08/10/2010 - 09:02

Quan hệ Trung Quốc - EU còn nhiều trắc trở

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo giữa những lãnh đạo EU trong cuộc gặp ngày 6-10.
Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 6-10 đã không giúp giải quyết những bất đồng tồn tại bấy lâu nay giữa hai bên, bất chấp cả hai đều mong muốn tạo ra bước đột phá nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Đó là chưa nói đến những kỳ vọng của dư luận quốc tế đối với cuộc gặp cấp cao này trong bối cảnh bóng ma khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn ám ảnh thế giới. Không ít người đã tin tưởng rằng cuộc hội đàm nếu thành công sẽ tạo tiền đề giúp hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Seoul (Hàn Quốc) trong tháng tới tìm cách giải quyết sự mất cân bằng về thương mại toàn cầu và những bất cập liên quan điều phối, bộc lộ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua. Tuy nhiên, thông báo cuối cùng sau cuộc hội đàm đã không đề cập những nội dung chính được thảo luận như tiền tệ, thương mại và tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi trong các thể chế toàn cầu. Cuộc họp báo chung giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc, dự kiến được tổ chức sau hội đàm, cũng đã bị hủy bỏ.

Theo nguồn tin ngoại giao EU, cuộc hội đàm diễn ra không dễ dàng. Ngay khi bắt đầu, cả Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đều công khai thừa nhận những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Ôn Gia Bảo khẳng định những bất đồng đó không liên quan đến việc duy trì lợi ích cơ bản của hai phía, trong khi Chủ tịch Rompuy nhấn mạnh những bất đồng trên không cản trở ý nguyện của hai bên nâng quan hệ đối tác EU-Trung Quốc lên tầm cao hơn, trái lại sẽ thúc đẩy đối thoại song phương để đạt được điều này. Cũng theo nguồn tin này, các nỗ lực của EU hối thúc Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ đã không nhận được phản hồi từ phía Bắc Kinh.

Dẫu vậy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã chia sẻ sự lo lắng của EU về đồng euro tăng cao đang làm cho xuất khẩu của khu vực này thiếu sức cạnh tranh và tạo ra thâm hụt thương mại ngày càng lớn với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của 27 quốc gia EU trước Trung Quốc tăng từ 49 tỉ euro năm 2000 lên 133 tỉ euro năm 2009. Trong nửa đầu năm nay, mặc dù xuất khẩu của EU sang Trung Quốc tăng tới 43%, nhưng thâm hụt thương mại vẫn tăng từ 65 tỉ euro lên 71 tỉ euro so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Ôn Gia Bảo yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) không gây sức ép Bắc Kinh về việc mở rộng biên độ tỷ giá đồng nhân dân tệ. Ông cho rằng điều này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế mới phát triển (đứng thứ hai thế giới về GDP) của Trung Quốc. “Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, thì điều đó không tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Nếu đồng nhân dân tệ không ổn định thì nó sẽ mang lại thảm họa cho cả Trung Quốc và thế giới”, ông Ôn Gia Bảo cảnh báo.

Thật ra, đồng euro trong những tháng gần đây liên tục tăng giá mạnh không chỉ so với đồng nhân dân tệ mà cả với USD, yen của Nhật và bảng của Anh. Cụ thể, đồng euro tăng 16% so với đô-la Mỹ, 14% so với nhân dân tệ, 6% so với yen và bảng Anh. Để có được tỷ giá như vậy, bản thân 4 nước này đã mua 1/3 trong số 1.300 tỉ euro giá trị xuất khẩu của khu vực đồng euro hồi năm ngoái. Thế nên, EU không thể “bắt chẹt” Trung Quốc mà chẳng đá động gì đến những nước còn lại.

Ngoài sự khác biệt về quan điểm tiền tệ, giữa EU và Trung Quốc cũng không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm về nhân quyền và thể chế chính trị...

PHÚC NGUYÊN
(Theo Xinhua, AFP và Le Monde)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo giữa những lãnh đạo EU trong cuộc gặp ngày 6-10. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết