18/10/2011 - 22:23

Phối hợp cơ sở y tế công - tư trong phòng chống bệnh lao

Dự án phối hợp y tế công-tư trong chương trình phòng, chống lao (gọi tắt là dự án) triển khai ở TP Cần Thơ từ tháng 7-2011. Tuy mới hơn 3 tháng triển khai nhưng dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân viên ở các cơ sở y tế tư, góp phần quan trọng vào chương trình phòng, chống lao…

Còn né tránh khi nói đến... lao

Bệnh nhân nhận thuốc điều trị miễn phí bệnh lao kháng thuốc tại Tổ Lao, Trung tâm
Y tế dự phòng quận Ninh Kiều.  

Bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Trưởng ban điều hành dự án, cho biết: “Tuy dự án thực hiện 6 tháng nhưng chính thức đi vào hoạt động mới được 3 tháng. Thời gian ngắn nhưng các cơ sở y tế tư rất tích cực góp phần phát hiện bệnh nhân lao”. Ba tháng qua, những người dân bị ho khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều hoặc đêm, mệt mỏi, sút cân... khi đến các nhà thuốc, phòng khám tư ở 3 quận: Ninh Kiều, Ô Môn và Thốt Nốt mua thuốc, khám bệnh đều được các cơ sở này tư vấn, viết phiếu chuyển bệnh nhân đến các phòng khám lao.

Theo thống kế của Sở Y tế TP Cần Thơ, từ tháng 7-2011 đến tháng 9-2011, các cơ sở y tế công-tư đã tư vấn, viết phiếu chuyển cho 985 người nghi bệnh lao đến các phòng khám lao. Qua đó có 700 bệnh nhân được khám, xét nghiệm... và các bác sĩ chuyên khoa xác định có 68 bệnh nhân lao. Nhờ vậy, các bệnh nhân này được phát hiện và điều trị sớm, hạn chế lây lan cho cộng đồng và tránh tình trạng lao kháng thuốc. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết: “Để góp phần phát hiện sớm bệnh nhân lao, tháng 7-2009, được sự cho phép của Sở Y tế TP Cần Thơ, bệnh viện đã triển khai chương trình phối hợp giữa các bệnh viện công trong phòng, chống bệnh lao. Các bệnh viện công trong quá trình khám, điều trị, nếu phát hiện bệnh nhân nghi lao thì tư vấn, chuyển bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa lao. Qua thời gian thực hiện, đến nay tất cả các bệnh viện công đều tích cực tham gia. 94% bệnh nhân được bệnh viện công tư vấn, viết phiếu chuyển đến phòng khám lao đã chấp nhận đến để khám, xét nghiệm... Với các cơ sở y tế tư, mới chỉ thực hiện bước đầu nhưng kết quả rất đáng khích lệ”. Đồng tình với nhận xét này, đại diện Phòng Y tế quận Thốt Nốt cũng cho rằng kiến thức các cơ sở y tế tư, đặc biệt là các nhà thuốc được nâng lên. Từ đó các cơ sở thường xuyên lưu tâm đến bệnh lao trong quá trình kê đơn và bán thuốc cho bệnh nhân. Đại diện một nhà thuốc ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều cho biết: “Người dân đến mua thuốc, thấy có dấu hiệu mắc bệnh lao, tôi tư vấn họ nên đi khám, xét nghiệm tại phòng khám lao. Bà con truyền tai nhau đến xin phiếu rất đông”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số cơ sở y tế tư chưa chuyển được bệnh nhân nghi lao đến phòng khám lao. Tỷ lệ người nghi lao do các nhà thuốc viết phiếu chuyển đến phòng khám lao, chấp nhận đến khám bệnh chỉ đạt 23%; tỷ lệ này ở các phòng mạch tư của bác sĩ chỉ đạt 40%. Ở quận Ô Môn, nhà thuốc đã chuyển 29 bệnh nhân nghi lao đến phòng khám lao nhưng thực tế chỉ có 1 bệnh nhân chấp nhận đến. Đại diện Phòng Y tế quận Ô Môn đã đề nghị cần sàng lọc, giảm bớt số cơ sở không hiệu quả. Đại diện Phòng Y tế quận Thốt Nốt, Ô Môn đều nhận định do tư tưởng né tránh của người dân với bệnh lao còn khá phổ biến nên nhiều người còn ngại đến phòng khám lao để khám, xét nghiệm. Một số cơ sở y tế tư còn dè dặt, không chắc chắn bệnh nhân có mắc bệnh lao hay không nên còn e dè khi viết phiếu chuyển cho bệnh nhân. Ngoài ra, một số nhà thuốc, bác sĩ cũng phản ánh khi chuyển bệnh nhân xong, không nghe phản hồi xem bệnh nhân có đến khám tại phòng khám lao không, có bị bệnh lao không để có thể tiếp tục tư vấn, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.

* Cần triển khai mở rộng

Bác sĩ Cao Vĩnh Phong, làm phòng mạch tư ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bệnh nhân đến khám tại phòng mạch, bác sĩ chỉ khám một lần rồi tư vấn, viết phiếu chuyển họ đến khám, xét nghiệm tại phòng khám lao thì họ không đến. Nhưng qua 2-3 lần khám, tư vấn của bác sĩ, họ sẽ tin cậy hơn và chịu đi khám”. Để dự án hiệu quả, góp phần phát hiện ngày càng nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng, bác sĩ Châu Minh Đức, phòng mạch tư ở quận Ô Môn, đề xuất: “Số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện rất đông. Vì thế, các phòng khám ngoại trú trong bệnh viện cần tăng cường khám, phát hiện bệnh nhân nghi mắc lao. Sau đó hướng dẫn bệnh nhân đến khám tại tổ lao, bệnh viện chuyên khoa lao. Nếu ở các bệnh viện công, triển khai được xét nghiệm đàm để chẩn đoán cho bệnh nhân thì số lượng phát hiện bệnh nhân lao sẽ tăng”. Bác sĩ Bùi Trọng Hải, phòng mạch tư ở quận Thốt Nốt, cũng đồng tình với đề xuất này: “Cần triển khai chương trình này cho tất cả các bác sĩ tham gia khám bệnh tại các bệnh viện để phát hiện sớm bệnh nhân lao và chuyển bệnh nhân đến các phòng khám lao”. Ngoài ra, với những bất cập trong hệ thống y tế, bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thới Lai, cho biết: “Hiện nay, ở quận, huyện, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện nhưng xét nghiệm đàm lại nằm ở Trung tâm Y tế dự phòng. Bệnh nhân ngại chuyện đi lại tốn kém và mất thời gian nên có thể không đi. Theo tôi, nên tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến quận, huyện có tổ chức xét nghiệm đàm để tiện lợi cho bệnh nhân. Khi chắc chắn bệnh nhân bệnh lao thì chuyển sang Tổ lao, Trung tâm Y tế dự phòng điều trị”. Bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp cho rằng không nên cắt bớt số cơ sở y tế tư tham gia chương trình phối hợp phòng chống lao vì chẳng tốn kém bao nhiêu, trái lại nên tăng số cơ sở tham gia để mạng lưới phát hiện bệnh lao ngày càng rộng.

Với những đề xuất của các nhà thuốc, bác sĩ, phòng y tế... bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế TP Cần Thơ. Riêng vấn đề Tổ lao thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện vừa qua gây bất tiện cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Cử, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: “Trong Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi giai đoạn từ 2011 đến 2020, do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đã nêu, tại các huyện, quận có bệnh viện đa khoa thì thành lập phòng khám hoặc tổ chống lao và bệnh phổi thuộc bệnh viện để thực hiện khám phát hiện, điều trị bệnh lao, các bệnh phổi và triển khai công tác phòng, chống lao trong địa bàn. Tại các quận, huyện chưa có bệnh viện thì thành lập Tổ chống lao thuộc Trung tâm Y tế. Tuy nhiên lộ trình thực hiện do địa phương tự quyết định”. Trước hiệu quả của dự án, bác sĩ Lê Thị Nga, đại diện PATH (một tổ chức phi chính phủ quốc tế) cho biết: “PATH cam kết đồng hành với chương trình khoảng 2 năm nữa về tài chính và chuyên môn”.

Trong năm 2012, dự án sẽ được mở rộng thêm ở quận Bình Thủy và Cái Răng, triển khai phòng xét nghiệm lao cho Bệnh viện Đa khoa Ô Môn, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Hy vọng với sự mở rộng của mạng lưới phát hiện bệnh lao, ngày càng có nhiều bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị sớm, giảm nguồn lây cho cộng đồng.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết