01/11/2023 - 21:16

Quân đội Đức cần điều chỉnh để “phù hợp chiến tranh” 

MAI QUYÊN (Theo DW News)

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Boris Pistorius đưa ra sau khi suy xét đến bối cảnh an ninh toàn cầu bất ổn như hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius (giữa) muốn Đức đảm nhận vai trò mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như lãnh đạo quân sự ở châu Âu. Ảnh: NYT

Trong buổi phỏng vấn với Ðài truyền hình ZDF, Bộ trưởng Pistorius cho biết nước Ðức lần nữa cần làm quen với suy nghĩ nguy cơ chiến tranh có thể rình rập châu Âu. Ðiều này đồng nghĩa quốc gia Tây Âu phải sẵn sàng cho xung đột. “Chúng ta phải trong tư thế sẵn sàng phòng thủ, không chỉ bố trí lực lượng vũ trang mà xã hội cũng phải chuẩn bị cho việc này” - trích lời ông Pistorius.

Theo các chuyên gia, mục tiêu như lời của Bộ trưởng Pistorius đòi hỏi cuộc đại tu lớn trong dài hạn và không dễ thực hiện. Trước tiên, phát triển quân đội “sẵn sàng xung đột” không chỉ là đảo ngược chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu quốc phòng mà các chính phủ Ðức theo đuổi hàng thập kỷ qua. Thay vào đó, Berlin cần suy nghĩ lại mục đích thực sự của quân đội, tập trung hơn vào việc bảo vệ quốc gia và châu Âu trong khi giảm các sứ mệnh ở nước ngoài như Afghanistan hay Mali. Tuy nhiên, theo một số người, 30 năm tương đối hòa bình ở châu Âu kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đã thay đổi bản chất của quân đội Ðức.

Trước tiên là nhân sự khi quân đội Ðức đang gặp vấn đề trong khâu tuyển dụng. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc dường như biến mất ở châu Âu. Năm 2011, Ðức đình chỉ nghĩa vụ quân sự nhưng chính sách này có thể được áp dụng trở lại nếu Hạ viện xác định có nhu cầu phòng vệ theo quy định. Hồi tháng 4, Ủy viên Quốc phòng Quốc hội Ðức Eva Högl cho biết Bộ Quốc phòng đang theo đuổi mục tiêu tăng quân số từ 183.000 binh sĩ hiện tại lên 203.000 vào năm 2031. Theo bà Högl, điều này không thể đạt được khi số lượng tân binh đăng ký nhập ngũ đang giảm trong khi tỷ lệ đào ngũ ngày càng cao.

Câu hỏi khác về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Ðức là việc nước này đang có quá nhiều tướng cùng đô đốc trong quân đội, nhưng lại không đủ binh lính lái xe tăng và thủy thủ phục vụ trên tàu. Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng đang khiến Bộ trưởng Pistorius đau đầu. Theo đó, 2/3 trong số 106 tỉ USD của quỹ quân sự đặc biệt công bố năm ngoái hiện bị ràng buộc bởi các hợp đồng. Ðiều này đồng nghĩa các nhà thầu cần có thời gian tăng cường năng lực sản xuất, lắp ráp các hệ thống vũ khí và chuyển giao cho quân đội. Mặt khác, theo tính toán của Ủy ban Quốc phòng trực thuộc Quốc hội Ðức, các lực lượng vũ trang nước này cần thêm 317 tỉ USD để hiện đại hóa hoàn toàn.

Nhìn chung, giới chuyên môn cho rằng nhiều cải cách mà Bộ trưởng Pistorius thực hiện còn tương đối “hời hợt”. “Bộ Quốc phòng bận rộn điều chỉnh bên lề, nhưng họ lại chưa có kế hoạch nào cho một cuộc đại tu lớn hơn” - chuyên gia Rafael Loss tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Aylin Matlé tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại Ðức (DGAP) nói rằng trách nhiệm phần lớn thuộc về cựu Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht. Theo đó, bà Lambrecht bị cho làm được quá ít và lãng phí một năm vốn có thể giúp ổn định lực lượng vũ trang.

Ngày 31-10, phát biểu tại Ghana - điểm dừng chân cuối trong chuyến công du thứ ba tới khu vực miền Nam sa mạc Sahara, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này và Liên minh châu Âu (EU) đều cam kết tăng cường an ninh ở khu vực Tây Phi, đồng thời có thể cung cấp trang thiết bị và huấn luyện nhằm hỗ trợ việc chống lại hoạt động các phần tử thánh chiến Hồi giáo đang lan rộng ở khu vực này.

Chia sẻ bài viết