15/08/2020 - 11:30

Ông Trump ghi điểm? 

Israel và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian.

Tổng thống Trump (trái) công bố thỏa thuận hòa bình đạt được giữa hai đồng minh Trung Đông. Ảnh: Getty Images

Thỏa thuận mang tên Hiệp ước Abraham là kết quả của các cuộc thảo luận diễn ra trong một năm rưỡi qua và sau cùng được thống nhất trong cuộc điện đàm ngày 13-8 giữa Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed. Một tuyên bố chung sau đó cho biết cả ba nhà lãnh đạo nhất trí bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và UAE. “Bước đột phá ngoại giao lịch sử này sẽ thúc đẩy hòa bình ở Trung Ðông, là minh chứng cho tầm nhìn cùng chính sách ngoại giao táo bạo của 3 nhà lãnh đạo cũng như quyết tâm của UAE - Israel vạch ra lộ trình mới khai phá tiềm năng to lớn của khu vực” - tuyên bố nhấn mạnh.

Theo tinh thần thỏa thuận, phái đoàn Israel - UAE sẽ sớm gặp nhau để trao đổi việc lập đại sứ quán và hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực gồm an ninh, thương mại, đầu tư, công nghệ, viễn thông, năng lượng, y tế, văn hóa, môi trường, du lịch, mở các đường bay thẳng... Cả hai cũng tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp “công bằng, toàn diện và lâu dài” cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Trước mắt, Tel Aviv sẽ đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây do nước này chiếm đóng và thay bằng chính sách mở rộng quan hệ với các nước trong khối Arab và thế giới Hồi giáo.

►Palestine phản đối, Iran nghi ngờ

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức hàng đầu trong Chính quyền Palestine để đưa ra lập trường chính thức về thỏa thuận trên. Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki cho biết theo yêu cầu của Tổng thống Mahmoud Abbas, Bộ Ngoại giao Palestine đã quyết định lập tức triệu hồi Ðại sứ tại UAE nhằm phản đối thỏa thuận của UAE bình thường hóa quan hệ với Israel. Cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo này, Nabil Abu Rudeineh thì chỉ trích đây là “sự phản bội” đối với “Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine”.

Về phía Iran, một quan chức khẳng định Hiệp ước Abraham không đảm bảo hòa bình trong khu vực sau tuyên bố của đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook, rằng thỏa thuận giữa Tel Aviv và Abu Dhabi chính là “cơn ác mộng” đối với Cộng hòa Hồi giáo. Phản đối cái gọi là “chính quyền tội phạm Israel”, cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch Quốc hội Iran về các vấn đề quốc tế Hossein Amir-Abdollahian lên án hành vi của UAE “không hợp lẽ phải”, quay lưng với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine, rằng “sai lầm chiến lược” này sẽ nhấn chìm họ trong chủ nghĩa dân tộc Do Thái.

UAE là nước vùng Vịnh đầu tiên và quốc gia Arab thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel.

Hiện có nhiều ý kiến tranh cãi trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) về việc nước nào sẽ nối gót UAE công nhận Israel. Ngoài hai “ứng viên” tiềm năng là Bahrain cùng Oman, một số người còn dự đoán về sự tham gia của Saudi Arabia. Là tiếng nói quan trọng ở khu vực, việc Riyadh chấp thuận sẽ đánh dấu sự kiện gây “chấn động” trong lịch sử Trung Ðông, thậm chí địa chính trị toàn cầu.

►Món quà trước bầu cử

Trong tuyên bố, Tổng thống Trump khẳng định thỏa thuận trên là bước đi quan trọng đoàn kết hai trong số các đồng minh “thân cận và có năng lực nhất” của Mỹ ở Trung Ðông. Chủ nhân Nhà Trắng còn cho biết các thỏa thuận tương tự đang được thảo luận với nhiều quốc gia khu vực và ông hy vọng họ sẽ tiếp bước UAE “làm tan băng” quan hệ với Israel, hướng tới mục tiêu xây dựng một Trung Ðông “phồn thịnh, an toàn và hòa bình hơn”.

Trước thành quả ngoại giao này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói rằng ông không ngạc nhiên nếu Tổng thống Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình. Trong khi đó, giới quan sát coi đây là “bàn thắng” dành cho lãnh đạo Mỹ khi ông tìm cách tái đắc cử vào ngày 3-11 tới.

Ngày 13-8, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE có thể giúp thiết lập giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, qua đó mang lại hòa bình tại khu vực Trung Đông.

Trong tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cho biết ông Guterres đã hoan nghênh thỏa thuận, bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo Israel và Palestine quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, trong đó hướng tới việc thực thi giải pháp hai nhà nước theo đúng nghị quyết liên quan của LHQ, luật quốc tế và các thỏa thuận song phương. Tổng Thư ký Guterres cũng cảnh báo động thái sáp nhập sẽ đóng lại cánh cửa đàm phán giữa Israel và Palestine, hủy hoại triển vọng về thành lập nhà nước Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết