31/01/2021 - 23:24

Phụ nữ Arab và “nguyên tắc đạo đức” trên mạng xã hội 

Tại các quốc gia bảo thủ, việc chỉ cần mở một tài khoản mạng xã hội có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ khi mà ngày càng xuất hiện nhiều vụ giết người kinh hoàng liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.

Phụ nữ Palestine xuống đường biểu tình sau cái chết của Israa Ghrayeb. Ảnh: DW

Phụ nữ Palestine xuống đường biểu tình sau cái chết của Israa Ghrayeb. Ảnh: DW

 

Bị sát hại vì tham gia mạng xã hội

Mới đây, hashtag “Hãy cứu Manal, em gái của Qamar” đã lan truyền một cách nhanh chóng trên các trang mạng xã hội tiếng Arab. Theo tờ Deutsche Welle (Ðức), các nhà hoạt động lan truyền thông tin này đang đề cập tới Manal, em gái của Qamar, 26 tuổi, cư ngụ tại tỉnh Al-Kharj (miền Trung Saudi Arabia). Qamar được thông báo mất tích vào ngày 19-1. Deutsche Welle cho biết thi thể cô sau đó được phát hiện bị chôn tại một sa mạc và Manal nghi ngờ chị gái mình bị chính những người anh em bảo thủ sát hại, bởi cô có một tài khoản công khai trên mạng xã hội Snapchat.

Sau khi đưa vụ việc trên lên mạng xã hội, Manal đã bị cảnh sát Al-Kharj tạm giữ và yêu cầu cô ngừng ngay hành động này, dẫn tới làn sóng phản đối kịch liệt trên thế giới ảo.

Ngoài cái chết của Qamar, nhiều cái chết đau lòng khác liên quan đến sử dụng mạng xã hội cũng đã xảy ra. Ðơn cử như hồi năm 2018, có tới 3 phụ nữ Iraq đã bị sát hại, gồm Tara Fares, 22 tuổi, người có 2,8 triệu người theo dõi trên Instagram. Còn hồi tháng 8-2019, Israa Ghrayeb, 19 tuổi, nghệ sĩ trang điểm người Palestine, đã bị người thân đánh đập cho tới chết sau khi cô đăng ảnh của mình và người yêu lên mạng. Tháng 5 năm ngoái, một cô gái 14 tuổi người Jordan đã bị anh trai đâm chết vì lập trang Facebook.

Ngoài ra, còn có nhiều cái chết thương tâm khác và hầu hết nạn nhân đều dưới 25 tuổi. Một nghiên cứu hồi năm ngoái phát hiện, khoảng 33% số nạn nhân bị sát hại vì “lệch lạc đạo đức”.

Áp lực tuân thủ “nguyên tắc đạo đức”

Các nền tảng truyền thông xã hội mang lại cho phụ nữ sinh sống tại các xã hội bảo thủ nhiều quyền tự do hơn để thể hiện bản thân. Nhiều phụ nữ trẻ tại Trung Ðông hiện đổ xô sử dụng các nền tảng như Snapchat và TikTok. Song, văn hóa thể hiện bản thân của các cô gái trên mạng xã hội, chẳng hạn như đăng tải đoạn video hát bài hát yêu thích, lại được cho không phù hợp với các cộng đồng tôn giáo và bảo thủ trong khu vực, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.

Tại Ai Cập, nhiều người có ảnh hưởng trên TikTok đã bị bắt vì vi phạm quy định về đạo đức tại địa phương. Trong khi đó tại Iraq, các hành vi trên mạng xã hội, gồm ấn vào nút “thích” trên Facebook, đều bị phản đối, từ đó có thể hứng chịu các biện pháp trừng phạt. Còn tại Saudi Arabia, phụ nữ tham gia mạng xã hội bị coi là vi phạm “nguyên tắc đạo đức”, trong đó yêu cầu các thành viên nữ trong gia đình phải thuần khiết về mặt đạo đức để không làm hoen ố danh dự gia đình.

Theo nhà báo người Iraq Diyar Raad, trong nhiều thập kỷ qua, một cô gái được cho phá vỡ “nguyên tắc đạo đức” nếu như cô ấy không còn trong trắng hoặc mang thai ngoài giá thú. Ngày nay, nguyên tắc này còn bao gồm việc những cô gái đăng tải hình ảnh trên trang cá nhân Facebook, Instagram hay viết ra những điều táo bạo hoặc mở tài khoản bằng tên thật. Ðó là lý do vì sao nếu một cô gái xuất thân từ gia đình bảo thủ, cô ấy thường sử dụng hoa làm ảnh đại diện Facebook. Trong một số gia đình, chỉ cần sử dụng ảnh thật làm ảnh đại diện Facebook là trái đạo đức, bởi luật Hồi giáo hà khắc quy định rằng khuôn mặt của phụ nữ chỉ được chồng và gia đình nhìn thấy. Nếu vi phạm, cô ta có thể bị hành hạ về mặt thể xác.

Aisha K. Gill, giáo sư tội phạm học tại Ðại học Roehampton (Anh) cho biết định nghĩa về hành vi “làm xói mòn danh dự” tại các nước Trung Ðông liên tục thay đổi. Theo giáo sư Gill, với sự trỗi dậy của mạng xã hội, người thân dễ dàng kiểm soát hoạt động trực tuyến của phụ nữ và khiến họ phải xấu hổ “nếu bước ra khỏi ranh giới” hoặc làm tổn hại “danh dự gia đình”.

Tiếng nói được lắng nghe

Sanar Talib, người phụ nữ Iraq 27 tuổi từng bị anh trai đánh đập vì đăng hình ảnh của mình lên mạng xã hội, thừa nhận rằng việc phụ nữ sử dụng mạng xã hội đem lại nhiều nguy hiểm hơn lợi ích, đặc biệt khi họ dám thách thức các giá trị truyền thống của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, chị cho rằng phụ nữ Iraq trước nay vẫn luôn bị người thân sát hại khi vi phạm nguyên tắc đạo đức mà không ai dám đấu tranh để bảo vệ quyền con người, nên mạng xã hội là con đường duy nhất mà một số phụ nữ có thể sử dụng để nói lên tiếng nói của mình. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết