26/07/2018 - 09:34

Quản lý dịch hại an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường 

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khi được sử dụng đúng, hợp lý tạo thuận lợi trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Tuy nhiên, nếu sử dụng sai và lạm dụng sẽ phát sinh nhiều vấn đề như: chi phí sản xuất tăng, tái phát và kháng thuốc, tiêu diệt các côn trùng có ích (thiên địch) và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có chiến lược quản lý và sử dụng thuốc BVTV phù hợp để tăng cường dịch vụ sinh thái, tạo nơi cư trú cho thiên địch...

Mô hình “Công nghệ sinh thái” ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ

Lạm dụng thuốc BVTV

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đến năm 2014 tại Việt Nam là 1.643 hoạt chất, cao gấp 2,5 - 4,1 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia chỉ khoảng 400 - 600 loại; Trung Quốc khoảng 630 loại). Từ trước năm 1985, khối lượng hóa chất BVTV được sử dụng hằng năm khoảng 6.500 - 7.000 tấn thì đến năm 2014 đã tăng gấp 10 lần (70.000-100.000 tấn). Việc sử dụng quá nhiều loại thuốc BVTV đang là một thách thức không nhỏ đặt ra cho ngành nông nghiệp. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Hai, Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Trong những năm gần đây, song song với diện tích và sản lượng các loại rau màu gia tăng nhanh chóng tại ĐBSCL là vấn các đề dịch hại, đặc biệt do côn trùng gây ra ngày càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm. Và để khống chế dịch hại, phương thức sử dụng thuốc BVTV luôn được người dân lựa chọn. Nhiều nơi nông dân phun từ 10 - 15 lần thuốc hóa học/vụ. Thậm chí họ còn dùng thuốc với liều cao hơn mức khuyến cáo rất nhiều lần".

Một khảo sát tương tự trên cây lúa của Trường Đại học An Giang vào năm 2016, cả vụ lúa, trung bình nông dân phun 8 lần kể cả thuốc cỏ, thuốc BVTV hoặc thuốc dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ là số lần phun xịt thuốc mà là tăng liều hoặc phối trộn cùng lúc nhiều loại thuốc để phun không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tồn dư dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm. Ông Võ Hiền Đức, Phó Trưởng phòng BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam, nói: "Sử dụng thuốc trừ sâu sai là một thực tế phổ biến ở nhiều nước trồng lúa và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây chúng tôi phát hiện ra rằng 58% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu được tiến hành trong 1- 40 ngày đầu sau gieo sạ. Tuy nhiên, những lần phun thuốc đầu vụ này lợi ích kinh tế rất ít hoặc không có cho nông dân. Thay vào đó làm cho dịch vụ sinh thái trong ruộng lúa bị tổn thương và gây nên tình trạng cháy rầy gấp 10 lần".

Bà Ngô Thị Tiền Giang, Phó Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang, chia sẻ: "Trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hạt gạo xuất khẩu khắp nơi trên thế giới và phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật về  an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất của nông dân ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác trong sản xuất lúa, dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản phẩm gạo Việt Nam hiện nay. Đây là một nguyên nhân gây nên khó khăn và thách thức ngày càng lớn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt."

 Nhận thức đúng để hành động đúng

Trước thực trạng nói trên, các nhà khoa học, chuyên gia đã nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp quản lý dịch hại hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường như: IPM, "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", công nghệ sinh thái, sử dụng chế phẩm sinh học… "Hiện nay, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để trừ sâu hại là rất cần thiết, phù hợp với nhu cần sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học BVTV là vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi sự đầu tư lớn về lực lượng cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, sự tăng cường về cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị. Đó là chưa kể đến cả một quá trình về thời gian để tạo ra các chế phẩm sinh học ở quy mô công nghiệp, có tiêu chuẩn chất lượng cao và ổn định, giá thành phù hợp với nông dân và đảm bảo yếu tố về môi trường"- Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Hai, Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ nhận định.

Ông Võ Hiền Đức, Phó Trưởng phòng BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam, cho biết: "Việt Nam thừa nhận sự bùng phát rầy thực sự là do lạm dụng thuốc trừ sâu gây ra và cần phương pháp quản lý bằng "Công nghệ sinh thái". Thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang thực hiện "Công nghệ sinh thái" để khôi phục lại dịch vụ sinh thái và đa dạng sinh học bằng cách trồng hoa có nhiều mật và phấn hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn sinh vật có ích đến kiểm soát, khống chế dịch hại trong ruộng lúa. Mặt khác, nguyên nhân gốc rễ của lạm dụng thuốc trừ sâu là do khâu quản lý thị trường thuốc trừ sâu còn nhiều yếu kém, như một "ngôi nhà không có mái". Và sự chỉ đạo của Cục BVTV về vấn đề này sẽ là những bước đầu tiên hướng tới khôi phục lại "mái nhà" để bảo vệ nền nông nghiệp bền vững, thông qua các giải pháp kỹ thuật như: "3 giảm, 3 tăng", "Công nghệ sinh thái"…

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhiều năm trước, tất cả nỗ lực của ngành nông nghiệp tập trung cho mục tiêu sản lượng. Đặc biệt, khi mở cửa thị trường càng thúc đẩy hình thành tập quán lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV để phục vụ mục tiêu nâng sản lượng mạnh mẽ hơn. Nhưng không phải đến bây giờ, vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường mới được đặt ra. Ngay từ những năm đầu của đất nước thống nhất, vùng ĐBSCL cũng đã hứng chịu những trận đại dịch do rầy nâu gây ra trên diện rộng. Bên cạnh sức người, một lượng thuốc BVTV lớn cũng đã được đưa vào đồng ruộng, với thời gian kéo dài… Và vấn nạn về an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và bền vững môi trường đã được quan tâm. Ngày nay, với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường (cả nội địa và thế giới), nông sản Việt phải chứng minh tốt về mặt chất lượng, nhiều chương trình, kế hoạch đã và đang được thực hiện. Những khái niệm và quy trình GAP, an toàn, xanh, sạch, hữu cơ, thâm canh cải tiến, canh tác thông minh… được thực hiện thí điểm và mở rộng ứng dụng trong thực tiễn. Tất cả nỗ lực này hướng đến giảm tần suất sử dụng thuốc BVTV, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường"-ông Phạm Văn Quỳnh khẳng định.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết