19/11/2022 - 11:05

Phụ nữ Nhật muốn thay đổi định kiến trong nghề đầu bếp sushi 

NGUYỆT CÁT (Theo TastingTable, Cntraveler.com)

Trong thời gian làm việc tại khu nghỉ dưỡng xa hoa Ritz Carlton Kyoto, Chisaki Iba từng bị một nhóm khách yêu cầu cô phục vụ bia dù khi đó cô đang mặc đồng phục đầu bếp sushi giống như những nam đồng nghiệp khác. Sự nhầm lẫn đó xuất phát từ định kiến tồn tại lâu nay tại Nhật Bản - đó là nghề đầu bếp sushi chỉ dành cho nam giới.

Đầu bếp ở nhà hàng Tsurutokame đều là phụ nữ.

Iba là một trong số ít nữ đầu bếp sushi quyết tâm khẳng định vị thế của mình trong ngành nghề lâu nay do nam giới thống lĩnh và hiện cô đang làm việc tại nhà hàng nổi tiếng thế giới Nihonbashi Kakigaracho Sugita. 

Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, Nhật Bản lại đứng thứ 89 về Chỉ số bình đẳng tại nơi làm việc đối với phụ nữ. Năm 2022, Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Nhật Bản đứng thứ 116/146 quốc gia - kém nhất khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương, đồng thời đứng cuối trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tại một đất nước mà nam giới giữ vai trò chủ lực trong nhiều ngành nghề, phụ nữ thường phải làm công việc bán thời gian và thu nhập trong một năm chỉ bằng 57% của nam giới. Theo ông Makato Fukue - Chủ tịch Viện Sushi Tokyo - mặc dù phụ nữ đảm trách hầu hết công việc nấu ăn tại nhà, nhưng hiện chiếm chưa tới 10% tổng số đầu bếp sushi ở Nhật Bản, nơi có hơn 30.000 nhà hàng sushi.

Sự phân biệt giới tính tồn tại trong nghề đầu bếp sushi bắt nguồn từ định kiến sẵn có trong xã hội truyền thống nước này. Như trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Wall Street hồi năm 2011, khi được hỏi vì sao Nhật thiếu các nữ đầu bếp sushi, ông Yoshikazu Ono - con trai của nghệ nhân sushi lừng danh Jiro Ono và là người thừa kế một trong những nhà hàng sushi danh tiếng nhất thế giới - đáp rằng: "Nguyên nhân là vì phụ nữ có kinh nguyệt. Trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp nghĩa là bạn phải tạo ra hương vị ổn định cho món ăn. Nhưng vì kinh nguyệt, phụ nữ bị mất cân bằng vị giác và đó là lý do họ không thể trở thành đầu bếp sushi". Ngoài ra, dù không phổ biến, nhưng niềm tin cho rằng đôi bàn tay, đồ trang điểm và nước hoa của phụ nữ có thể làm thay đổi hương vị của cá là một quan điểm được tán thành tại xứ hoa anh đào.

Sự kỳ thị vì giới tính cũng ảnh hưởng đến cách cư xử của khách hàng trước các nữ đầu bếp sushi (như trong sự cố nhầm lẫn của cô Iba), một số khách thậm chí chỉ yêu cầu nam đầu bếp phục vụ sushi. Cô Yuki Chizui - Giám đốc điều hành tại nhà hàng Nadeshiko Sushi ở Tokyo (một trong những nhà hàng sushi do phụ nữ làm chủ và điều hành đầu tiên ở Nhật Bản) - xác nhận việc bản thân từng bị phân biệt đối xử và quấy rối tại nơi làm việc. Chizua cho biết: “Nhìn bề ngoài, dịch vụ nhà hàng ở Nhật đang chấp nhận nữ giới. Nhưng chủ yếu là để thể hiện. Bạn có thể thấy đa số nhà hàng vẫn thuê nam giới cho các vị trí có thực quyền”. Ðây là lý do cô muốn tuyển dụng phụ nữ tại nhà hàng riêng và đào tạo các nữ đầu bếp trong trường dạy sushi mới của mình - “Hiệp hội Sushi thế hệ mới” - nơi mở các khóa học làm sushi cả trực tiếp và trực tuyến cho các cô gái trẻ. “Khi tôi tiếp nhận các ứng viên nữ vào trường dạy làm sushi của mình, tôi cảm thấy có lẽ ngành công nghiệp sushi đang thay đổi”- cô bày tỏ.

Trong nỗ lực tương tự Chizui, đôi vợ chồng Harumi và Osamu Mikuni đã mở cửa nhà hàng Tsurutokame hồi năm 2016, với 100% nhân viên là phụ nữ. Tại nhà hàng này, các nữ đầu bếp đảm trách vị trí trung tâm. Trong phòng ăn chính của nhà hàng, có 14 ghế được xếp ở phía trước quầy bao quanh khu vực nhà bếp mở. Từ không gian này, thực khách dễ dàng quan sát nữ bếp trưởng Yubako Kamohara trực tiếp chỉ đạo 7 nữ đầu bếp khác chuẩn bị nguyên liệu và chế biến món ăn cho thực khách. Trải nghiệm sinh động đó mang lại nét thu hút đặc biệt cho nhà hàng. Ðối với những người điều hành, Tsurutokame không chỉ là một thử nghiệm mang tính xã hội, mà mục tiêu của nhà hàng này còn là đưa phụ nữ lên vị trí  quyền lực trong ngành công nghiệp thực phẩm Nhật Bản.l

Chia sẻ bài viết