02/12/2015 - 21:28

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp đã ảnh hưởng không ít đến khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp có phát triển. Nhưng, hoạt động của chuỗi giá trị này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa được bền vững nên sự trợ lực từ những chính sách của Nhà nước được xem là rất cần thiết.

XU THẾ TẤT YẾU

Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về sản lượng, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đến hết năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng. Sản lượng lúa tăng từ 39 triệu tấn năm 2006 lên mức 45 triệu tấn năm 2014. Việt Nam vẫn duy trì vị trí là thế mạnh về xuất khẩu nông sản (lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy sản) với giá trị xuất khẩu gần 31 tỉ USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng nông nghiệp nước ta tuy có tăng, nhưng giá trị gia tăng lại thấp, lợi ích kinh tế của đại đa số nông dân chưa được đảm bảo. Nông dân thường xuyên phải đối mặt với thực trạng "được mùa - mất giá, được giá - mất mùa", bị tư thương ép giá… Nông dân làm ra hàng hóa thì được hưởng lợi ít, trong khi đó lợi ích của thương lái thu gom và đại lý các cấp ngày càng tăng. Đây là một nghịch lý đối với nông nghiệp nước ta, đồng thời phản ánh những bất cập trong quá trình phân phối giá trị sản phẩm nói riêng của hàng hóa nông nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân của tồn tại này có nhiều. Song, chủ yếu là do phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản của nông dân và doanh nghiệp đang dừng ở việc sản xuất theo khả năng, chưa chú trọng đến thị trường. Sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp.

 Các kỹ thuật viên của Tập đoàn Lộc Trời đang hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng lúa.

Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) là một trong những doanh nghiệp tiên phong và khá thành công trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Tiếp cận theo triết lý kinh doanh "Cùng nông dân phát triển bền vững", ngoài việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu (quy hoạch sản xuất tập trung, quy mô lớn; ký hợp đồng hợp tác sản xuất với nông dân; cung ứng vật tư nông nghiệp; cho nông dân nợ không tính lãi 120 ngày;…), Tập đoàn Lộc Trời còn đào tạo và đưa hơn 1.000 cán bộ để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác cho người nông dân. Ngoài ra, những cán bộ này hướng dẫn nông dân ghi chép "Nhật ký đồng ruộng" để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, một trong những yêu cầu tất yếu của thị trường hiện nay. Trong ngành chăn nuôi cũng vậy, hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo cho việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm. Đây được xem là giải pháp phù hợp với xu hướng và định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng: "Trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm. Vì vậy, giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với các cơ sở sản xuất, các hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu".

CẦN TRỢ LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN

GS.TS Võ - Tòng Xuân cho rằng: "Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh vì cả nhà nước và doanh nghiệp đều chưa bảo đảm tìm được hoặc mở được thị trường nông sản một cách ổn định. Khi sản xuất, nông dân tự quyết định, không biết ai sẽ mua, mua bao nhiêu. Việc thực hiện theo Quyết định 80/2002/QĐ của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-6-2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng (buộc doanh nghiệp ký hợp đồng với từng nông dân bao tiêu sản phẩm) nhưng thực tế chẳng mấy khi bên mua giữ đúng hợp đồng mà mạnh ai nấy bán, nấy mua. Không chỉ các công ty và doanh nghiệp tư nhân mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính. Nông dân được "hô hào" nên trồng lúa giống này, không được trồng giống kia... nhưng khi thu hoạch thì bán chẳng được. Vì thế họ phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì, kỹ thuật nào để dễ bán, ít bị rủi ro nhất". Do vậy, GS.TS Võ - Tòng Xuân, nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp cần khắc phục ba thách thức lớn. Đó là: đổi mới giáo dục, thi hành chính sách vĩ mô và vi mô về pháp trị hữu hiệu và đổi mới chính sách nông nghiệp. Quan trọng nhất, cần chấm dứt cách làm manh mún, cục bộ, đơn ngành mà phải có sự cộng tác và điều phối đa ngành theo chuỗi giá trị nông nghiệp mới có thể phát triển nông thôn toàn diện được.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho rằng: "Chính sách hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp còn quá khiêm tốn. Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhưng vẫn khó tiếp cận được vào thực tế. Do vậy, nền nông nghiệp và ngành gạo của nước ta vẫn đang đứng ở mức phát triển gần như thấp nhất trên thế giới, kể cả chất lượng cũng như giá trị. Trong chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân thì vai trò và người thực hiện chính là doanh nghiệp. Thiết nghĩ, để trợ lực cho chuỗi giá trị nông nghiệp phát triển bền vững, thay vì hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể và nhiều hơn nữa đối với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn. Làm được như vậy tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện cánh đồng lớn và chắc chắn nền nông nghiệp và ngành gạo Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi theo hướng tích cực".

Nhiều đơn vị tham gia sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp cho rằng, để phát triển bền vững rất cần có sự trợ giúp. Điển hình như: Nhà nước cần có chính sách cho các mô hình liên kết như: cho đơn vị được vay vốn ưu đãi cũng như nới lỏng các qui định về điều kiện thế chấp, hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP. Nhà nước cần có chiến lược dài hạn về sản xuất và tiêu thụ nông sản, tổ chức lại sản xuất, giải quyết vấn đề nông hộ nhỏ để sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất theo chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh mối liên kết doanh nghiệp và nông dân; tổ chức lại đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đổi mới công nghệ và khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; xây dựng cơ sở công nghiệp, chế biến, dịch vụ… để giải quyết việc làm tại chỗ ở nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch sinh thái… Giải quyết được những vấn đề trên sẽ giảm dần chênh lệch thu nhập và đời sống tinh thần giữa nông thôn và thành thị.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết