13/05/2010 - 21:05

Phòng chống sốt rét - thách thức và triển vọng

Bs. Dương Phước Long
Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt rét vẫn đang hoành hành ở 108 quốc gia, mặc dù nhiều chiến dịch toàn cầu đã được áp dụng trong gần 100 năm qua. Số liệu đã cho thấy sốt rét vẫn còn là gánh nặng đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo đói, chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Các nhà khoa học cũng đang nỗ lực tìm ra thuốc điều trị, vắc-xin phòng sốt rét. Hoạt động này được xem là những triển vọng mới trong công tác phòng chống bệnh sốt rét của toàn cầu.

Thách thức

 Cán bộ y tế lấy mẩu máu của người dân ở phường Long Hưng, quận Ô Môn để xét nghiệm tìm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Ảnh: P.L

Năm 2008, có 243 triệu người trên thế giới mắc bệnh sốt rét, 863 nghìn người chết do sốt rét, trong đó chủ yếu là người ở châu Phi. Và cho đến nay, phòng chống bệnh sốt rét vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới bởi một số nguyên nhân sau:- Số bệnh nhân vẫn duy trì ở một mức độ cao: Tập trung chủ yếu ở châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh tập trung ở 2 vùng có sinh địa cảnh đặc biệt là vùng rừng núi và vùng nước lợ ven biển. Mỗi vùng đều có những loài muỗi anophen đặc trưng để sinh sống, phát triển và truyền bệnh sốt rét.- Chẩn đoán còn hạn chế: Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh sốt rét vẫn còn phụ thuộc vào kính hiển vi. Phương pháp này giúp xác định được thể loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, mật độ của chúng trong máu người. Tuy nhiên, chẩn đoán bằng kính hiển vi mất nhiều thời gian và bỏ sót bệnh vì ký sinh trùng sốt rét đôi khi không trú ẩn trong máu mà chúng có thể ẩn núp ở nội tạng. Sau một thời gian “củng cố lực lượng” chúng lại tấn công ồ ạt ra máu ngoại vi, tiếp tục gây vỡ hồng cầu. Ngoài ra, việc xét nghiệm bằng kính hiển vi còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, kinh nghiệm của từng kỹ thuật viên. - Ký sinh trùng kháng thuốc: Đây là một trở ngại rất lớn vì việc tìm ra được một loại thuốc mới có hiệu quả rất khó khăn, mất nhiều thời gian, đôi khi là 20 năm, thậm chí 50 năm. Ký sinh trùng kháng thuốc thường được nhắc đến là P.falciparum, có thể gây sốt rét ác tính. Nguyên nhân cơ bản làm cho ký sinh trùng bị lờn thuốc là việc sử dụng thuốc tràn lan (lạm dụng thuốc). Để tránh hiện tượng này, Việt Nam cũng đã áp dụng lời khuyên của WHO là không dùng các thuốc có gốc Artemisinin (Artemisinin, Artesunat viên) đơn trị liệu nữa (kê đơn chỉ một loại thuốc này để điều trị bệnh sốt rét). Tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn dùng Artesunat viên duy nhất thay vì dùng thuốc phối hợp như Arterakin (CV Artecan) để điều trị ca bệnh.- Muỗi sốt rét kháng thuốc diệt côn trùng: Trước đây, hóa chất DDT có tác dụng diệt muỗi sốt rét rất hiệu quả nhưng sau đó đã xuất hiện hiện tượng muỗi có thể chống lại được thuốc này. Một số thuốc diệt muỗi mới cũng được sản xuất sau đó nhưng cũng chỉ cho hiệu quả một thời gian. Sau đó, y học đã ghi nhận các thuốc lâu nay vẫn dùng diệt muỗi lại rất độc với người. Đặc biệt, thuốc khó phân hủy trong môi trường mà tồn tại trong nguồn nước rồi lây qua rau màu... Vì vậy, một số thuốc như DDT, Malathion, DDVP... đã bị cấm sử dụng. Bên cạnh đó, chiến tranh, nghèo đói vẫn xảy ra liên tục cũng góp phần làm cho ý thức phòng bệnh của một số quốc gia trên thế giới trở nên lơ là, tạo điều kiện cho bệnh sốt rét quay trở lại.- Thuốc giả: Theo ước tính của WHO, mỗi năm, nạn thuốc giả đã làm hàng chục nghìn người chết. Ghi nhận của một số tổ chức y tế trên thế giới cho thấy phần lớn thuốc sốt rét giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Đông Nam Á và châu Phi. Riêng tại Việt Nam, nạn thuốc trị sốt rét giả ít phổ biến nhờ nước ta đã tự sản xuất được thuốc. Đồng thời, Nhà nước đã cấp toàn bộ thuốc đặc trị bệnh sốt rét cho người dân từ tuyến xã đến các bệnh viện lớn nên hạn chế rất lớn tình trạng người dân mua nhầm thuốc giả.- Chưa có vắc-xin phòng bệnh: Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu để tạo vắc-xin sốt rét nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn do tính miễn dịch không bền vững.- Vấn đề di dân: Ở vùng đất không thích hợp để một trong những loài muỗi anophen có thể truyền bệnh sinh sống (ví dụ như ở TP Cần Thơ) thì vấn đề đáng quan tâm là di dân. Số liệu nhiều năm cho thấy hầu hết bệnh nhân sốt rét tại Cần Thơ đều bị nhiễm bệnh từ vùng khác (vùng rừng núi hoặc vùng nước lợ) rồi mới trở về địa phương. Mức độ di dân ngày càng lớn do nhu cầu giao thương giữa các vùng, miền làm gia tăng lượng bệnh nhân sốt rét. Đặc biệt, ở vùng ít xảy ra bệnh sốt rét nhưng bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra phổ biến thì việc chẩn đoán ra bệnh sốt rét dễ bị bỏ sót. Bởi khi gặp một trường hợp sốt nhập viện, các bác sĩ ít nghĩ tới bệnh sốt rét mà chỉ nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết làm kết quả chẩn đoán bệnh sai dẫn đến bệnh tình tiến triển nặng hơn vì điều trị trễ.

Triển vọng

Sự ra đời của test chẩn đoán nhanh (RDTs) với giá thành chấp nhận được là một bước tiến lớn trong hoạt động chẩn đoán, điều trị sốt rét. Test nhanh giúp cho việc chẩn đoán nhanh hơn, dường như là tức thời và chính xác hơn. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong được hạ thấp và giảm tỷ lệ kháng thuốc do việc điều trị “mù” gây ra.

Hiện nay, các nhà khoa học đã giải mã thành công bản đồ gien của cây thanh hao hoa vàng. Cây này được người Trung Hoa sử dụng điều trị sốt rét trên 1.500 năm qua. Cây này được chiết xuất để tạo ra thuốc sốt rét chủ lực cho toàn thế giới là thuốc Artemisinin. Việc giải mã thành công bản đồ gien của cây này giúp sản lượng của cây tăng lên, có khả năng phòng sâu bệnh, chịu được hạn... Qua đó, giá thuốc sẽ được hạ thấp, hàng triệu người mắc bệnh sốt rét mỗi năm trên thế thới sẽ có cơ hội tiếp cận với thuốc, đồng thời cũng làm hạ nhiệt cơn sốt thuốc giả. Các nhà khoa học cũng đang tìm ra kỹ thuật sản xuất thuốc công nghiệp mà không phải trồng cây thanh hao hoa vàng. Nếu kỹ thuật được hoàn thiện thì khả năng sản xuất ra các thuốc gốc Artemisinin là vô tận và tức thời.

Các nhà khoa học cũng đang hướng đến sản xuất các chế phẩm thuốc mới, không có gốc từ Artemisinin nhưng diệt được ký sinh trùng kháng thuốc. Các loại thuốc này có tác dụng thay thế nhóm Artemisinin một khi thuốc Artemisinin bị kháng thuốc.

Năm 2009, Việt Nam đã thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét can thiệp nhằm góp phần đề ra chiến lược phòng, chống sốt rét cho từng vùng sinh thái, dịch tễ học cụ thể. Hoạt động này góp phần đắc lực cho công tác phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam.

Chia sẻ bài viết