Trong bối cảnh Bộ tứ (QUAD), hay còn gọi là “Tứ giác kim cương”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ ngày càng được thể chế hóa rộng mở hơn, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng nỗ lực thu hút thành viên mới, qua đó cho thấy cả QUAD và BRICS đang ra sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Là những nhà lãnh đạo không chính thức của 2 nhóm này, đại kình địch Mỹ - Trung đang cho thấy vai trò của mình trong đó.

4 nhà lãnh đạo QUAD tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo hôm 24-5. Ảnh: Reuters
Theo tờ Eurasia Review, 4 ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ hai của QUAD ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 5, đại diện từ 9 quốc gia ứng viên tiềm năng của BRICS đã tham dự hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao của nhóm do Trung Quốc chủ trì. Sự kiện này cho thấy BRICS đang có kế hoạch mở rộng lực lượng và QUAD cũng vậy.
“Trận địa” của 2 nhóm kình địch
Một tuần trước khi có chuyến thăm tới Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Washington trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Đáp lại, 2 ngày sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của QUAD, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du kéo dài 8 ngày tới các quần đảo Nam Thái Bình Dương. Những sự kiện này cho thấy Đông Nam Á và châu Đại Dương đang trở thành “trận địa” quan trọng trong cuộc cạnh tranh ngoại giao giữa QUAD và BRICS.
Được thành lập nhờ sự khởi xướng của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm 2007 nhằm tạo ý tưởng gia tăng ảnh hưởng hoặc định hình lại sân khấu lớn địa chính trị, QUAD tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung giữa 4 nước như một cách để khẳng định vai trò quan trọng của nhóm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. QUAD được ví như “đã chìm trong giấc ngủ” trong nhiều năm. Cho đến khi ông Abe trở lại nắm quyền năm 2017 và ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, hoạt động của QUAD mới được khôi phục trở lại. Thế nhưng, việc không có cơ quan thường trực cũng như một trung tâm điều hành cố định, QUAD được cho còn chặng đường dài để thể chế hóa và thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng mà nhóm đề ra.
Song, chính cuộc chiến tại Ukraine, các hoạt động đáng quan ngại của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương đã mang lại “sức sống mới” cho QUAD.
Về phần mình, BRICS ra đời với mong muốn nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong việc cải cách kiến trúc kinh tế và tài chính toàn cầu do phương Tây thống trị từ lâu. BRICS tự hào có lịch sử hoạt động sớm hơn, chính thức hơn và có tầm hoạt động xa hơn QUAD. “Câu lạc bộ” gồm 5 nước này đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên từ năm 2009. Năm 2014, BRICS còn thành lập ngân hàng riêng gọi là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Đến nay, NDB có các chi nhánh ở châu Phi (Johannesburg, Nam Phi), châu Mỹ (Sao Paulo, Brazil), lục địa Á - Âu (Mát-xcơ-va, Nga) và sẽ sớm mở chi nhánh tại bang Gujarat để đáp ứng nhu cầu tài chính ở Ấn Độ và Bangladesh.

Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS trong một cuộc gặp hồi năm 2019. Ảnh: PR
Những khó khăn và cơ hội
Việc quá chú trọng vào an ninh đã ngăn cản nhiều nước quan tâm đối với QUAD, đặc biệt là các quốc gia không muốn gây bất lợi cho mối quan hệ kinh tế tốt đẹp của họ với Trung Quốc. Chẳng hạn, lo ngại QUAD có thể trở thành “NATO châu Á” đã khiến nhiều nước thận trọng trong việc tham gia vào khối an ninh này. Điều đó cho thấy triển vọng mở rộng của QUAD vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không riêng gì vấn đề an ninh. Do đó, giới chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu mở rộng khối, QUAD cần mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như hàng hải y tế, cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khám phá không gian.
Thực tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua ở Tokyo, QUAD đã cam kết đầu tư 50 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 5 năm tới. Đáng chú ý, hội nghị đã công bố sáng kiến mang tên Hiệp định Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về nhận thức miền hàng hải (IPMDA) do Mỹ đứng đầu. Đây là sáng kiến hàng hải mới nhằm giúp các nước theo dõi hoạt động đánh cá phi pháp và những hoạt động khác trong vùng biển của mình. “Sáng kiến này sẽ làm thay đổi năng lực của các đối tác tại Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, giúp họ giám sát đầy đủ vùng biển ngoài khơi, từ đó ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, tuyên bố chung nêu rõ. Sáng kiến kéo dài 5 năm có mục đích hỗ trợ việc theo dõi các tàu thuyền tắt thiết bị giám sát khi đánh cá hoặc vận chuyển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện các thành viên QUAD cũng đang đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, cung cấp học bổng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh của khối trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển và thu hút các chuyên gia nước ngoài.
Trong khi đó, BRICS luôn cho thấy khả năng thu hút thành viên mới nhờ vào kinh tế. Argentina, Ai Cập, Indonesia, Kazakhstan, Nigeria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Senegal và Thái Lan đã tham gia các cuộc tham vấn của BRICS gần đây. Trên thực tế, UAE cùng với Bangladesh và Uruguay hồi tháng 9 năm ngoái đã trở thành những thành viên mở rộng đầu tiên của NDB. Giới chuyên gia nhận định, việc Trung Quốc thúc đẩy mở rộng thành viên của BRICS có thể làm giảm áp lực bên ngoài đối với quan hệ của Bắc Kinh với Mát-xcơ-va cũng như các hoạt động gây bất ổn của nước này tại các không gian tranh chấp khu vực. Hiện Trung Quốc là chủ tịch luân phiên của BRICS và hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 24-6 tới sẽ thảo luận khả năng mở rộng nhóm. Song, động thái này có thể dẫn đến sự rạn nứt giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu Argentina, Indonesia hay Saudi Arabia tham gia BRICS thì Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể bị chia rẽ sâu sắc hơn.
Ấn Độ được cho đang bối rối khi là thành viên của cả QUAD và BRICS. Trong khi Nhật Bản, Mỹ và Úc xem Ấn Độ là thành viên chủ chốt của QUAD trong việc chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc thì New Delhi lại muốn tăng cường tham vấn với Bắc Kinh thông qua khuôn khổ BRICS. Đặc biệt, từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như vào Nga để cung ứng thiết bị quân sự và công nghệ. New Delhi còn từ chối tham gia vào bất kỳ lệnh trừng phạt hoặc lên án nào đối với hành vi của Mát-xcơ-va tại Ukraine.
Hàn Quốc có muốn gia nhập QUAD?
Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có mặt tại Nhật Bản nhân hội nghị thượng đỉnh của QUAD hồi tháng 5 và đã có nguồn dư luận tin rằng xứ kim chi có khả năng được bật đèn xanh gia nhập nhóm này.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết Washington chưa xem xét đến việc bổ sung Hàn Quốc vào Bộ tứ. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thậm chí nói rằng Washington không có kế hoạch mời Seoul vào nhóm này. Các nhà quan sát ngoại giao nhận định lập trường bất ngờ của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể liên quan đến ý định Mỹ không muốn “chọc giận” Trung Quốc thêm nữa bởi chắc chắn Bắc Kinh sẽ có phản ứng mạnh mẽ với tư cách thành viên QUAD của Seoul. Bên cạnh đó, Washington có thể đã tính đến sự phản kháng tiềm tàng của Tokyo trong bối cảnh quan hệ song phương Nhật Bản - Hàn Quốc còn rạn nứt.
Ngược lại, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng phải thận trọng trước khi bày tỏ ý định gia nhập Bộ tứ bởi Hàn Quốc phải tính đến việc vượt qua sự phản đối của người dân trong nước vì lo sợ về sự trừng phạt của Trung Quốc. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Yoon cam kết sẽ tham gia các nhóm làm việc khác nhau của Bộ tứ, bắt đầu từ nhóm công nghệ và biến đổi khí hậu để dần dần tham gia vào mạng lưới này.
Giới phân tích ủng hộ quan điểm của ông Yoon, cho rằng Hàn Quốc có năng lực chuyên sâu đối với các nhóm làm việc hiện có của Bộ tứ, như vaccine ngừa COVID-19, chống biến đổi khí hậu cùng với các công nghệ quan trọng và mới nổi, thậm chí có thể dẫn đầu trong một nhóm làm việc khác trong tương lai liên quan đến an ninh hàng hải, cụ thể là Hiệp định Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về Nhận thức Miền Hàng hải do Mỹ khởi xướng.
ĐỨC TRUNG (Theo RFI, The Korea Times)
|
TRÍ VĂN (Theo Eurasia Review, Asia Times, SCMP)