Tận dụng lợi thế về kinh nghiệm làm bánh của gia đình, nhiều chị em mạnh dạn phát triển nghề, kiếm thu nhập từ các loại bánh. Dù vấp phải nhiều khó khăn nhưng các chị kiên trì “đeo” nghề, nhạy bén áp dụng cách làm mới để phát huy tay nghề và tạo nguồn thu ổn định.
Học nghề từ gia đình

Mẹ con cô Hoa bán cốm nhà làm tại Hội chợ xanh, nông sản, thực phẩm an toàn do Trung ương Hội LHPNVN tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Cần Thơ vào trung tuần tháng 11 vừa qua.
Cô Lê Thị Hoa, 63 tuổi, ngụ khu vực 2, phường Trà Nóc làm nghề cốm gạo được 40 năm nay. Cô học nghề này từ mẹ ruột, quê ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Thay vì chỉ làm cho con cháu ăn, cô Hoa đã phát triển nghề thành kế mưu sinh. Cô Hoa làm cốm bán rất đắt. Chị Lương Thị Nguyệt, con gái cô Hoa, chia sẻ: “Để làm ra mẻ cốm ngào, chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công đoạn: đầu tiên là chọn loại gạo nở xốp, cho vào ống quay cốm, quay trên lửa. Canh đủ thời gian, nhiệt độ và áp suất thì đập nắp ống quay cho cốm nổ bung ra. Mỗi lần quay chỉ được 1kg gạo, quay tầm 2,5-3kg gạo mới đủ ngào một mẻ cốm. Để có mẻ cốm ngào ngon đủ vị, ngoài đường, người thợ còn chuẩn bị thêm rất nhiều nguyên liệu: nước cốt dừa, mạch nha, đậu phộng, mè rang, gừng. Cốm ngào xong, đổ ra khuôn, dàn đều, ém chặt, chờ nguội bớt mới cắt thành miếng, cho vào túi ni lông bảo quản. Miếng cốm giòn, ngọt, béo, thơm là bữa ăn phụ được rất nhiều người ưa thích. Khoảng 20 năm trước, mỗi mùa gặt lúa và áp Tết, nhà tôi ngào bán trung bình mỗi ngày đến cả ngàn bịch cốm”. Ngoài cốm gạo, cô Hoa và chị Nguyệt có làm thêm cốm bắp, các loại nui ngào đường và gần đây phát triển thêm món cốm gạo lứt rất được nhiều thực khách ưa chuộng.
Góp mặt ở Hội chợ xanh, nông sản thực phẩm an toàn do Trung ương Hội LHPNVN tổ chức tại TP Cần Thơ vào trung tuần tháng 11 vừa qua, chị Lê Thị Tuyết Vân, ngụ khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy giới thiệu và bán một số loại bánh do vợ chồng chị làm. Đây cũng là sản phẩm khởi nghiệp gần 1 năm nay của anh chị. Chị Tuyết Vân cho biết, trước đây vợ chồng chị cũng có công việc ổn định nhưng thu nhập không cao. Từ khi có bé con thứ 2, kinh tế gia đình khá chật vật nên vợ chồng chị quyết định chuyển nghề. Với lợi thế gia đình của ông xã chị ở tỉnh Hưng Yên có nghề làm bánh nhiều năm, được gia đình ủng hộ, vợ chồng chị quyết định về quê học nghề. Chị tranh thủ học thêm nghề làm và trang trí bánh kem để tăng thêm khả năng cạnh tranh. Anh chị có những sản phẩm đầu tiên bán ra thị trường từ năm 2019. Đến tháng 3-2020, anh chị khai trương tiệm bánh cho riêng mình. Chị Vân cho biết: “Ông xã phụ trách đứng bếp chính, làm khoảng 20 loại bánh, chủ yếu là các dòng bánh mì, bánh bông lan nướng các loại, như: bánh mì hoa cúc, bánh bông lan trứng muối, bánh bông lan tí hon, bông lan kem,… Còn tôi phụ trách món bánh kem sinh nhật và lo tiếp khách, đứng bán, lo bao bì, nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm”.
Quyết tâm phát triển nghề
Chị Nguyệt cho biết, thời điểm gia đình mới ra nghề vài năm, nhiều hộ trong xóm bắt chước làm theo nhưng đa số chỉ đeo nghề chừng 5-7 năm, ai kiên trì lắm thì được 10 năm là bỏ nghề. Vì nghề này lời mỏng mà cực. Qua nhiều công đoạn nhưng mỗi mẻ cốm thành phẩm được chừng 135 bịch cốm, bán được khoảng 400.000 đồng. Bên cạnh đó, thị trường các loại bánh ngày càng phong phú, người dân có nhiều lựa chọn hơn nên món cốm nổ dân dã bán được ngày càng ít. Trong đó, món cốm bắp và một số món nui nổ ngào đường gia đình chị Nguyệt đã nghỉ làm nhiều năm nay. Bán ít đồng nghĩa với thu nhập sụt giảm, nhưng cô Hoa vẫn không chịu buông nghề. Được khách hàng gợi ý, 2 năm nay, cô Hoa làm thêm cốm ngào từ gạo lứt với 2 loại: loại miếng và loại hạt rời để khách có thêm lựa chọn. Trong đó, loại miếng được ngào tương tự như cốm gạo tẻ, còn loại cốm hạt rời chỉ được ngào sơ với rất ít đường, nước cốt dừa và gừng, sao cho từng hạt cốm vẫn thấm vị, giòn thơm dễ ăn nhưng tách rời từng hạt. Ngoài ra, cô còn nhận xay bột ngũ cốc để kiếm thêm thu nhập. Cô Hoa cho biết: “Món cốm gạo lứt được rất nhiều khách ưa chuộng, cho tôi thêm động lực tiếp tục gắn bó với nghề. Dù thu nhập không cao nhưng tôi vẫn có việc làm vừa sức, được vui với nghề mình yêu thích và có đủ tiền trang trải một số chi phí sinh hoạt trong nhà”.
Còn với chị Vân, để có tiệm bánh kinh doanh ổn định như hiện nay, chị trải qua không ít khó khăn. Chị chia sẻ: “Lúc quyết định thay đổi công việc, tôi đắn đo, mất ngủ suốt mấy tuần. Sau đó, khai trương tiệm bánh ngay thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19, người người thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 4-2020, công nhân nghỉ làm, học sinh thì nghỉ học, trong khi đây là 2 đối tượng khách hàng chủ yếu của tiệm khiến việc mua bán càng trở nên khó khăn”. Kiên trì theo đuổi mục tiêu, cố gắng phát triển nghề theo định hướng lấy chất lượng khẳng định thương hiệu, tiệm ngày càng có nhiều “khách mối”.
Để làm được khoảng 20 loại bánh, mỗi ngày ông xã chị Vân thức từ 2 giờ sáng, còn chị cũng phụ giúp chồng vệ sinh tủ, nướng bánh để kịp có bánh phục vụ công nhân và người dân đi chợ sớm từ 5 giờ sáng. Chị Vân chia sẻ: “Lấy chất lượng làm tiêu chí phục vụ và giá cả hợp lý để cạnh tranh, chúng tôi rất hy vọng bánh của tiệm sẽ ngày càng có nhiều khách hàng đón nhận. Nhiều loại bánh của tiệm chúng tôi dành riêng phục vụ đối tượng khách hàng là trẻ em, chúng tôi rất coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm với tiêu chí “bánh làm ra, gia đình mình dùng được thì mới bán cho khách hàng dùng”.
Yêu nghề và cố gắng phấn đấu phát triển nghề, điều đáng quý là các cô, các chị còn được Hội LHPN, nhiều ban, ngành, đoàn thể địa phương biết đến, ủng hộ và tạo điều kiện để các cô, chị giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn. Qua đó, các cô, các chị có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển nghề ngày càng thành công hơn.
Bài, ảnh: MỸ TÚ