28/11/2024 - 09:59

Tiện lợi của việc di chuyển bằng xe buýt 

Hiện nay, hoạt động giao thông công cộng bằng xe buýt đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu ở các thành phố lớn trên cả nước, trong đó có TP Cần Thơ. Sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống xe buýt mới chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện với môi trường, dần được người dân Cần Thơ hưởng ứng, ủng hộ.

Nhiều người lựa chọn phương tiện di chuyển bằng xe buýt.  

Bà Nguyễn Thị Hồng ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Ðều đặn mỗi tuần 3 ngày, tôi đón xe buýt đi điều trị bệnh ở Cần Thơ. Tôi thấy, xe buýt hiện đại, mát mẻ, an toàn, không lo ảnh hưởng thời tiết mưa hay nắng. Giá vé xe hợp lý, từ Ô Môn đi Cần Thơ mất 25.000 đồng. Trước đây, tôi thường đi xe hon-đa ôm, mỗi lượt đi và về hơn 150.000 đồng”.

Cứ vào giờ tan tầm, tại trạm xe buýt trên đường Lê Hồng Phong, trước khuôn viên Trường THCS Trà An, thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy, rất nhiều học sinh sử dụng xe buýt để đi học. Em Nguyễn Ðức Trí, học sinh Trường THCS Trà An, cho biết: “Hằng ngày, do cha mẹ bận đi làm, không thể đưa rước em đi học. Vì thế, em đến trường bằng xe buýt. Em thấy việc đi lại bằng xe buýt vừa thuận tiện, vừa đảm bảo an toàn”. Em Huỳnh Duy Anh, học sinh Trường THCS Lê Lợi, thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn cũng sử dụng xe buýt để đi học. Duy Anh bộc bạch: “Em thường đến trạm xe buýt trước 5 phút khi xe đến. Ði xe buýt thì mát mẻ, an toàn, giá lại rẻ. Tiện lợi của việc đi lại bằng xe buýt là được che nắng, che mưa; có ưu đãi đối với học sinh, sinh viên…”. Anh Huỳnh Văn Tâm ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, bộc bạch: “Nhà tôi cách trường nơi con học tầm 5 cây số. Vợ chồng tôi làm công nhân, nên không thể đưa đón con đi học. Vì thế, tôi chọn phương án cho con đi học bằng xe buýt, vừa đảm bảo an toàn, vừa rẻ”.

Một số lưu ý nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày: đến trạm trước giờ xe đến ít nhất 5 phút; xếp hàng lên xe, không chen lấn; bước lên xe buýt khi xe đã dừng hẳn, cửa đã mở; khi bước chân lên xe buýt phải bám chặt vào tay vịn để tránh bị té ngã; cần lắng nghe hướng dẫn của tài xế lái xe trong mỗi chuyến đi; kiểm tra vật dụng trước khi xuống trạm. Anh Ðặng Văn Phương Em, tài xế xe buýt Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, TP Cần Thơ, cho biết: “Ðể đảm bảo an toàn cho hành khách, chúng tôi sẽ tấp xe vào lề và dừng hẳn rồi mới mở cửa để hành khách lên, xuống xe. Ðồng thời, nhắc nhở hành khách ngồi vào ghế còn trống. Trường hợp hết chỗ ngồi, hành khách đứng, nắm chặt tay vịn, khi nào đảm bảo an toàn thì xe mới lăn bánh. Việc đảm bảo an toàn cho hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Trên xe có trang bị đầy đủ camera giám sát 24/24 giờ; đồng thời, tài xế cũng giám sát chặt chẽ hành vi của hành khách. Ðối tượng xấu khi lên xe, thực hiện hành vi xấu thì can ngăn kịp thời, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc”.

Hiện nay, toàn thành phố đã khai thác 10/11 tuyến với tổng số 69 phương tiện; tổng chiều dài mạng lưới 341,7km/10/11tuyến. 10 tháng đầu năm 2024, đã chạy 12.9011 chuyến, tăng 64% so với cùng kỳ; tổng số hành khách 861.953 người, tăng 25% so với cùng kỳ...

Khi người dân hình thành thói quen đi xe buýt, đồng nghĩa với việc lượng người tham gia giao thông sử dụng phương tiện cá nhân giảm, góp phần chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xây dựng văn hóa giao thông công cộng gắn với an toàn giao thông, hướng đến phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết