sử, tiếp nối các nhà khoa học tiền bối. Thêm vào đó, với những lợi thế của sự phát triển của công nghệ, sự kết nối mạng lưới toàn cầu trong nghiên cứu có thể hỗ trợ thế hệ trẻ chúng tôi có những công bố quốc tế tốt hơn. Từ đó, mang những nội dung lịch sử Việt Nam hội nhập với với cộng đồng khoa học thế giới.

►​ Hiện nay, câu chuyện dạy môn Lịch sử trong trường học đang nhận được sự quan tâm của dư luận về tính cần thiết và ý nghĩa. Là Trưởng Bộ môn Sư phạm Lịch sử của Trường Ðại học Cần Thơ, PGS nghĩ gì về vấn đề này?

- Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử hiện nay đã có những thay đổi, cập nhật với nhiều nội dung lịch sử phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Môn Lịch sử và Ðịa lý (cấp THCS), môn Lịch sử (cấp THPT) đều chú trọng hướng tới phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Dạy và học Lịch sử rất cần thiết, ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh những tiếp xúc về văn hóa, hội nhập ngày càng phát triển như hiện nay. Phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử hiện nay cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Theo tôi, để môn Lịch sử hấp dẫn hơn với học sinh, làm cho học sinh yêu sử, thích học Lịch sử thì thầy cô giáo cần giảng dạy môn học này thật sự khoa học. Theo đó, bên cạnh việc cung cấp kiến thức đơn thuần, thầy cô giáo cần thiết gợi mở cho các em những vấn đề hay, chú trọng lý giải sâu sắc vấn đề, sự kiện, hiện tượng lịch sử, có tính kết nối với thực tiễn cuộc sống. Chỉ như vậy, mới cải thiện được vị thế của môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông và nhận thức của dư luận xã hội với dạy và học Lịch sử.

►​ Thưa PGS, từ thực tế việc giảng dạy Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, phải chăng cần thiết có sự đổi mới, hấp dẫn để khơi gợi tình yêu của học sinh với môn Lịch sử?

- Như đã nói, hiện nay đang có xu thế đổi mới trong dạy học Lịch sử, thật sự hấp dẫn, khơi gợi tình yêu của học sinh đối với môn học này. Tuy nhiên, điều này không diễn ra đều khắp mà chỉ tập trung ở một số giáo viên nhiệt huyết, tâm huyết với nghề. Vẫn còn hiện tượng các thầy cô giáo thụ động, chưa thật sự đổi mới để học sinh yêu thích giờ học Lịch sử. Tôi cho rằng, năng lực và sự nhiệt tình của giáo viên trong vấn đề này là rất quan trọng, tuy nhiên, với xu thế đổi mới mạnh mẽ giáo dục hiện nay thì sự thay đổi là cần thiết nếu không muốn nói là bắt buộc. Nếu chúng ta, những thầy cô giáo chậm hay ngại thay đổi, thì sẽ dễ dàng bị đào thải, thay thế.

►​ Cuối cùng, là một PGS Sử học trẻ, ông có gửi gắm thông điệp gì đến giới trẻ hôm nay để hun đúc tình yêu Lịch sử cho họ?

- Tôi luôn ghi nhớ một câu nói nổi tiếng: “Nhờ có ước mơ mà con người vĩ đại”. Tôi luôn mong rằng mỗi chúng ta hãy luôn nỗ lực để theo đuổi đam mê của mình. Trong công việc thường ngày, chúng ta hãy hoàn thành tốt nhất trong khả năng để từng ngày trôi qua không phí hoài. Và như thế, từng bước, từng bước chúng ta sẽ chạm đến những ước mơ mà mình mong muốn.

Tình yêu với khoa học lịch sử không chỉ là sự trân trọng với quá khứ mà nó còn giúp chúng ta khám phá những chân trời tri thức mới lạ. Nuôi dưỡng cho mình một tình yêu đủ lớn với lịch sử không chỉ làm chúng ta giàu có thêm tri thức cho bản thân mà còn là sự cống hiến lớn lao, nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, quê hương và góp sức mình vào sự phát triển của tri thức nhân loại.

Xin cám ơn PGS!l

PGS.TS Phạm Ðức Thuận sinh năm 1987, quê TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ông công tác tại Trường Ðại học Cần Thơ từ tháng 1-2010, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Sử học khi mới 30 tuổi.

Hiện, ông đã hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đã công bố 40 công trình khoa học (trong đó có 2 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (SCOPUS/ISI-ESCI xếp hạng Scimagojr Q2), 11 báo cáo khoa học in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế được xuất bản có chỉ số ISBN…); xuất bản 1 sách chuyên khảo và 3 giáo trình… Một số công trình nghiên cứu của PGS.TS Phạm Ðức Thuận như “Phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ (1961-1963)”, “Phong trào Ðông Du ở Nam Kỳ (1905-1908)”…

ÐĂNG HUỲNH (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết