27/02/2011 - 20:22

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CẦN THƠ:

Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng dạy và học

Trường Cao đẳng Cần Thơ là nơi đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và liên kết với một số trường đại học đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng chuẩn trình độ giáo viên ngành giáo dục - đào tạo TP Cần Thơ. Ngoài ra, trường còn đào tạo một số chuyên ngành ngoài sư phạm nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho thành phố và một số tỉnh ĐBSCL. Với chức năng, nhiệm vụ đó, cán bộ, nhân viên của trường đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) trong các hoạt động đã góp phần xây dựng Trường ngày càng phát triển vững mạnh...

Giờ thực hành tin học của sinh viên Lớp Cao đẳng Công nghệ thông tin A khóa 34, Trường Cao đẳng CầnThơ.

Năm 2006, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ đổi tên thành Trường Cao đẳng Cần Thơ (CĐCT) và chuyển hướng sang đào tạo đa ngành nghề. Ban đầu, trường gặp những khó khăn nhất định, như: Trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên, trang thiết bị... chưa đáp ứng yêu cầu. Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đã lãnh đạo đơn vị vượt qua khó khăn, động viên, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên tham gia học tập nâng cao trình độ, cải tiến khâu biên soạn giáo trình, giảng dạy, thường xuyên cập nhật thông tin cho phù hợp với yêu cầu mới. Ngoài các ngành sư phạm, trường còn mở thêm 11 ngành thuộc hệ cao đẳng và 7 ngành thuộc hệ trung cấp. Hiện nay, Trường CĐCT có 9.166 học sinh, sinh viên (HS-SV); trong đó, có 6.080 hệ chính quy và 3.080 hệ vừa học vừa làm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường CĐCT, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn xác định thực hiện QCDC nhằm phát huy quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác dạy và học, xây dựng cơ quan trong sạch, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ nhận thức trên, nhiều năm qua, thông qua các cuộc họp, hội nghị cán bộ công chức, Đảng ủy và Ban Giám hiệu đã triển khai quán triệt trong cán bộ, đảng viên, nhân viên của trường Nghị định 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện QCDC trong cơ quan và Quyết định 04/2000/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong các hoạt động nhà trường. Lãnh đạo trường xây dựng dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị và đưa ra cho cán bộ, nhân viên thảo luận, góp ý, ban hành QCDC của trường gồm 6 chương và 22 điều. Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của Hiệu trưởng; trách nhiệm và những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra; quan hệ giải quyết công việc giữa trường với các cơ quan quản lý cấp trên, chính quyền địa phương... Hằng tháng đều tổ chức họp giao ban giữa đại diện Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, tổ, trung tâm, các đoàn thể để trao đổi về tình hình hoạt động của trường tháng qua, thảo luận đề ra kế hoạch tháng tới. Sau đó, lãnh đạo các khoa, phòng, tổ, trung tâm, các đoàn thể tổ chức họp phổ biến cho cán bộ, nhân viên để tổ chức thực hiện. Trong hội nghị cán bộ công chức hàng năm, lãnh đạo đều công khai tài chính, đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng... để cán bộ, nhân viên đóng góp ý kiến, quyết định. Chị Hứa Như Ý, cán bộ Phòng Công tác HS-SV Trường CĐCT, cho biết: “Hầu hết cán bộ, nhân viên đều tán thành cách làm của lãnh đạo trường, mọi việc đều đưa ra bàn bạc, dân chủ công khai, từ việc nâng lương, khen thưởng, phê bình... Tất cả các hoạt động của cơ quan đều được niêm yết công khai để cán bộ, nhân viên kiểm tra, giám sát...”.

Lãnh đạo Trường CĐCT luôn lắng nghe, tôn trọng quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên và HS-SV. Mỗi năm 2 lần, lãnh đạo trường tổ chức đối thoại với từng phòng, khoa, tổ. Đại diện tổ chức Đoàn Thanh niên, đại diện các phòng, khoa đối thoại với HS-SV ít nhất 1 lần/ học kỳ. Bên cạnh đó, trường cũng thành lập bộ phận tư vấn và hướng nghiệp việc làm cho HS-SV để tư vấn, giải đáp thắc mắc khi có yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, cho biết: “Những cuộc đối thoại trực tiếp đã phát huy được quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên, HS-SV. Mọi người đều thẳng thắn đóng góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng đơn vị ngày càng phát triển. Những ý kiến đóng góp đều được lãnh đạo trường, cán bộ tiếp thu xử lý kịp thời không để tồn đọng hoặc những vấn đề gì mà cán bộ, nhân viên, HS-SV chưa hiểu đều được giải thích rõ ràng”. Lương Văn Bằng, sinh viên Cao đẳng ngành Khoa học Môi trường, cho biết: “Nhà em ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ba năm học ở trường, em thấy lãnh đạo trường rất quan tâm tạo điều kiện để tụi em an tâm học tập. Qua các cuộc đối thoại với lãnh đạo trường, Khoa những thắc mắc của HS-SV đều được giải đáp thỏa đáng. Có nhiều ý kiến đóng góp của HS-SV được lãnh đạo trường khắc phục. Chẳng hạn, khi nghe sinh viên phản ánh ở các phòng thí nghiệm thiếu các dụng cụ, hóa chất..., Ban Giám hiệu đã kiểm tra, cung cấp kịp thời để HS-SV thực hành thí nghiệm. Hay khi nghe HS-SV góp ý về cách giảng dạy còn cứng nhắc, các thầy cô thay đổi cách giảng dạy linh động, phù hợp hơn, giúp tụi em tiếp thu dễ dàng hơn và tiết học thoải mái hơn...”.

Xuất phát từ thực tế trong quá trình thực hiện QCDC, ông Nguyễn Ngọc Lợi, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường CĐCT, đúc kết: “Nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự quan tâm chỉ đạo thì nơi đó thực hiện tốt QCDC, tạo sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa cán bộ lãnh đạo và nhân viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết, biết phát huy sức mạnh tập thể”. Ông Nguyễn Ngọc Lợi cũng cho biết thêm, thời gian tới lãnh đạo trường sẽ tiếp tục tuyên truyền để toàn thể cán bộ, nhân viên của trường nhận thức sâu sắc về thực hiện QCDC. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường đào tạo cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện các chương trình đào tạo mới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học... nhằm nâng cao chất lượng dạy tốt và học tốt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH của thành phố...

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết