16/07/2015 - 21:51

Philippines tái sử dụng căn cứ quân sự ở Vịnh Subic

Kể từ đầu năm sau, Philippines sẽ triển khai máy bay chiến đấu mới và hai tàu khu trục tại cơ sở hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực này được tái sử dụng với chức năng căn cứ quân sự kể từ khi đóng cửa vào năm 1992 theo quyết định của Thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận với Washington.

Hãng tin Anh Reuters cho biết 2 máy bay chiến đấu tấn công hạng nhẹ FA-50 mà Manila nhận vào cuối năm nay trong phi đội 12 chiếc do Hàn Quốc sản xuất sẽ được triển khai tại Căn cứ Hải Quân Cubi cũ trên Vịnh Subic vào đầu năm 2016. Trong khi đó, Phi đội Chiến đấu Số 5 cũng được chuyển tới từ căn cứ phía Bắc đảo Luzon. Riêng 2 tàu khu trục Hải quân có khả năng neo tại cảng Alava ở Vịnh Subic.

Tàu chiến của Mỹ neo đậu tại Vịnh Subic hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia an ninh, sử dụng Vịnh Subic cho phép lực lượng Không quân và Hải quân Philippines phản ứng nhanh và hiệu quả hơn trước những động thái của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Nói về điều này, giới quân sự Philippines cũng thừa nhận lý do chuyển đổi mục tiêu sử dụng Vịnh Subic từ khu kinh tế thành cơ sở quân sự là do khu vực này có vị trí gần kề Biển Đông. Thuận lợi nữa là tại đây có sẵn các cơ sở quân sự mà chỉ cần nâng cấp là có thể sử dụng - một quan chức quốc phòng Philippines nói.

Bàn về vị trí chiến lược, các chuyên gia an ninh cho biết vai trò căn cứ quân sự của Vịnh Subic đã được Mỹ chứng minh và giới chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này. Theo đó, Vịnh Subic không chỉ có cảng nước sâu hướng ra Biển Đông mà còn cách bãi cạn Scarborough chỉ 145 hải lý (270 km). Bãi cạn này đã bị Trung Quốc chiếm hồi năm 2012. Theo suy đoán của chuyên gia Patrick Cronin tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, nếu Bắc Kinh một ngày nào đó cũng biến bãi cạn Scarborough thành "đảo nhân tạo" tương tự như những gì đang áp dụng với các rạn san hô đang chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tình thế này sẽ rất khó cho Philippines trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km) ngoài khơi đảo Luzon. Vì vậy, ông Cronin cho rằng việc Không quân Philippines sử dụng căn cứ ở Vịnh Subic chính là biện pháp phòng thủ khôn ngoan. Bởi máy bay chiến đấu FA-50 có thể tới bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút trong khi máy bay tuần tra biển hay máy bay không người lái cũng theo dõi được toàn bộ động thái của Bắc Kinh trong khu vực.

Về phía Mỹ, tàu chiến nước này kể từ năm 2000 cũng thường xuyên ghé Vịnh Subic để sửa chữa, tiếp tế hay neo đậu trong các cuộc tập trận với quân đội Philippines. Và nếu khu vực này được đưa vào hoạt động với vai trò căn cứ quân sự một lần nữa, Hải quân Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn theo Thỏa thuận hợp tác phòng thủ tăng cường (EDCA) ký năm 2014. Trong đó, EDCA cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự địa phương ở Philippines với thời gian dài hơn so với các hiệp định hiện nay, thậm chí có thể xây dựng cơ sở, phương tiện phục vụ hậu cần. Tuy nhiên, EDCA hiện vẫn đang bị đóng băng do thách thức từ Tòa án Tối cao Philippines.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết