14/01/2010 - 20:52

Phẫu thuật nội soi khớp gối: Bệnh nhân mau hồi phục, ít tốn kém

 

Trong năm 2009, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối cho BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bệnh nhân được điều trị theo kỹ thuật này đạt tỷ lệ thành công cao, mau hồi phục, ít tốn kém... Việc chuyển giao kỹ thuật mới này, giúp BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ nâng cao năng lực điều trị bệnh và mở rộng triển khai kỹ thuật điều trị các bệnh lý khác. Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh (ảnh), Trưởng phân khoa Chỉnh hình Xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết:

- Từ tháng 3-2009 đến cuối tháng 12-2009, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phẫu thuật nội soi khớp gối cho 29 trường hợp. Kết quả các ca phẫu thuật đều rất tốt, tỷ lệ thành công đạt trên 80%. Đối với TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung, đây là kỹ thuật điều trị mới và việc chuyển giao kỹ thuật giữa 2 bệnh viện có ý nghĩa rất quan trọng, giúp BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ nâng cao năng lực khám và điều trị bệnh, tạo điều kiện để bà con ở ĐBSCL thụ hưởng tốt nhất kỹ thuật điều trị mới.

* Thưa bác sĩ, kỹ thuật điều trị này có ưu điểm gì so với phương pháp điều trị cũ? Đối tượng được chỉ định điều trị như thế nào?

- Phương pháp phẫu thuật nội soi khớp gối đã thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, nhưng khá mới đối với Việt Nam. 5 năm trở lại đây, phương pháp này phát triển mạnh trong nước, được ứng dụng như là một mũi nhọn trong chẩn đoán và điều trị chấn thương chỉnh hình.

 Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang học tập kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối. Ảnh: K. LOAN

Nội soi khớp gối là dùng một nguồn sáng lạnh đưa vào trong gối, thông qua một máy quay (camera) nhỏ, toàn bộ hình ảnh trong khớp gối sẽ được chiếu trên màn hình với một độ phóng đại cao. Nhờ đó, y, bác sĩ nhìn thấy rõ mọi cấu trúc trong khớp gối. Y, bác sĩ sẽ sử dụng hai đường rạch cơ bản: một lỗ dùng cho camera, một lỗ khác dùng để cho dụng cụ vào thực hiện các thao tác phẫu thuật. Nước muối sinh lý được dùng để bơm phồng khớp gối. Một hoặc nhiều đường mổ nhỏ khác sẽ được tạo ra đưa các dụng cụ vào trong khớp gối để thực hiện các thủ thuật. Y, bác sĩ phẫu thuật không để sót tổn thương. Với kỹ thuật phẫu thuật cũ, bệnh nhân phải bị mở vết thương ở khớp gối từ 12-15 cm, các y, bác sĩ mới có thể thực hiện ca mổ và mất một khoảng thời gian khâu lại cũng như làm tổn thương thêm gân cơ của người bệnh. Phẫu thuật nội soi sẽ giúp người bệnh ít đau hơn do đường mổ nhỏ, phẫu thuật và hậu phẫu nhẹ nhàng hơn, thời gian hồi phục sớm hơn, ít tốn chi phí...

Đối tượng được điều trị theo phương pháp này là các bệnh nhân bị tổn thương ở khớp gối như đứt dây chằng chéo, rách sụn chêm, thoái hóa khớp,... Bệnh nhân mắc những bệnh lý khớp gối, như: đau, sưng khớp, tràn dịch khớp tái phát, không thể chạy và vận động nhanh mạnh trong thể thao, kẹt khớp khi duỗi hoặc kẹt khớp hoàn toàn, cảm giác không vững, lỏng khi vận động, hạn chế biên độ khớp sau chấn thương, giảm khả năng vận động so với bình thường.

Bên cạnh đó, đối với khớp gối, nội soi có thể dùng trong các trường hợp sau:

Dùng để chẩn đoán khi các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học không cho ra quyết định chính xác. Đối với phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước hay sau trong tổn thương đứt dây chằng chéo trước hay sau hoặc cả hai của gối. Hỗ trợ việc lấy các dị vật trong khớp gối như các mảnh sụn trong bệnh lý viêm sụn tách rời...

* Khả năng thực hiện kỹ thuật này của BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ như thế nào? Có thể mở rộng kỹ thuật điều trị này sang điều trị các bệnh lý khác hay không, thưa bác sĩ?

- Thực tế, phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ngày càng phát triển, phù hợp với xu thế phát triển chung trong lĩnh vực y khoa, vì giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống. BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao kỹ thuật này cho một số bệnh viện ở Long An, Củ Chi, Bình Chánh,... BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ trước đây đã điều trị khá tốt các trường hợp bị gẫy xương, về sau có bước tiến cao hơn là nội soi, chăm sóc khớp (đứt dây chằng do tai nạn giao thông, chấn thương khớp gối lớn, nhỏ), thoái hóa khớp. Qua sự chuyển giao kỹ thuật giữa 2 bệnh viện đã có trên 80% bệnh nhân được điều trị thành công- đặc biệt là những trường hợp bị tai nạn giao thông. BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đủ năng lực thực hiện độc lập kỹ thuật này. Giữa năm 2010, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ sẽ trang bị máy phẫu thuật nội soi. Trong tương lai, kỹ thuật này không chỉ dừng lại điều trị khớp gối mà còn mở rộng điều trị sang các bệnh lý khác ở khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ chân,...

B.KIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết