08/10/2018 - 21:20

Phát hiện và điều trị sớm bệnh giun chỉ 

15 năm nay, khổ sở với căn bệnh chân ngày càng to như chân voi, mặc dù đã đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, uống cả thuốc Tây lẫn thuốc Nam, thuốc Bắc nhưng bệnh của chị Hoàng Th. Th. (36 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh) không hề thuyên giảm. Tình cờ đọc thông tin trên báo, chị Th. biết được ở Cần Thơ có bác sĩ điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh tương tự như chị nên tìm đến.   


Giun chỉ trong máu. Ảnh: CTV

Căn bệnh đến với cô gái trẻ âm thầm, lặng lẽ, không có triệu chứng gì rõ rệt. Chị Th. kể, lập gia đình năm 22 tuổi, trong thời gian mang thai đứa con đầu lòng được khoảng 4 – 5 tháng tuổi, chị nhận thấy chân chị có dấu hiệu sưng to, kèm những nốt ban hồng. Chị Th. nghĩ rằng đó là triệu chứng phù nề chân thường gặp ở thai phụ nên không bận tâm mấy. Tuy nhiên, sau khi sinh con, chân sưng không hề xẹp mà tiếp tục to hơn, chị  đến bệnh viện địa phương khám bệnh và điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ cũng không chẩn đoán được chị mắc bệnh gì. Tình trạng sưng phù càng ngày càng nhiều, kèm theo khoảng 1 đến 2 năm chị Th. lại trải qua cơn đau nhức, nóng sốt, kéo dài khoảng 2 – 3 ngày khiến chị lo lắng.

Chị Th. cho biết thêm, trị bệnh ở bệnh viện địa phương không khỏi, chị và người thân tiếp tục tìm đến rất nhiều bệnh viện lớn  ở Hà Hội, Huế, TP Hồ Chí Minh điều trị, nhưng bệnh không khỏi, mà chân ngày càng to hơn.  Một lần tình cờ, em trai chị Th. đọc báo thấy thông tin Phó Giáo sư – bác sĩ Đàm Văn Cương – đang công tác tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ, điều trị thành công cho nhiều trường hợp mắc bệnh tương tự chị Th. nên quyết định đưa chị từ quê nhà vào Cần Thơ một chuyến. Trước khi vào, hai chị em đã liên hệ với bác sĩ Đàm Văn Cương, kể rõ bệnh tình và hẹn ngày vào khám.

Bác sĩ Đàm Văn Cương cho biết, tình trạng của chị Th. do nhiễm bệnh khá lâu nên gây nhiều biến chứng ở chân. Với trường hợp này, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, có thể ngăn chặn tình trạng di chứng như chân to, bìu to… Theo thống kê dịch tễ học, miền Bắc và miền Trung nước ta là nơi có nhiều người mắc bệnh lý này, trong đó có cả vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, nơi quê của chị Th. Trong thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Cương đã chẩn đoán được bệnh và điều trị thành công cho gần 20 trường hợp nhiễm giun chỉ đến từ nhiều nơi trong cả nước, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An,  Vĩnh Long, Bạc Liêu. Tương tự như trường hợp của chị Th., các bệnh nhân đến nhiều đơn vị y tế với dấu hiệu chân, tay và bìu sưng to nhưng chưa được xác định nguyên nhân mắc bệnh nên chậm trễ điều trị. Do việc xét nghiệm soi tươi tìm giun chỉ có phần khó khăn, thường chỉ nhìn thấy được vào khoảng nửa đêm.

Bác sĩ Đàm Văn Cương giải thích thêm, giun chỉ gây nên bệnh “chân voi”, do ký sinh trùng là ấu trùng giun chỉ xâm nhập vào máu gây tắc hệ thống bạch huyết, gây di chứng như bìu voi, chân voi, đái dưỡng chấp (nước tiểu đục trắng như nước vo gạo). Nhiều trường hợp bệnh không được điều trị sớm, gây di chứng nặng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức lao động của người bệnh...

Theo bác sĩ Đàm Văn Cương, triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh rất mơ hồ, giống như người mắc bệnh sốt xuất huyết, nổi mẩn đỏ trên da ở các bộ phận tay, chân và vùng bìu của nam; người bệnh còn có dấu hiệu như sắp phát sốt; kết quả xét nghiệm máu bạch cầu tăng. Đường lây truyền bệnh qua muỗi. Do vậy, cách phòng ngừa được bác sĩ khuyến cáo là ngủ mùng màn, tránh mũi đốt, không ăn các thực phẩm sống, nhất là ăn tiết canh heo, vịt, gỏi cá...

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bệnh giun chỉ