19/08/2021 - 11:39

Phương Tây thận trọng với Taliban 

Dù Taliban đã có những cam kết thay đổi so với trước đây, nhưng nhiều nước phương Tây vẫn thận trọng chờ phong trào Hồi giáo này hành động ra sao trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay và sau khi chính thức nắm quyền lãnh đạo đất nước.

EU muốn sớm đối thoại

Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ phải thảo luận với Taliban “càng sớm càng tốt”, nhưng không có nghĩa là khối này chính thức công nhận chế độ mới tại Afghanistan.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước EU về tình hình Afghanistan hôm 17-8, Ðại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thừa nhận Taliban đã giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á, vì vậy EU sẽ phải liên lạc với lực lượng Hồi giáo này để tham gia vào một cuộc đối thoại càng sớm càng tốt nhằm tránh xảy ra thảm họa nhân đạo và di cư. Cuộc đối thoại cũng sẽ tập trung vào các biện pháp ngăn chặn sự quay trở lại của khủng bố nước ngoài ở Afghanistan. Tuy nhiên, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU nhấn mạnh các cuộc đàm phán như vậy không ngụ ý Brussels chính thức công nhận chế độ Taliban. Brussels vẫn “cảnh giác” về việc tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế của lực lượng này. Theo ông Borrell, EU sẽ chỉ hợp tác với chính quyền mới ở Kabul nếu họ tôn trọng các quyền cơ bản của tất cả người dân Afghanistan, bao gồm phụ nữ, thanh niên và các dân tộc thiểu số.

Các tay súng Taliban trên đường phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Trước đó, Taliban đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, trong đó cam kết nhiều vấn đề được đánh giá là đổi mới so với lúc họ cầm quyền từ năm 1996-2001. Ðặc biệt, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid hứa sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường. Một thành viên Taliban còn cho rằng các lãnh đạo của tổ chức này sẽ xuất hiện trước thế giới, chứ không hoạt động bí mật như trước đây. Theo báo Guardian, ứng viên nhiều khả năng sẽ nắm vị trí điều hành Afghanistan là lãnh đạo tối cao hiện nay của Taliban Haibatullah Akhundzada.

Trong một quan điểm tích cực hơn, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter cho rằng cộng đồng quốc tế nên cho Taliban không gian và thời gian để thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan. Phát biểu với đài BBC, Tướng Carter nêu rõ: “Chúng ta phải kiên nhẫn và bình tĩnh. Chúng ta phải cho họ thời gian để thành lập chính phủ và chứng minh khả năng của họ... Taliban là một lực lượng tập hợp những cá nhân từ các bộ lạc khác nhau, đến từ khắp các vùng nông thôn Afghanistan”. Tướng Carter cho biết ông đã có những trao đổi với cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai - người đã có cuộc gặp với các thủ lĩnh Taliban trong ngày 18-8.

Chờ xem hành động của Taliban

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì kêu gọi lực lượng Taliban tuân thủ các cam kết đã đưa ra, trong đó có cam kết tôn trọng quyền công dân. Ông Price cho biết thêm Mỹ đang cân nhắc về việc duy trì sự hiện diện ngoại giao tại Afghanistan sau ngày 31-8 nếu điều kiện an toàn và thích hợp được đảm bảo.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 17-8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết lực lượng Taliban sẽ cung cấp “hành lang an toàn” để tạo điều kiện cho người dân di chuyển tới sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Ông Sullivan cho biết Mỹ tin rằng các cuộc sơ tán công dân tại Kabul có thể diễn ra cho đến ngày 31-8 tới và Washington đang trao đổi với Taliban về khung thời gian chính xác cho công tác này.

Tuyên bố trên của Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang nỗ lực sơ tán các nhà ngoại giao và dân thường. Cũng theo quan chức Mỹ, hiện biết vẫn còn quá sớm để bàn đến việc Mỹ có công nhận Taliban là lực lượng quản lý hợp pháp ở Afghanistan hay không. Ông nhấn mạnh: “Hiện đang có một tình huống hỗn loạn ở Kabul, nơi chúng ta thậm chí không có cơ quan quản lý. Mọi việc rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào Taliban, vào việc họ thể hiện cho phần còn lại của thế giới thấy họ là ai và họ có ý định thế nào”.

Ngoại trưởng Ðức Heiko Maas cho biết chính phủ nước này muốn đàm phán trực tiếp với Taliban về việc sơ tán nhân viên người Afghanistan tới Ðức. Dự kiến Ðại sứ Ðức tại Afghanistan Markus Potzel sẽ đến Doha (Qatar) để đàm phán với Taliban cho sứ mệnh này. Sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội liên bang và các cơ quan khác của Ðức đối mặt với rủi ro bị trả thù. Theo Ngoại trưởng Maas, mục đích của cuộc đàm phán tại Doha là tạo điều kiện cho các nhân viên bản địa này tới được sân bay ở thủ đô Kabul. Sân bay Kabul hiện là địa điểm duy nhất ở Afghanistan được quân đội Mỹ bảo vệ, song việc tìm đường đến đây đối với nhiều người bản địa vẫn rất nguy hiểm, do Taliban đã lập trạm kiểm soát ở tất cả tuyến đường này. Cho đến nay, chỉ có công dân nước ngoài mới có thể đi qua các trạm kiểm soát của Taliban trên đường đến sân bay.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết