22/05/2021 - 08:01

Phòng ngộ độc thực phẩm khi bảo quản thức ăn 

Nhiều người thường có thói quen để lại các thực phẩm ăn không hết qua đêm. Nhưng nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập, gây biến đổi chất, dẫn đến ngộ độc.

Không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng. Ảnh minh họa (Ảnh: H.HOA)

Những món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc. Nhiệt độ từ 50C-600C là vùng nhiệt độ nguy hiểm vì vi sinh vật phát triển nhanh dễ làm hư thực phẩm. Do đó, nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 50C hoặc chế độ hâm nóng liên tục trên 600C. 

Trong trường hợp bảo quản dưới 50C (làm vi khuẩn không phát triển), tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc. Chẳng hạn, với cháo gà còn dư sau khi ăn, nếu để ngoài nhiệt độ thường trong thời gian lâu, sau đó mới cất vào tủ lạnh cũng có thể dẫn đến các vi khuẩn có hại phát triển và sinh ra độc tố. Ðến khi hâm nóng lại, nếu thời gian hâm nóng chưa đủ lâu để diệt vi khuẩn hoặc nếu độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt (độc tố của một số vi khuẩn không bị hủy bởi nhiệt) sẽ gây ngộ độc.

Do đó, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng (đảm bảo nhiệt độ trong lõi thức ăn phải đạt trên 700C); không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 2 ngày. Cần vệ sinh tay, dụng cụ chế biến cẩn thận trước khi nấu. 

Một số thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm: 

Rau xanh luộc không nên để lại qua đêm, nếu để qua đêm rau sẽ mất hết vitamin. Chỉ để rau trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, biến các nitrit thành lipit không tốt cho sức khỏe. Cho dù để trong tủ lạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài có khả năng gây ung thư.

Tất cả các loại trứng luộc, đặc biệt là trứng lòng đào, không nên để lâu, chất béo và chất đạm có trong trứng sẽ rất dễ bị biến tính.

Nước trà xanh để lâu thường xỉn màu, những loại vitamin C chống oxy hóa trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy. Nếu uống sẽ có một số vi khuẩn, vi nấm gây hại cho sức khỏe.

Các loại nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng, nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố.

Các món gỏi do không được nấu chín nên những thức ăn từ gỏi dễ xuất hiện các độc tố lạ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Cá và hải sản các loại: Các loại hải sản không để qua đêm do chứa nhiều chất đạm lạ, những chất này sẽ bị biến đổi gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Canh các loại: Trong các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt… những chất này gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư…

Ngoài ra, thực phẩm đã nấu chín cần che đậy kín tránh côn trùng xâm nhập. Ðặc biệt đối với thịt gà (vì loài giời - một loài rết nhỏ phát sáng về đêm nhờ chất lân tinh tự nhiên do cơ thể nó có sẵn) rất thích thịt gà. Nếu nhiễm chất lân tinh này, ăn vào sẽ bị ngộ độc (phospho) gây đau bụng tiêu chảy.

Thông thường trong vòng 4 tiếng đồng hồ sau khi ngộ độc thực phẩm, cơ thể sẽ có những biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, choáng váng, nhìn mờ, thở không được, sốt cao, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu.

Cần lưu ý, người dân không dùng các loại thuốc cầm nôn, ói, cầm tiêu chảy, đau bụng khi ngộ độc. Nên cho bệnh nhân uống nước và có ít muối để giúp bệnh nhân bù được nước muối và nước đã mất.

BS PHẠM VĂN CHÍNH
(Phó Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)    

 

Chia sẻ bài viết