15/01/2020 - 14:46

Pháp sẽ dẫn dắt cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi? 

Pháp đang nỗ lực tăng cường hoạt động quân sự tại châu Phi song song với lời kêu gọi Mỹ duy trì hỗ trợ cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở khu vực này.

Ảnh: Reuters

Hôm 13-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và lãnh đạo 5 nước khu vực Sahel (Mali, Mauritania, Niger, Burkina Faso và Chad) đã tề tựu tại thành phố Pau miền Nam nước Pháp để bàn về an ninh và chống khủng bố tại châu Phi. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các nhóm khủng bố tăng cường hoạt động khiến bạo lực leo thang tại Sahel và Sahara.

Tuần rồi, Niger cho biết ít nhất 89 người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của các phiến quân nhắm vào binh sĩ ở miền Đông nước này. Hồi tháng 11-2019, hai trực thăng chiến đấu của Pháp cũng đã gặp nạn trong lúc truy đuổi các phần tử cực đoan gần biên giới Mali - Niger khiến 13 binh sĩ thiệt mạng. Đây là tổn thất quân sự nặng nề nhất đối với Pháp trong gần 4 thập kỷ.

Tại hội nghị, Pháp và 5 quốc gia Sahel khẳng định quyết tâm chống khủng bố khi nhất trí tập trung hoạt động quân sự dọc theo đường biên giới giữa Mali, Niger và Burkina Faso dựa trên bộ chỉ huy quân sự thống nhất. Tổng thống Macron nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là chống chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Greater Sahara. Để đạt được mục tiêu, ông Macron kêu gọi các bên thay đổi phương pháp hoạt động thông qua xây dựng liên minh quân sự với bộ chỉ huy chung của lực lượng Pháp và châu Phi. Cấu trúc quân sự mới được kỳ vọng cải thiện hoạt động chia sẻ tình báo, cho phép quân đội phản ứng nhanh hơn trên thực địa. Một kế hoạch cụ thể về thời gian và các mục tiêu cần thực hiện cũng sẽ được triển khai. Những mục tiêu này không chỉ về mặt quân sự mà còn liên quan chính trị.

Chủ nhân Điện Élysée cam kết bổ sung 220 binh sĩ cho chiến dịch quân sự Barkhane, được triển khai từ năm 2014. Pháp hiện có 4.500 binh sĩ đồn trú tại châu Phi. Dù vậy, sự hiện diện của quân đội Pháp cũng đang dấy lên làn sóng chỉ trích. Trong tuyên bố chung, các quốc gia vùng Sahel nhấn mạnh rằng Pháp can thiệp quân sự theo lời đề nghị giúp đỡ của họ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Trước đó một ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực của các nước châu Phi, Pháp và cộng đồng quốc tế ở Sahel nhằm tăng cường an ninh và chống khủng bố. Nhưng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho biết Washington có thể cân nhắc tái bố trí hoặc giảm lực lượng tại một số khu vực để chuyển sang Thái Bình Dương trong vài năm tới. Động thái này có thể nhằm tập trung nguồn lực đối phó mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Hiện Washington có khoảng 7.000 lính đặc nhiệm triển khai trên cơ sở luân phiên ở châu Phi, tham gia các hoạt động chung chống lại các chiến binh thánh chiến, đặc biệt ở Somalia. Lầu Năm Góc còn duy trì 2.000 binh sĩ phụ trách hoạt động huấn luyện ở khoảng 40 quốc gia châu Phi và hợp tác cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần và máy bay không người lái cho quân đội Pháp và các nước khu vực trong chiến dịch Barkhane ở Mali.

Trước "tin xấu" về sự rút lui của Washington, Tổng thống Macron hy vọng có thể thuyết phục người đồng cấp Mỹ Donald Trump về mối đe dọa khủng bố ở châu Phi. 

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết