Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Một số bệnh viện (BV) có năng lực chuyên môn cao ở TP Cần Thơ ngày càng chú trọng phát triển lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim bẩm sinh ở trẻ em. Từ đó, giúp bệnh nhi mắc bệnh tim ở miền Tây phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả. Những gia đình gặp khó về chi phí được BV kết nối với các đơn vị, cá nhân tài trợ, tạo điều kiện cho trẻ được chữa trị.

BS Lê Hoàng Khoa, Trưởng ê-kíp can thiệp tim bẩm sinh BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi sau khi can thiệp.
Phát hiện bệnh tim từ trong bụng mẹ
Từ tháng 4-2022, BV Phụ sản TP Cần Thơ triển khai siêu âm tim qua thành bụng để tầm soát các dị tật tim bẩm sinh của thai nhi. Một trong những thai phụ đầu tiên tiếp cận kỹ thuật tiên tiến này đến từ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Chị dự tính chọn BV Phụ sản TP Cần Thơ là nơi vượt cạn nên vào tuần thai thứ 27, chị đến BV khám thai. Các bác sĩ siêu âm tim thai qua thành bụng cho thai phụ, phát hiện tim thai bất thường hoán vị đại động mạch, tư vấn chị lên tuyến trên để được kiểm tra lại và có phương pháp can thiệp phù hợp. Kết quả chẩn đoán của chuyên gia đầu ngành ở TP Hồ Chí Minh khớp với chẩn đoán ban đầu của bác sĩ tại BV Phụ sản TP Cần Thơ và xác định bất thường tim thai thuộc loại nhẹ, có thể tự sửa chữa. Bác sĩ tư vấn thai phụ về lại BV Phụ sản TP Cần Thơ theo dõi sinh. Rất may mắn em bé đã chào đời khỏe mạnh tại BV Phụ sản, trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ.
Theo BS CKII Hồ Thị Kim Yến, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Phụ sản TP Cần Thơ, việc triển khai kỹ thuật siêu âm tim thai nhi qua thành bụng thực hiện đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả rất cao, giúp phát hiện sớm những dị tật tim ở thai nhi. Từ đó có giải pháp theo dõi và can thiệp kịp thời, để cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc tim bẩm sinh gồm: mẹ tuổi cao, mẹ có tiền sử mắc một số bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ hay thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, dùng thuốc ảnh hưởng sự phát triển của tim thai. Ngoài ra, cần lưu ý khi người mẹ sinh đứa con trước đó có dị tật, nhất là tim bẩm sinh; trong gia đình có người thân mắc tim bẩm sinh hay các bệnh về di truyền. Còn về thai nhi, có bất thường nhiễm sắc thể hay trên siêu âm có bất thường cơ quan khác cũng có thể bất thường ở tim; trẻ song thai…
Thống kê của Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2023, kết quả siêu âm tim thai qua thành bụng, phát hiện 15 trường hợp bất thường trong tổng số khoảng 800 thai phụ, trong đó có nhiều trường hợp thông liên thất và một số tật tim khác. Bên cạnh đó, siêu âm hình thái thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa, trong tổng số 1.700 lượt, phát hiện 6 ca bất thường như tứ chứng Fallot, tim nằm bên phải, hoán vị đại động mạch, thông liên thất,… Còn trẻ sơ sinh, sàng lọc tim bẩm sinh có tím và siêu âm tim sơ sinh gần 340 ca, phát hiện 16 ca bất thường; sàng lọc tim bẩm sinh có tím bằng máy đo SPO2: hơn 4.400 ca, phát hiện 6 ca nguy cơ cao.
Theo thống kê năm 2020 của Bộ Y tế, trung bình cứ 1.000 trẻ sinh ra có 8 trẻ bệnh tim bẩm sinh. Mỗi năm có khoảng 10.000 đến 12.000 trẻ mắc bệnh, trong đó, khoảng 6.000 trẻ được can thiệp điều trị, phẫu thuật, số còn lại theo dõi và điều trị nội khoa. Ở TP Cần Thơ, ngoài BV Phụ sản, một số BV khác cũng quan tâm tầm soát tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ tại BV và cộng đồng như BV Nhi đồng TP Cần Thơ và BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Các bé được bác sĩ khám lâm sàng, làm điện tâm đồ (nếu cần) và siêu âm tim chẩn đoán. Những trường hợp cần can thiệp, phẫu thuật, phần lớn chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán; phần còn lại, gia đình không kham nổi, các BV kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ để trẻ được điều trị. Hằng năm, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ phối hợp với BV Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em miền Tây và hỗ trợ chi phí can thiệp, mổ tim cho rất nhiều bệnh nhi thời gian qua.
Can thiệp, phẫu thuật tim cho trẻ tại Cần Thơ
Ðầu tháng 3-2023, BV Nhi đồng TP Cần Thơ tái khởi động chương trình can thiệp tim mạch, đã điều trị cho 34 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở miền Tây. Một trong những trường hợp đầu tiên được can thiệp bít còn ống động mạch bằng dụng cụ tại BV vừa tái khám, bác sĩ ghi nhận bé tiến triển sức khỏe tốt, chức năng tim co bóp tăng, cân nặng tăng rõ rệt, giảm các triệu chứng ho, khò khè, sổ mũi so với trước can thiệp. BS CKI Lê Hoàng Khoa, Trưởng ê-kíp can thiệp tim bẩm sinh BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, BV tiếp tục các kỹ thuật đã được thông qua như bít còn ống động mạch, bít thông liên nhĩ, thông liên thất, nong van động mạch phổi. Trong năm nay, BV từng bước triển khai các kỹ thuật lấy dị vật buồng tim, thông tim và chụp buồng tim, sốc điện điều trị rung nhĩ, đặt máy tạo nhịp tạm thời, đặt stent ống động mạch, nong mạch hẹp eo động mạch chủ và đặt stent. Theo kế hoạch năm 2024, BV sẽ thông qua 11 kỹ thuật mới, như cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, siêu âm tim thực quản, chọc dò màng tim, nong van động mạch chủ,… Ðiều thôi thúc các thầy thuốc BV Nhi đồng TP Cần Thơ nỗ lực trong lĩnh vực tim bẩm sinh, đó là giúp bệnh nhi ở miền Tây được tiếp cận các kỹ thuật mới tại Cần Thơ, khỏi phải đi tuyến trên khi cơ thể đang bệnh; đồng thời, gia đình trẻ bớt chi phí và thời gian đi lại cũng như thuận lợi tái khám cho trẻ sau khi can thiệp, điều trị.

Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ siêu âm tim thai nhi qua thành bụng mẹ.
BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long là một trong số ít địa chỉ có năng lực điều trị tim bẩm sinh cho trẻ tại Cần Thơ với các phương pháp từ nội khoa đến can thiệp nội mạch (bít dù) và phẫu thuật. BV phối hợp với nhiều chuyên gia đầu ngành về tim bẩm sinh cả trong nước và nước ngoài; phối hợp với các tổ chức thực hiện can thiệp - phẫu thuật tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em. Theo Ths.BS Mai Công Lợi, chuyên khoa tim mạch, tim mạch can thiệp BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, năng lực tầm soát và điều trị bệnh tim bẩm sinh ở nước ta hiện nay không thua kém các nước tiên tiến khác. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ bệnh nhi theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, sớm phát hiện những bất thường để điều trị cho trẻ kịp thời. Bên cạnh đó, giữ cho con có chế độ dinh dưỡng thích hợp, ăn uống lành mạnh, tránh bị béo phì. Giúp trẻ giữ vệ sinh tốt, tránh bệnh lý nhiễm trùng. Ðặc biệt là giúp trẻ có tinh thần thoải mái, lối sống tích cực. Cha mẹ không nên quá lo lắng, tâm lý bất ổn, sẽ tác động tiêu cực lên trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, ít nhất một lần trong những năm tháng đầu đời, trẻ cần được tầm soát bệnh tim bẩm sinh, càng sớm càng tốt. Gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa có thể đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám khi nhận thấy con nhỏ có các triệu chứng bất thường. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh gồm trẻ mới sinh ra da tím hơn bình thường, khóc rất yếu, thở nhanh, bú kém, ngắt quãng. Trẻ dưới một tuổi chậm phát triển, hay ho, tay chân lạnh, ra mồ hôi nhiều, thường xuyên bệnh phải nhập viện. Khi lớn hơn, trẻ chậm phát triển cân nặng, chiều cao so với bạn cùng lứa, luôn ốm yếu, thường ngồi bàn đầu trong lớp, mệt khi chơi đùa, vận động…