08/11/2018 - 09:08

Pháp muốn châu Âu có một “quân đội thực sự” 

Hôm 6-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ảnh) kêu gọi châu Âu cần có khả năng tự vệ tốt hơn để không phải phụ thuộc vào Mỹ nữa. Ông cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và dân tộc sẽ đe dọa hòa bình mong manh của châu lục này.

Theo lập luận của chủ nhân Điện Élysée, cần phải có “quân đội châu Âu thực sự” để bảo vệ lục địa này trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là cả Mỹ. Thật ra, kể từ khi nhậm chức tổng thống hồi năm ngoái, ông Macron đã thúc đẩy thành lập một lực lượng quân sự phối hợp trong Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Macron cho biết EU đã trải qua 70 năm hòa bình và thịnh vượng nhưng “thời kỳ vàng” này có thể sẽ không kéo dài. Hòa bình tại EU hiện đang bấp bênh. Khối này trong thời gian qua đã nhiều lần đối mặt với các cuộc tấn công và can thiệp, đặc biệt trên không gian mạng.

 Ảnh: Independent

Tuy nhiên, lời kêu gọi mới của lãnh đạo Pháp có phần cấp bách hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một quyết định bất ngờ hồi cuối tháng rồi. Khi đó, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết năm 1987, với lý do Nga vi phạm thỏa thuận, điều mà Mát-xcơ-va bác bỏ. Sự ra đời của văn kiện này được cho là chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ lúc đó đã triển khai tên lửa đạn đạo đến lục địa già.

Tổng thống Macron cho rằng khi Mỹ rút khỏi hiệp ước trên, thì nạn nhân chính là châu Âu. Ngoài ra, ông Trump cũng từng cảnh báo Brussels có thể không nhận được sự bảo vệ từ Washington nếu không thực hiện đầy đủ cam kết về chi tiêu quốc phòng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu. Điều này khiến lãnh đạo quốc gia hình lục lăng hồi tháng rồi tuyên bố châu Âu có thể không còn dựa hoàn toàn vào Mỹ về vấn đề an ninh. Mặc dù quan hệ với ông Trump vẫn tốt đẹp, song ông Macron mô tả chính sách “Nước Mỹ trên hết” của vị lãnh đạo này là “đáng lo ngại”.

Những vấn đề trên càng khiến ông Macron muốn cựu lục địa phải có một đội quân chung. Theo đó, quân đội châu Âu tập hợp binh sĩ từ 9 quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sẽ có khả năng nhanh chóng tiến hành một chiến dịch quân sự chung, sơ tán dân khỏi vùng chiến sự hoặc cung cấp viện trợ sau thảm họa thiên nhiên. Hôm qua 7-11, bộ trưởng quốc phòng của 9 nước thuộc “Sáng kiến Can thiệp của châu Âu” đã gặp nhau lần đầu tiên tại Thủ đô Paris (Pháp) để bắt đầu thảo luận về cách thức hoạt động của lực lượng này.

 Trong động thái hưởng ứng lời kêu gọi của ông Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng nhiều khả năng quân đội châu Âu sẽ ra đời vào một ngày nào đó. Thật ra, lâu nay ông Juncker là người lớn tiếng ủng hộ ý tưởng EU nên tăng cường khả năng phòng thủ chung, tách khỏi NATO.  Kể từ năm 2007, liên minh này đã có 4 “nhóm tác chiến” đa quốc gia, nhưng binh sĩ chưa bao giờ được điều động. Được biết, EU dự kiến tăng ngân sách quốc phòng từ năm 2021, phân bổ khoảng 13 tỉ euro trong 7 năm để nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới. Đây là sự gia tăng đáng kể so với khoảng 600 triệu euro trong ngân sách quốc phòng hiện nay của khối. Hồi năm ngoái, EU đã thành lập một quỹ phòng thủ chung trị giá 6,3 tỉ euro nhằm phát triển năng lực quân sự của khối và giúp tăng cường tính độc lập chiến lược của châu lục này. 

THANH BÌNH (Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết